NỢ CÔNG “Báo cáo của Chính phủ về nợ công cho thấy nợ công Việt Nam ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ đồng. Trung bình mỗi người dân gánh 32 triệu đồng...
NỢ CÔNG
“Báo cáo của Chính phủ về nợ công cho thấy nợ công Việt Nam ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ đồng. Trung bình mỗi người dân gánh 32 triệu đồng nợ công… Điều đáng lưu ý là, dù thu ngân sách hàng năm vẫn liên tục tăng cao, nhưng vẫn không bù nổi chi... Cho nên, để có tiền trả nợ, Chính phủ phải vay nợ mới để trả nợ cũ. Điều này được thể hiện rõ nét tại dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 70/ 2018/QH14 ngày 09/11/2018”( Lương Bằng, Vietnamnnet,17-06)
Như thế là, 1 đứa trẻ mới sinh ra đã còng lưng gánh 32 triệu đồng tiền nợ công do nhà nước trao lại. Vay để làm ăn là đúng, nhưng làm ăn kém đến mức thu không đủ chi, phải đi vay nợ để trả nợ thì phải xem lại cách làm ăn. Chắc chắn có sự góp phần của trình độ quản lí yếu kém, tham nhũng tràn lan, lãng phí xa hoa, khoa trương vô lối; nuôi khống hàng trăm tổ chức Hội Đoàn vô tích sự,…Một đất nước mà hầu hết quan chức nhỏ đã ăn to, to càng ăn lớn, không làm cũng hưởng; không những thế còn tàn phá đất nước…thì nợ công tăng như thế là phải.
Trả nợ công đừng nghĩ đến việc chỉ nhăm nhăm nhìn vào túi người nghèo “bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng” theo kiểu tăng các loại thuế, tăng giá cả sinh hoạt, lập thêm BOT, huy động vàng trong dân, bắt nộp cả phí “chia tay”như có thằng nghị gật nào đó đã đề nghị… Làm thế nó khốn nạn lắm.
Điều tôi không hiểu tại sao QH lại thông qua 1 Nghị quyết về dự toán ngân sách như thế? Một dự toán thỏa hiệp với nợ công, tiếp tay ủng hộ nợ công tăng. Lẽ ra QH phải kiên quyết yêu cầu CP tìm ra nguyên nhân vì sao nợ công tăng? Tiền làm ra chạy vào đâu mà thu không đủ chi? Phải kiên quyết chặn lại tốc độ tăng, phải đề ra các giải pháp trả nợ công phù hợp và hiệu quả. Tôi dốt về kinh tế nhưng cũng có thể đặt ra hàng loạt câu hỏi mà 1 người bình thường thấy vô lí, cần phải làm rõ.
Nhưng rồi nghĩ, mấy câu hỏi ấy chỉ là cho vui thôi chứ tôi biết không nên đặt ra. Đơn giản là ở ta Quốc hội (lập pháp), Chính phủ (hành pháp) và Tòa án (tư pháp) chỉ là 1, đều luôn thống nhất tuyệt đối dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thế thì làm sao QH dám hỏi cung chính mình? Làm sao mà kiểm soát được quyền lực? Làm sao còn hi vọng “nhốt quyền lực vào lồng”?...
Thế thì hỏi làm gì cho mất công?
17-06-19 Đ.N.T
Không có nhận xét nào