Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NGƯỜI HONG KONG XUỐNG ĐƯỜNG VÌ ĐIỀU GÌ?

NGƯỜI HONG KONG XUỐNG ĐƯỜNG VÌ ĐIỀU GÌ? Tin tức lớn nhất ở Châu Á trong 24h qua là sự kiện ít nhất 250 ngàn người Hong Kong biểu tình chống ...

NGƯỜI HONG KONG XUỐNG ĐƯỜNG VÌ ĐIỀU GÌ?

Tin tức lớn nhất ở Châu Á trong 24h qua là sự kiện ít nhất 250 ngàn người Hong Kong biểu tình chống lại Dự Luật Dẫn Độ có thể được thông qua trong tuần này (con số này do chính quyền cung cấp trong khi những người tổ chức biểu tình đưa ra con số 1 triệu người tham gia – bằng 1/7 dân số Hong Kong!).

Vì sao người Hong Kong tham gia biểu tình đông như vậy và Dự Luật Dẫn Độ nói gì là một câu chuyện rất thú vị. Nó còn là một bài học đáng suy ngẫm cho chính người Việt Nam chúng ta trước những vấn đề xã hội.

Chúng ta sẽ phản ứng thế nào với vụ việc sau đây? Tháng Hai năm 2018, Chan Tung-kai – một thanh niên Hong Kong 20 tuổi – đã ra tay sát hại bạn gái 19 tuổi của y là Poon Hiu-wing khi hai người đang đi du lịch cùng nhau ở Đài Loan. Điều đáng nói hơn là lúc này, Poon đang mang trong mình một cái thai. Chan sau này lấy hết tài sản của cô gái, giấu xác cô vào một chiếc vali, và lên đường về lại Hong Kong. Cảnh sát Hong Kong sau đó bắt được y khi hắn đang sử dụng điện thoại và thẻ tín dụng của cô gái xấu số. Chan mau chóng nhận tội và từng tình tiết man rợ được y khai ra. Dư luận Hong Kong, Đài Loan, và cả Trung Hoa Đại Lục rất bất bình và đòi phải xử hắn một cách thật nghiêm khắc.

Tuy nhiên, do Chan bị bắt ở Hong Kong cho nên tòa án Hong Kong sẽ xét xử hắn. Nhưng theo luật Hong Kong, tòa án ở đây không thể xét xử những hành vi xảy ra bên ngoài lãnh thổ Hong Kong được. Khi gây án, cả Chan và Poon đều ở Đài Loan nên tòa án Hong Kong đương nhiên không có thẩm quyền xét xử hành vi giết người. Điều này đúng về mặt pháp lý vì Hong Kong chỉ là một đặc khu chứ không phải một quốc gia và có những thẩm quyền giới hạn về lãnh thổ. Cuối cùng, tòa án Hong Kong chỉ có thể kết án Chan tội rửa tiền với hành vi sử dụng tài sản của nạn nhân – một tội có hình phạt nhẹ hơn rất nhiều.

Không cần phải diễn tả sự bức xúc của dư luận trước diễn biến này. Cả Đài Loan lẫn Trung Quốc đều phát lệnh truy nã Chan vì hành vi giết người và theo luật thì tòa án hai nơi này đều có thẩm quyền (Đài Loan là nơi Chan gây án, còn Trung Quốc là nơi Chan có quốc tịch). Thế nhưng, để xử được Chan thì hắn phải bị Hong Kong dẫn độ sang hoặc Đài Loan, hoặc Trung Quốc. Điều đáng tiếc là Hong Kong chưa bao giờ có hiệp ước dẫn độ cư dân của mình với Đài Loan và Trung Quốc cả. Thiếu hiệp ước dẫn độ, Chan xem như không thể bị xét xử ở Đài Loan hoặc Trung Quốc, trừ khi sau khi ra tù ở Hong Kong, y tự nguyện đến hai lãnh thổ này quy án. Lý do mà Hong Kong không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, Đài Loan, hay Macau mà lại có hiệp ước tương tự với một số quốc gia khác là vì như giải thích của chủ tịch đoàn luật sư Hong Kong, lãnh thổ Hong Kong và Trung Quốc đại lục có sự khác biệt cơ bản về nguyên tắc pháp quyền và quan điểm về xét xử công bằng. 

