HỘI NHẬP Hôm nay có tin chính thức là Việt Nam đã được EU phê chuẩn EVFTA. Đây là một tin tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiề...
HỘI NHẬP
Hôm nay có tin chính thức là Việt Nam đã được EU phê chuẩn EVFTA. Đây là một tin tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn vì hai cường quốc Trung-Mỹ đối đầu nhau.
Bất chấp những rắc rối về quan hệ ngoại giao của Việt Nam và Đức sau “scandal tình báo đối ngoại Trịnh Xuân Thanh” thì Đức, một quốc gia có tiếng nói quan trọng trong EU vẫn ủng hộ Việt Nam hội nhập.
Một khi EU sau nghị quyết D-Day đã quyết định sẽ cùng Mỹ chống Trung thì Việt Nam là một đồng minh quan trọng cần được các đại cường quốc nâng đỡ. Nhật ủng hộ Việt Nam bằng CPTPP thì Đức ủng hộ Việt Nam bằng EVFTA. Dĩ nhiên là hiệp định thì hai bên cùng có lợi chứ không chỉ VN có lợi, nhưng cần thừa nhận là chúng ta đang cần hơn.
Việc khía cạnh nhân quyền trong vụ Trịnh Xuân Thanh đã bị hai phía Đức-Việt cùng thống nhất làm lắng xuống để cùng hướng đến EVFTA cho thấy lý luận về việc dân chủ-nhân quyền là tương đối và lợi ích quốc gia là tuyệt đối (như tôi vẫn lý luận lâu nay) là có cơ sở. Vấn đề dân chủ phải đứng sau vấn đề địa chính trị trong ưu tiên của các cường quốc và trong nhận thức của mỗi chúng ta.
Những người ủng hộ Việt Nam cải cách dân chủ cần thấy như vậy để có hướng đi phù hợp với chính trị quốc tế. Cần tập trung nghiên cứu chính trị quốc tế để biết khi nào các cường quốc tính toán cái gì để có ứng xử phù hợp theo.
Không có con thuyền nhỏ yếu nào chỉ biết đi ngược dòng sông lớn mà hi vọng rằng sẽ đến đích.
Những người quan tâm đến chính trị Việt Nam thường hay kêu gọi nhân dân và đảng CSVN thúc đẩy Việt Nam hội nhập sâu với tư bản nhưng bản thân mình thì trì trệ. Lúc tư bản muốn thúc đẩy địa chính trị thì quay qua đòi dân chủ nhân quyền triệt để. Thế là thay vì vừa qua đầu tư thời gian, công sức để thúc đẩy Việt Nam hội nhập hơn nhằm tranh thủ thời cơ, giảm bớt khó khăn... thì lại loay hoay tại chỗ, làm mất thời gian của mình và của nhân dân chờ nghe tiếng nói của mình.
Dòng chảy dân chủ Việt Nam phải luôn nằm trong dòng chảy chính trị lớn của quốc tế, đó là xu hướng cơ bản và yêu cầu bắt buộc không thể khác đi.
H.M
Không có nhận xét nào