Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

MỞ LON G20

MỞ LON G20 Hội nghị G20 đã kết thúc như chúng ta dự báo. Điều quan trọng nhất là Mỹ-Trung đã tạm khoanh lại việc đối đầu giữa hai bên. Trong...

MỞ LON G20

Hội nghị G20 đã kết thúc như chúng ta dự báo. Điều quan trọng nhất là Mỹ-Trung đã tạm khoanh lại việc đối đầu giữa hai bên. Trong binh pháp gọi đây là “lui binh 30 dặm”. Nghĩa là tướng sĩ hai bên vẫn đối đầu nhau nhưng hai bên mỗi bên lùi lại 30 dặm để đóng quân.

Trong đánh nhau chính trị, bước lùi này là cần thiết để hai bên ổn định lại sau một thời gian hành quân chinh chiến kéo dài căng thẳng. Là lúc thể hiện tầm mức chính trị, làm sao để đạt chiến thắng sau cùng mà ít hao phí nhất. 

Chiến thắng thì ai cũng muốn nhưng quan trọng là thắng kiểu nào và cái giá phải trả là gì. Bản lĩnh của bộ máy chỉ huy quan trọng nhất là lúc lui binh này.

G20 năm nay đánh dấu sự gần lại của phe đồng minh và Nga. Đầu tiên là EU đã chấp thuận cho Nga trở lại ủy ban nhân quyền, tiến tới tháo dần cấm vận  cho nước này. Cũng như Nhật Bản và Nga đã lên kế hoạch cùng hợp tác kinh tế ở các hòn đảo mà hai nước đang tranh chấp. 

Nhật cũng phụ Mỹ trong việc tấn công Trung Quốc. Vừa hợp tác lôi kéo Nga vừa tiếp tục chỉ trích Trung Quốc. Thủ tướng Abe đã chất vấn Tập Cận Bình về các vấn đề Hong Kong và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Thành ra tin đồn về việc Trump có thể hủy bỏ Hiệp định an ninh Mỹ-Nhật là tin vịt.

Nhật Bản cũng là nước khởi xướng những “Nguyên tắc về đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng” (Principles for Quality Infrastructure Investment) và được các lãnh đạo G20 thông qua. Văn bản này được xem là nhắm vào những hoạt động cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng của TQ thông qua BRI. Nhật khởi xướng văn bản này để giải quyết những lo ngại về các khoản nợ lớn mà các nước đang phát triển đã vay TQ để xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Các nước nhỏ Asean là khách mời của G20 như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia... hẳn nhiên là được hưởng lợi nhiều khi Nhật Bản đứng ra thúc đẩy việc này.

Để tập trung cho chiến lược chủ đạo là Indo-Pacific, Mỹ cần tách Nga ra khỏi Trung Quốc. Điều này ở G20 đã đạt được một số tiến triển. Dễ thấy nhất là Iran đã phải dịu giọng lại với phe đồng minh. Đại giáo chủ Khamenei của nước này hẳn nhiên không dám lớn tiếng nữa một khi Nga-Mỹ đã bắt tay nên phe chủ chiến đã im lặng lại. Tổng thống Iran trong cuộc gặp với Pháp đã nói rằng nước này không muốn chiến tranh với Mỹ. 

Hàm ý phía sau của phát biểu này là nếu phe chủ chiến Khamenei có sự va chạm với Mỹ thì ông này phải tự chịu hậu quả. Nghĩa là Mỹ cứ tấn công Đại giáo chủ chứ không phải tấn công Iran, nếu cần.

Pháp không chỉ tích cực hỗ trợ cho hợp tác Nga, Mỹ tại Iran mà còn tiếp tục ủng hộ Mỹ tiếp tục chiến lược Indo-Pacific. Sự nhất quán ủng hộ Mỹ của Pháp lúc này rất quan trọng để lôi kéo EU sát cánh với Mỹ. Cần chú ý là Pháp-Mỹ vẫn luôn chỉ trích nhau nhưng luôn bắt tay khi cần thiết. 