Nhiều người gọi đây là “lỗ hổng pháp lý” lớn nhất của nền tư pháp Hong Kong và đó là lúc Dự Luật Dẫn Độ ra đời.

Dự Luật Dẫn Độ nói gì? Rất đơn giản, nó trao cho Đặc Khu Trưởng Hong Kong (thường do Bắc Kinh chi phối) một quyền rất lớn là quyết định việc dẫn độ một cá nhân bất kỳ từ lãnh thổ Hong Kong đến bất kỳ lãnh thổ nào trên thế giới mà Hong Kong đang không có hiệp ước dẫn độ. Tức là nếu Hong Kong không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, thì Đặc Khu Trưởng sẽ xem xét trường hợp cụ thể và quyết định có chấp nhận dẫn độ hay không. Tất nhiên, Đặc Khu Trưởng hoàn toàn có thể quyết định không dẫn độ, và bản thân Dự Luật cũng có những cơ chế kiểm soát quyết định của Đặc Khu Trưởng và loại trừ các trường hợp không được phép dẫn độ (ví dụ, chỉ có một số tội nhất định mới bị dẫn độ, không dẫn độ các tội phạm chính trị, hạn chế dẫn độ đến quốc gia mà tội phạm đó có thể bị kết án tử hình…). Những nhà lập pháp Hong Kong nói rất rõ rằng mục tiêu của Dự Luật này là để lấp “lỗ hổng pháp lý” kể trên và nhằm mục đích dẫn độ Chan để thi hành công lý.

Mẹ của nạn nhân Poon cũng kêu gọi ủng hộ giải pháp này vì sự yên nghỉ của cô và cháu của bà.

Nếu là chúng ta, chúng ta sẽ phản ứng thế nào với đề xuất này? Liệu rằng chúng ta có chấp nhận một đạo luật trao quyền cho chính quyền để trừng trị tội phạm, chấm dứt việc lẩn trốn pháp luật của những kẻ như Chan không?

Sẽ không ngạc nhiên nếu người ta ủng hộ giải pháp mạnh mẽ này. Rốt cuộc thì cũng không thể để một “lỗ hổng pháp lý” khiến cho tên Chan tại ngoại được. Pháp quyền là quan trọng, nhưng công lý và trừng trị cũng quan trọng không kém. Những người ủng hộ họ có cái lý của họ.

Nhưng những người phản đối, họ có phân tích khác. Họ xem Dự Luật này là một công cụ hết sức nguy hiểm để Bắc Kinh – thông qua Đặc Khu Trưởng Hong Kong – có thể yêu cầu dẫn độ bất kỳ ai từ Hong Kong sang Trung Quốc quy án. Những đối tượng bị dẫn độ có thể là nhà hoạt động dân chủ bị Trung Quốc kết một cái án không liên quan đến chính trị (như trốn thuế?), hay bất kỳ ai khác. Cái quan trọng là những người phản đối họ không tin rằng cư dân Hong Kong sẽ được đối xử công bằng, nhân đạo trước hệ thống công an và tòa án Trung Quốc. Cách đó ít lâu, Úc đã từ chối đề xuất ký hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc vì chính lý do tương tự. Hong Kong là một lãnh thổ đặc biệt vốn được hưởng những quyền con người và hệ thống tư pháp theo chuẩn mực của Anh khi nó vẫn là thuộc địa. Năm 1997, Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc, nhưng món quà chia tay của Nữ Hoàng với cư dân Hong Kong chính là quy chế "một quốc gia, hai chế độ" trong đó hệ thống tư pháp và pháp luật Hong Kong là riêng biệt so với Trung Hoa lục địa, nhằm bảo vệ người Hong Kong khỏi sự hà khắc của chính quyền do Đảng Cộng Sản Trung Quốc lãnh đạo. Đó cũng là lý do mà cuộc biểu tình lần này ở Hong Kong thu hút cả sự tham gia của giới luật sư, những người chọn cách tuần hành trong im lặng vào chiều Chủ Nhật nhằm phản đối nguy cơ nhân quyền bị vi phạm do hệ quả của Dự Luật kể trên. 

