THẤM ĐÒN Đến hôm nay thì như chúng ta dự đoán, biểu tình Hong Kong đã tạm nghỉ đến 16/06/2019 sẽ tiếp tục. Ít nhất dù các bên toan tính bàn...
THẤM ĐÒN
Đến hôm nay thì như chúng ta dự đoán, biểu tình Hong Kong đã tạm nghỉ đến 16/06/2019 sẽ tiếp tục. Ít nhất dù các bên toan tính bàn cờ như thế nào, nhân dân Hong Kong cũng cần nghỉ ngơi và phe dân chủ trực tiếp ở chiến tuyến cần tổng kết và điều chỉnh chiến thuật.
Hong Kong nghỉ ngơi nhưng các cuộc biểu tình trên khắp thế giới như Macau, Đức, Đài Loan, Estonia... thì tiếp diễn. Lá bài nhân quyền dân chủ đã được tư bản phương Tây đẩy ra bên cạnh các lá bài khác. Đúng như ta dự đoán, phe đồng minh đang tạo ra cho toàn thể thế giới cái nhìn là mô hình đỏ của Trung Quốc là phản cảm.
Cho đến trước mốc quan trọng G20 thì hai bên Trung-Mỹ đều đã thấm đòn. Tuy nhiên giới quan sát cho là phía Trung Quốc mệt mỏi hơn phía Mỹ. Dĩ nhiên quy luật đánh nhau luôn đúng, ”giết địch 1000 thì ta cũng thiệt hại 800”.
Những động thái gần đây tại Iran cho ta thấy việc chúng ta từng nói Trung Quốc đang gây xích mích thêm giữa Mỹ- Nga đã có tin chính thức. Đó là các tàu chở dầu mới nhất bị tấn công trong vùng biển Iran. Nếu Mỹ cho thấy họ không muốn đối đầu quân sự và Nga cũng dừng bán thêm tên lửa S-400 cho Iran để chờ Putin và Trump đàm phán thì ai đốt những tàu dầu này ?
Chuyến đi thăm Iran của thủ tướng Nhật Abe không đạt như ông mong đợi. Đại giáo chủ của Iran từ chối nhận lá thư do Trump nhờ Abe trao. Putin vừa phát biểu là ông không muốn Nga-Mỹ căng thẳng thêm nữa, vậy phe chủ chiến ở Iran đang dựa vào ai ?
Nước Mỹ đang có vẻ như cũng có rắc rối nội bộ. Nhất là việc Google đang đề nghị chính phủ Mỹ hoãn hai năm thi hành lệnh cấm Huawei, cùng với 500 doanh nghiệp Mỹ gửi kiến nghị đề nghị Trump mềm dịu hơn về chiến tranh thương mại. Vấn đề đặt ra là đây lại có phải một chiến thuật khác của Mỹ hay không ?
Tôi thì cho là những mâu thuẫn nội bộ của Mỹ mới phát sinh sau này tạo cho Trung Quốc sự lúng túng về đối sách hơn là Mỹ sẽ dịu nhẹ lại thực sự về chính sách. Một là Mỹ sắp vào mùa bầu cử và hai là nếu Mỹ cứ nhập nhằng thì đảng CSTQ không biết nên tiến hay lùi dù là về hướng nào.
Câu hỏi đặt ra là những mâu thuẫn nội bộ của Mỹ lại lộ ra sau khi có tuyên bố D-Day. Lẽ ra nó phải lộ ra khi Mỹ chưa có sự ủng hộ nhiều hơn của EU lúc này thì mới đúng logic sự việc. Thường thì suy yếu bên ngoài mới dẫn đến mâu thuẫn bên trong. Đằng này đối ngoại Mỹ đã thuận lợi hơn thì vì sao đối nội lại mâu thuẫn ?
Tạo ra sự lúng túng cho Trung Quốc lúc này thì Mỹ có cái lợi là tranh thủ được thời gian để vượt qua thời kỳ “Vịt què”.
Trong một diễn biến khác thì đã có những tin tức chính thức xuất hiện như chúng ta đã dự báo là Trung Quốc bắt đầu chia phe về đường lối. Nếu đối với Mỹ mâu thuẫn bên trong nó không logic thì đối với Trung Quốc lại đúng logic. Sự thất thế của Trung Quốc bên ngoài đã tác động đến bên trong. Tôi đánh giá là phái quân sự và phái tài chính là phái muốn đảng CSTQ tiến hành cải cách để hoà hoãn lại với phía tư bản.
Vấn đề khó khăn nhất với Trung Quốc là nếu Tập không đàm phán riêng với Trump tại G20 thì Trung Quốc sẽ mất tự tin hơn. Mà có đàm phán mà kết quả tồi tệ hơn khiến Trung Quốc càng mất thế bên ngoài thì Tập lại càng mất uy tín bên trong.
Nhưng cái rối trí nhất là trong lúc Tập chưa quyết thì phía Mỹ lại nổ ra mâu thuẫn. Nếu mâu thuẫn nội bộ Mỹ đang lộ ra là thật mà cơ hội bị bỏ qua thì Tập cũng mất uy tín vì không đánh giá được chính xác tình hình đối phương.
Cái khó khăn nhất của làm chính trị là một lúc nào đó không biết dựa vào đâu để nhất quán đường lối cho mình.
H.M
Không có nhận xét nào