INDO-PACIFIC (phần 2) 1/ GIỚI THIỆU CHIẾN LƯỢC Indo-Pacific là khu vực quan trọng nhất trong tương lai của Mỹ. Trải dài từ bờ biển phía Tâ...
INDO-PACIFIC (phần 2)
1/ GIỚI THIỆU CHIẾN LƯỢC
Indo-Pacific là khu vực quan trọng nhất trong tương lai của Mỹ. Trải dài từ bờ biển phía Tây của Mỹ đến bờ biển phía Tây của Ấn Độ, khu vực này là nơi có dân số đông nhất thế giới, nhiều nền dân chủ nhất, các nước Hồi giáo lớn nhất và chiếm hơn một nửa dân số thế giới.
Khu vực này có 7 nước nằm trong top 10 nước có quân đội lớn nhất thế giới, và 6 quốc gia trong khu vực này có vũ khí hạt nhân. 9 cảng biển trong khu vực này thuộc top 10 cảng biển nhộn nhịp nhất thế giới, 60% hàng hóa vận chuyển bằng đường biển phải đi qua châu Á, 1/3 lượng tàu vận chuyển của thế giới đi qua Biển Đông.
Tổng thống Donald J. Trump phát biển tại hội nghị APEC CEO Summit ngày 10/11/2017 như sau: “Câu chuyện của Indo-Pacific trong những thập kỷ gần đây là việc người dân có quyền định đoạt tương lai của họ…khu vực này sẽ phát triển thành nhóm các quốc gia xinh đẹp, mỗi nước là một ngôi sao sáng, không phụ thuộc vào bất kỳ nước nào”.
Mỹ là quốc gia Thái Bình Dương với 5 bang thuộc Thái Bình Dương gồm: Hawaii, California, Washington, Oregon, và Alaska; và các vùng lãnh thổ: Guam, American Samoa, Wake Islands, Commonwealth of Northern Mariana Islands (CNMI). Các công ty Mỹ đã kinh doanh tại châu Á từ thế kỷ 18, và hiện tại xét trong khuôn khổ APEC: giá trị thương mại giữa Mỹ và các nước là 2.300 tỷ đô, đầu tư của Mỹ vào khu vực này là 1.300 tỷ đô, nhiều hơn các nước Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc cộng lại.
Khu vực Indo-Pacific đóng góp 2/3 tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu và chiếm 60% giá trị GDP toàn cầu. Khu vực này bao gồm các nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản) và 6 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới (Ấn Độ, Campuchia, Lào, Burma, Nepal và Philippines). ¼ hàng hóa xuất khẩu của Mỹ là đi vào khu vực Indo-Pacific, xuất khẩu vào Trung Quốc và Ấn Độ đạt hơn gấp đôi trong thập niên qua. Đạt được điều này là nhờ vào tự do lưu thông hàng hóa đường không, đường bộ, đường biển, không gian và không gian mạng của hệ thống toàn cầu.
1.1. Lịch sử của nước Mỹ gắn liền với Indo-Pacific
Quyền bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick M. Shanahan, phát biểu tại Ủy ban quân vụ Thượng viện ngày 14/03/2019: “Bắt đầu ở Indo-Pacific, chiến trường ưu tiên của Mỹ, chúng ta tiếp tục theo đuổi nhiều vành đai và nhiều con đường bằng cách giữ cho các đồng minh lâu năm tiếp tục mạnh mẽ và phát triển mối quan hệ với các đối tác.”
Mối gắn kết của Mỹ với vùng Indo-Pacific đã có trong lịch sử và tương lai của Mỹ cũng không thể tách rời khỏi khu vực này. Mỹ đã đóng góp cả máu và tài sản để duy trì tự do, sự cởi mở và tạo ra cơ hội trong khu vực. Sự hiện diện của Mỹ đảm bảo an toàn các tuyến đường biển thiết yếu của khu vực Indo-Pacific và cho thấy sự ủng hộ đối với thương mại và thịnh vượng toàn cầu. Các lãnh đạo Mỹ, nhà ngoại giao, lực lượng quân sự và các công ty Mỹ đã giúp đỡ hình thành và cải thiện các quy tắc minh bạch và rõ ràng của hệ thống quốc tế, giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp, và các nguyên tắc cần thiết đối với an ninh và sự thịnh vượng của khu vực.