Lý do phản ứng của những người phản đối Dự Luật tại Hong Kong thể hiện một trình độ nhận thức dân chủ và văn minh nhân quyền rất cao. Tin chắc rằng, những người phản đối Dự Luật cũng rất phẫn nộ với hành vi của Chan. Nhưng ngoài việc là những người chống lại sự tàn ác, họ cũng là những người ủng hộ dân chủ và các giá trị nhân quyền. Và vì thế, họ từ chối lựa chọn một biện pháp có thể làm nguy hại đến giá trị cơ bản của người dân xứ này chỉ vì muốn trừng phạt kẻ ác. Cùng chia sẻ giá trị đó, Đài Loan cũng đã tuyên bố sẽ không cần dẫn độ Chan về quy án nếu Hong Kong thông qua Dự Luật này. Ngay cả chính quyền Hong Kong cũng ra tuyên bố công nhận việc biểu tình là quyền chính đáng của người dân và kêu gọi những nhà lập pháp Hong Kong cân nhắc đến tiếng nói của công chúng khi xem xét Dự Luật. Trái lại, một chính quyền kém dân chủ, độc tài hơn là CHND Trung Hoa thì lại lựa chọn việc ủng hộ Dự Luật và gọi cuộc biểu tình là “sự kích động và giựt dây của các thế lực bên ngoài”. Trong một sự việc, nó thể hiện rõ bản chất của hai chính quyền, và của cả người dân.

Bài học là gì cho những xã hội như Việt Nam? Có lẽ đó là câu chuyện về sự bình tĩnh trước những cơn phẫn nộ, những tội ác ghê gớm. Luôn luôn có cách để bắt kẻ thủ ác chịu tội, hay lớn lao hơn là hối cải. Những người phản đối Dự Luật đưa ra đề xuất tăng thêm thẩm quyền cho tòa án Hong Kong, nhưng ngay tức thì, Bắc Kinh phản đối đề xuất này vì cho rằng nó sẽ làm gia tăng sự tự chủ vốn đã quá nhiều của Hong Kong. Nhưng ngay cả khi pháp luật không thể giải quyết được những bất công trong xã hội thì cũng phải hiểu rằng, pháp luật vốn không phải vạn năng. Một xã hội luôn phải đối đầu với khao khát trả thù và lời mời gọi của nhà cầm quyền xin được trao thêm những quyền năng vô hạn nhằm thiết lập lại trật tự. Những xã hội chưa trưởng thành sẽ dễ dàng rơi vào cái bẫy đó và vô tình tạo ra những tên độc tài với quyền lực vô biên (nhớ rằng mọi hành động của Hitler đều hợp pháp, dựa trên niềm tin vô hạn của người Đức dành cho y). Nhưng những xã hội trưởng thành hơn sẽ hiểu, chính quyền chẳng qua chỉ là một thứ “ác quỷ cần thiết” (necessary evil), rằng nó chỉ tồn tại để giải quyết một vấn đề nào đó, và luôn trực chờ chiếm quyền. Do đó, trước khi đặt bút xuống trao cho chính quyền một quyền lực nào đó, xã hội cần phải cân nhắc rằng chưa chắc những lời đường mật ngày hôm nay của chính quyền sẽ là những gì họ làm, hoặc chưa chắc những minh quân anh minh hôm nay chúng ta ca tụng sẽ không tha hóa, hoặc những thế hệ lãnh đạo hôm nay sẽ sản sinh ra những thế hệ lãnh đạo cũng tốt đẹp như họ. Và vì vậy, nếu phải lựa chọn giữa việc triệt tiêu một bất công bằng việc tạo ra một nguy cơ độc tài khác, nghĩa vụ của người dân là phải nói không với âm mưu đó.

Lê Nguyễn Duy Hậu




Không có nhận xét nào