Sự ổn định của Pháp, Anh trong tư thế đồng minh chiến lược của Mỹ sẽ là nhân tố quan trọng để Đức đi theo.

Không chỉ Iran, việc bắt tay với Nga còn làm Mỹ thúc đẩy tiến trình hoà bình ổn định hơn cho Afganistan. Vòng đàm phán thứ 7 với phe hồi giáo Taliban tại nước này do có Nga ủng hộ, sẽ được phát triển tiếp tục.

Có vẻ như Nga, Mỹ cũng đã đàm phán xong cho cả Venezuela. Sắp đến Mỹ sẽ cứng rắn hơn với phe Maduro tại nước này, đồng thời Brazil cũng sẽ ủng hộ Mỹ. Việc đoàn Brazil hủy cuộc gặp song phương với đoàn Trung Quốc tại G20 cho thấy tại khu vực Nam Mỹ thì Mỹ vẫn có ảnh hưởng lớn hơn Trung Quốc và Brazil cũng đã thấy hướng đi mới của Nga-Mỹ tại Venezuela. 

EU và khối Nam Mỹ Mercosur đã đồng ý phát triển hiệp ước thương mại tự do. Cùng với EVFTA cho Việt Nam, chúng ta thấy EU đang cùng Mỹ lôi kéo các đồng minh nhỏ trong vấn đề ứng phó chính sách với Trung Quốc. EU và Mỹ đang lôi kéo Nga tháo bỏ dần những miệng hố chiến tranh khác trước khi tất cả cùng tiến xa hơn ở Biển Đông.

Dư luận đang thấy khó hiểu về vấn đề Huawei. Thực ra chính sách của Mỹ về tập đoàn này không có gì thay đổi về cơ bản. Trump vẫn cấm tập đoàn này bán hàng tại Mỹ. Còn các công ty Mỹ muốn bán hàng cho Huawei thì cứ bán để kiếm tiền, miễn là các sản phẩm mua bán giữa hai bên không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ. 

Một khi Trung-Mỹ đã quyết định “lui binh 30 dặm” thì tướng sĩ hai bên trong lúc nghỉ ngơi cứ tranh thủ kiếm tiền thêm. Đó là tư duy làm chính trị cấp cao.

Tổng kết lại, sau G20 ta sẽ thấy Mỹ “nhường” Iran, Afganistan, Syria cho Nga để đổi lấy Nga ủng hộ Mỹ ở Venezuela và trung lập ở Biển Đông. Bước đệm giữa Mỹ và Nga để ràng cột lợi ích nhau là EU, Nhật Bản và Ấn Độ. Trump đã đạt được nhiều lợi thế cho Mỹ tại G20 hơn là Tập đạt được cho Trung Quốc.

Cái Tập đạt được lớn nhất tại G20 này là lời hứa đình chiến của Trump và Mỹ để Tập có thể ổn định lại quan hệ với  giới trung lưu ở Trung Quốc. Việc Tập có thể tiếp tục làm vua hay không nằm phần lớn ở giới này. 

Trump cũng được lợi là nếu tạm đình chiến để giúp Tập giữ ghế thì ông có cơ hội chia lại bàn cờ thế giới với Putin, có lợi chung cho trục Mỹ và Nga-EU, cũng như thuận lợi hơn trong vấn đề Triều Tiên. Từ đó về mặt cá nhân ông cũng có nhiều cơ hội để làm đại đế cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Việt Nam được hưởng lợi chính sách sau G20 rất nhiều, vấn đề là đảng CSVN có thể tận dụng được đến đâu.

Phát biểu của Trump về quan hệ thương mại Mỹ-Việt cần coi là đòn bẩy để cải cách chính trị để tiến tới Đại Hội 13.

H.M





Không có nhận xét nào