Quá khứ, hiện tại và tương lai của Mỹ gắn liền với Indo-Pacific. Mỹ đã có mặt tại khu vực cách đây 2 thế kỷ, cùng nhau theo đuổi sự thịnh vượng đến từ thương mại công bằng và hỗ trợ lẫn nhau, tự do mua bán và tự do hàng hải. Năm 1784 trong vòng vài tháng sau khi ký Hiệp định Paris, Mỹ đã gửi tàu thương mại Empress of China để khởi đầu mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Năm 1804, tổng thống Thomas Jefferson đã gửi những nhà thám hiểm Lewis và Clark trong chiến dịch khám phá bờ biển Thái Bình Dương, nơi đây được Jefferson xem là cửa ngõ để tăng cường kinh doanh và thương mại.
Năm 1817, Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết đầu tiên triển khai dài hạn tàu chiến đến Thái Bình Dương. Đầu thế kỷ 19, Mỹ bắt đầu quan hệ với Thái Lan và sau đó đã đạt thỏa thuận giao thương với Nhật vào những năm của thập niên 1850. Cuối thế kỷ 19, Mỹ thành lập chính sách “Open Door” với Trung Quốc nhằm tăng cường cơ hội giao thương hàng hóa ở Trung Quốc và tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc.
Vào thế kỷ 20, Mỹ mở rộng vai trò ở khu vực khi phải đối đầu với chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phát xít, và đi đầu chống chủ nghĩa cộng sản trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Đầu thập niêm 1950 đánh dấu nhiều cột mốc: Mỹ và Philippines ký hiệp ước phòng thủ chung vào tháng 8/1951, Mỹ cùng Úc và New Zealand ký hiệp ước an ninh vào tháng 9/1951, cả hai hiệp ước nhằm tìm kiếm hòa bình trong khu vực. Trong bảy thập niên kể từ thế chiến thứ 2, dựa vào hệ thống các nước đồng minh của Mỹ và các lực lượng Mỹ được triển khai mà khu vực Indo-Pacific đã được hòa bình, tạo ra sự ổn định cần thiết để đem đến sự thịnh vượng kinh tế cho Mỹ và khu vực.
Để theo đuổi sự hợp tác, không phải là sự lấn át, sau thế chiến 2 Mỹ đã thành lập đồng minh với Nhật và Hàn Quốc để kích thích sự bùng nổ kinh tế của cả 2 nước này. Ở Đài Loan, Mỹ đã giúp đỡ để tạo nên một xã hội cởi mở và dân chủ, từ đó đảo này đã phát triển thành một thế lực công nghệ cao. Vào thập niên 1970 và 1980, Mỹ đã đầu tư vào Hồng Kông, Singapore, và các nền kinh tế Đông Nam Á khác, cũng như là ủng hộ thành lập các tổ chức như: ASEAN, diễn đàn APEC, ngân hàng ADB, tất cả điều này đóng góp vào tăng trưởng của khu vực. Song song đó, Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc vào năm 1979, điều này đã giúp trao đổi kinh tế và mở rộng chính sách nhất quán của Mỹ về thị trường tự do, cởi mở và cơ hội kinh doanh công bằng cho tất cả các nước trong khu vực. Vào đầu thế kỷ 21, Mỹ đã ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO, với niềm tin rằng tự do kinh tế sẽ giúp Trung Quốc hợp tác tốt hơn với Mỹ và thế giới tự do.
Như lịch sử đã chứng minh và tương lai cho thấy là cần thiết, Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò chính trong việc duy trì ổn định ở Indo-Pacific để hỗ trợ tham vọng ngoại giao và kinh tế của Mỹ. Để làm được điều đó, Mỹ phải duy trì vị thế chiến đấu đáng tin cậy, tăng cường sức mạnh của các đồng minh, xây dựng các đối tác mới và nâng cao gia tăng kết nối khu vực. Những hành động này sẽ giúp Mỹ duy trì được sự tự do, cởi mở, bảo vệ chủ quyền, độc lập và thống nhất lãnh thổ trong khu vực Indo-Pacific.
1.2. Tầm nhìn và những nguyên tắc dành cho khu vực Indo-Pacfic tự do và cởi mở
Năm 2017, tổng thống Trump đã thông báo tầm nhìn của Mỹ về “một Indo-Pacific tự do và cởi mở” tại hội nghị APEC diễn ra tại Việt Nam, và cam kết của Mỹ về việc đem lại sự an toàn, an ninh, thịnh vượng và tự do cho khu vực sẽ có lợi cho tất cả các nước. Tầm nhìn này xuất phát từ nguyên tắc chung ủng hộ trật tự thế giới hiện tại vốn đang đem lại lợi ích cho các quốc gia trong khu vực, những nguyên tắc nước Mỹ cam kết duy trì:
1. Tôn trọng chủ quyền và độc lập của tất cả các nước.
2. Giải quyết tranh chấp bằng hòa bình.
3. Tự do, công bằng và lợi ích thương mại dựa vào đầu tư cởi mở, những thỏa thuận minh bạch và kết nối.
4. Tuân thủ những quy ước và luật lệ quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và hàng không.
Nguyên Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jame N. Mattis phát biểu tại đối thoại Shangri-La ngày 01/06/2018: “Nước Mỹ đề nghị mối quan hệ đối tác chiến lược, chứ không phải là sự lệ thuộc chiến lược. Ở bên cạnh đồng minh và đối tác, Mỹ luôn cam kết duy trì an ninh, sự ổn định và thịnh vượng kinh tế của khu vực.”
Tầm nhìn của Mỹ đối với tự do ở Indo-Pacific nghĩa là bất cứ quốc gia nào dù lớn hay nhỏ đều được đảm bảo chủ quyền một cách tự do mà không bị quốc gia khác đe dọa. Ở tầm quốc gia điều này có nghĩa là chính phủ quản trị tốt và đảm bảo công dân có được những quyền và sự tự do cơ bản.
Tầm nhìn của Mỹ đối với một Indo-Pacific cởi mở là khuyến khích tăng trưởng bền vững và kết nối trong khu vực. Điều này có nghĩa các quốc gia trong khu vực được tự do trong vùng biển, vùng trời quốc tế và lĩnh vực không gian cùng không gian mạng, và có thể theo đuổi giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải. Ở tầm kinh tế, điều này có nghĩa là thương mại công bằng và lợi ích cho các bên, môi trường đầu tư cởi mở, và những thỏa thuận minh bạch giữa các quốc gia.
Tầm nhìn của Mỹ về một Indo-Pacific tự do và cởi mở thừa nhận sự kết nối giữa kinh tế, quản trị điều hành và an ninh vốn là những lĩnh vực cạnh tranh trong khắp khu vực, an ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia. Để đạt được tầm nhìn này, Mỹ sẽ duy trì sự tuân thủ luật pháp, khuyến khích sự năng động trong xã hội dân sự và quản trị minh bạch của chính phủ, thực hiện tốt những điều này sẽ dần làm lộ ra những ảnh hưởng bất lợi đe dọa sự phát triển kinh tế ở khắp mọi nơi. Tầm nhìn của Mỹ mong muốn tạo ra một trật tự khu vực mà các quốc gia độc lập có thể bảo vệ quyền lợi và cạnh tranh công bằng trên trường quốc tế. Tầm nhìn này thừa nhận rằng không một nước nào có thể áp đặt khu vực Indo-Pacific.
Thừa nhận nhu cầu đầu tư lớn hơn trong khu vực, bao gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Mỹ khuyến khích sự phát triển của các tổ chức tài chính để Mỹ trở thành đối tác tốt hơn và chủ động hơn. Các bộ và những cơ quan khác trong chính phủ Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác trong khu vực sẽ cung cấp những giải pháp trọn gói để xây dựng những sản phẩm cụ thể và chuyển giao kinh nghiệm.
Cuối cùng, việc duy trì một trật tự tự do và cởi mở giúp nâng cao sự phát triển trong khu vực bởi vì một môi trường minh bạch và được tổ chức tốt sẽ kích thích đầu tư thương mại toàn cầu, vượt qua nguồn lực độc quyền của bất cứ quốc gia nào. Nước Mỹ không cô đơn trong việc theo đuổi sự tự do và cởi mở trong khu vực Indo-Pacific, nhiều đồng minh và đối tác đã cùng chia sẻ tầm nhìn này với Mỹ:
- Thủ tướng Nhật Bản phát biểu tại ngày 22/01/2018: Chúng ta phải đảm bảo rằng những vùng biển này sẽ đem lại hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người ở hiện tại và tương lai.
- Tổng thống Pháp phát biểu tại chuyến thăm chính thức Úc ngày 02/05/2018: Điều quan trọng hiện giờ là duy trì sự phát triển trong khu vực dựa trên tuân thủ luật lệ. Đó là duy trì sự cân bằng cần thiết trong khu vực.
- Trích phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ tại Hội nghị Shangri-La ngày 01/06/2018: Những quy tắc và luật lệ nên dựa trên sự đồng thuận của tất cả các bên, không phải dựa trên sức mạnh của một vài nước.
- Thủ tướng Úc phát biểu tại hội nghị CEO APEC ngày 17/11/2018: Chúng tôi muốn một hệ thống dựa trên luật lệ, tôn trọng chủ quyền và sự độc lập của từng quốc gia, và điều kiện tiên quyết cho sự thịnh vược là cam kết đảm bảo an ninh trong khu vực.
- Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng New Zealand phát biểu tại Đại học Georgetown ngày 15/12/2018: Những giải pháp tập thể đối với các thử thách chung trong khu vực Thái Bình Dương đòi hỏi sự gắn kết mạnh mẽ và sống động của những tổ chức có thể chuyển đổi chính trị thành hành động với những đối tác có thể gắn kết nỗ lực của họ với những ưu tiên của khu vực.
Một khu vực Indo-Pacific tự do và cởi mở được xây dựng trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, trách nhiệm, ưu tiên và sự tin cậy. Trong lúc Mỹ không hối tiếc khi giới thiệu các giá trị và niềm tin Mỹ, Mỹ không cố gắng áp đặt cách sống lên các quốc gia khác. Để duy trì sự năng động đem lại lợi ích cho tất cả các bên trong khu vực, mỗi quốc gia trong khu vực cần phải chia sẻ trách nhiệm, cùng nhau đóng góp và duy trì, vì bản thân trật tự khu vực sẽ không thể tự duy trì điều đó. Mỹ sẽ duy trì các cam kết, nhưng Mỹ cũng cần các đồng minh và đối tác đóng góp những phần tương ứng, bao gồm đầu tư hiện đại hóa năng lực quốc phòng.
Để đi đến tầm nhìn này là sự ưu tiên của cả chính phủ mỹ với việc tận dụng những sức mạnh và giá trị của xã hội Mỹ. Như ngoại trưởng Pompeo đã nói: Người Mỹ và toàn thế giới sẽ có được lợi ích trong sự thịnh vượng và hòa bình của khu vực Indo-Pacific. Đó là lý do tại sao khu vực Indo-Pacific phải tự do và cởi mở.
Cam kết của cả chính phủ Mỹ đã được thể hiện tại Diễn đàn kinh doanh Indo-Pacific năm 2018, khi đó ngoại trưởng Pompeo, Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross, Trưởng cơ quan phát triển quốc tế Mark Green và các quan chức cấp bộ trưởng khác đã cùng nhau triển khai kế hoạch mở rộng đầu tư của cả chính phủ Mỹ và tư nhân vào các lĩnh vực ở Indo-Pacific: cơ sở hạ tầng, năng lượng và kinh tế kỹ thuật số.
Mỹ cũng đã thiết lập mới mối quan hệ đối tác tài chính với Nhật Bản, Úc, Canada và EU bằng những nguồn lực và thẩm quyền được quy định trong đạo luật BUILD đã được tổng thống Trump ký thành luật vào tháng 10/2018.
Một tháng sau đó, phó tổng thống Mike Pence đã thông báo hợp tác với Nhật Bản trong dự án đầu tư vào năng lượng ở khu vực trị giá 10 tỷ đô la Mỹ, thành lập mối quan hệ đối tác giữa những thành phố thông minh Mỹ-ASEAN và hình thành đối tác cung cấp điện gồm 5 quốc gia ở Papua New Guinea. Phó tổng thống cũng thông báo Kế hoạch minh bạch Indo-Pacific (Indo-Pacific Transparency Initiative) để giúp các quốc gia thu hút nguồn đầu tư chất lượng cao và chống lại tham nhũng và dùng vũ lực đe dọa chủ quyền, bằng cách cải thiện xã hội dân sự và nâng cao năng lực quản trị của chính phủ. Bên cạnh đó, đạo luật Asia Reassurance Initiative đã được tổng thống Trump ký thành luật vào ngày 31/12/2018.
Luật này đã tạo ra nền tảng chính sách cho cả chính phủ, chứng minh sự cam kết với tự do và cởi mở ở khu vực Indo-Pacific và bao gồm kế hoạch tăng cường đảm bảo chủ quyền, tuân thủ luật pháp, dân chủ, hội nhập kinh tế và an ninh khu vực.
Khi kinh tế và dân số của khu vực gia tăng, chiến lược của Mỹ cũng sẽ thích nghi để đảm bảo rằng Indo-Pacific là khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng, chứ không phải là khu vực mất trật tự, mâu thuẫn và bóc lột kinh tế. Để gắn kết những nguyên tắc tự do và cởi mở này sẽ cần nỗ lực từ nhiều cơ quan và lĩnh vực: những kế hoạch ngoại giao, xây dựng năng lực quản trị điều hành, hợp tác kinh tế và ủng hộ thương mại, và hợp tác quốc phòng.
(Còn tiếp)
H.M
#indopacifictiengviet
Không có nhận xét nào