HỆ QUẢ CỦA CẢ MỘT XÃ HỘI Chuyện những người bán hàng và nhận chuyển hàng bị “bot bom” có lẽ đã trở thành một vấn đề dần trở nên phổ biến. Có...
HỆ QUẢ CỦA CẢ MỘT XÃ HỘI
Chuyện những người bán hàng và nhận chuyển hàng bị “bot bom” có lẽ đã trở thành một vấn đề dần trở nên phổ biến. Có những người bị bom tới hàng triệu đồng tiền đồ và phải tự bỏ tiền túi ra để trả cho các khoản bị thiệt hại này.
Mới đây là chuyện một cô gái mới đang còn là học sinh (cấp 3) đã bom hàng khoảng 1.2 triệu đồng. Và sau khi bị phê phán và lên án thì cô này lại viết một trạng thái công khai trên tài khoản cá nhân chửi rằng “số tiền chỉ có 1.2 triệu đồng không đáng gì” và “cộng đồng mạng chúng mày cũng vô học như nhau thôi”.
Nếu là chuyện bom hàng thì có thể câu chuyện chưa nghiêm trọng tới mức trở thành một vấn đề sâu rộng hơn cần phải bàn tới. Nhưng với những lời chửi bới và nhục mạ cộng đồng khi lên án hành vi sai trái của cô này thì đó là một sự đáng báo động về sự giáo dục.
Một người còn chưa đủ tuổi trưởng thành, còn đang tuổi ăn học, nhưng đã coi đồng tiền “của người khác” là một con số không đáng kể gì. Không hiểu là điều kiện sống và cung cách sống của cô gái này là như thế nào? Và gia đình giáo dưỡng cô gái đó ra sao để coi đồng tiền (bạc triệu) mồ hôi nước mắt (lao động chân chính) của người khác là “không đáng kể”? Sự coi rẻ đồng tiền và sức lao động của người khác là một lối tư duy nguy hại và rất phải lo lắng cho sự tử tế của một con người.
Hơn nữa, nếu một người biết được mình sai trái, làm điều không tốt, thì đáng ra sẽ phải nhìn lại và nhận lỗi để sửa sai. Nhưng không, cô gái tiếp tục chửi rủa và thách thức lại toàn bộ cộng đồng và dư luận khi lên án cái sai trái của bản thân cô này. Không chỉ coi rẻ tiền bạc và sự lao động của người khác, mà còn nhục mạ lại cả cộng đồng. Và theo thông tin thì cô này còn là con của một giáo viên, tức cô này sẽ nhận được ba sự giáo dục cùng lúc: nhà trường nơi cô này học, cha mẹ và cũng là giáo viên khi ở nhà - nhưng có vẻ như các sự giáo dục này lại không đem lại kết quả tốt cho một tâm hồn và nhận thức, phẩm cách.
Mới là một đứa trẻ, một học sinh, con một nhà giáo, lại coi rẻ đồng tiền và sự lao động của người khác, dùng sự vô giáo dục của mình để gây thiệt hại và làm mệt mỏi người khác, không những vậy còn tiếp tục chống lại và chửi bới toàn thể cộng đồng.
Đây đã trở thành một hiện tượng phổ biến của xã hội: người lớn hư hỏng kiểu của người lớn, trẻ nhỏ hỏng kiểu trẻ nhỏ, nhưng tựu trung lại, cái cuối cùng chúng ta nhận ra đó là con người ngày càng mất đi phẩm cách và sự tử tế, ở đó chỉ còn sự hống hách, ngang ngược, vô pháp và vô đạo. Con người mất đi những chuẩn mực hành xử mà mạnh ai người nấy làm.
Những đứa trẻ tham gia cùng cha mẹ chạy chọt thi cử. Giáo viên chạy chọt để được biên chế. Công chức, cán bộ chạy để được thăng tiến. Người dân chạy chọt để được việc. Và ra đường là thấy người ta chửi bới, hành hung hay đánh đập nhau. Người ta thách thức nhau, cạy quyền, cạy thế trước nhau.
Đúng là một xã hội hư hỏng và đổ đốn, thế nên những đứa trẻ rồi cũng chịu chung một hậu quả của sự tha hoá đó mà chúng không còn nhận ra nữa.
Lê Luân
Không có nhận xét nào