THIÊN AN MÔN VÀ “LÒNG TIN CHIẾN LƯỢC” Mấy hôm nay theo dõi việc Mỹ lôi sự kiện Thiên An Môn ra tố cáo Trung Quốc. Thấy nhiều người Việt ủng ...
THIÊN AN MÔN VÀ “LÒNG TIN CHIẾN LƯỢC”
Mấy hôm nay theo dõi việc Mỹ lôi sự kiện Thiên An Môn ra tố cáo Trung Quốc. Thấy nhiều người Việt ủng hộ việc tranh đấu ở Thiên An Môn và cho rằng sự tàn sát đó là tội ác.
Tôi cũng cho đó là một tội ác. Bất kỳ chính quyền nào dù tha hoá đến đâu cũng sinh ra từ những khao khát thay đổi và mong muốn tốt đẹp của nhân dân. Một khi không thể thương lượng và đối thoại với nhân dân là gốc rễ của mình mà phải dùng họng súng thì không thể biện minh nữa.
Trung Quốc trong một phản ứng chính thức và hiếm hoi, đã nói rằng họ làm đúng khi thảm sát Thiên An Môn. Cho thấy đó là một sự thừa nhận tư duy “phát xít đỏ” chứ không chỉ là bảo vệ chính quyền. Người có quyền lực luôn có xu hướng bảo vệ mình là cái có thể hiểu được nhưng có những giới hạn sau cùng không thể vượt qua.
Hãy nhìn góc nhìn như vậy để hiểu vì sao Mỹ đưa vấn đề Thiên An Môn ra lúc các nước đồng minh kỷ niệm D-Day. Cái Mỹ muốn nói với quốc tế nói chung và đồng minh nói riêng là họ bắt đầu chống Trung Quốc là để chống phát xít đỏ, chứ không chỉ là chống TQ vì nước này bành trướng. Bởi vì bành trướng thì nước nào chẳng muốn bành trướng. Việt Nam cũng thế mà thôi.
Nếu Mỹ và các đồng minh không quyết tâm và không thể ngăn cản được “phát xít đỏ” trong cuộc chiến này, hoặc là vì sợ xảy ra chiến tranh hạt nhân nên chùn tay, cũng có nghĩa là nhân loại trên trái đất phải chấp nhận cúi đầu trước bạo quyền và chủ nghĩa phát xít mặt áo đỏ hồi sinh lại.
Nghĩa là niềm tin vào cái thiện có thể thắng cái ác, cái văn minh có thể khuất phục cái man rợ, pháp luật và quy định có thể giữ gìn trật tự... đều sụp đổ. Nghĩa là nhân loại phải cấu trúc lại các giá trị cơ bản của mình.
Chúng ta có thể và có quyền cho là Trung Quốc hay Mỹ sẽ chiến thắng trong cuộc đối đầu này. Đó là quyền tự do ngôn luận. Nhưng nếu cho là phát xít đỏ chiến thắng nghĩa là chúng ta đã thừa nhận mình không có lòng tin chiến lược vào đạo đức, văn minh và pháp trị.
Tôi cho rằng chống “phát xít đỏ” mới là quyết tâm của tuyên bố D-Day, chứ nó không chỉ dừng lại ở việc Mỹ đánh Trung vì cần giữ quyền bá chủ.
Cuộc đối đầu giữa hai hệ giá trị nhân bản xanh và phát xít đỏ sớm muộn cũng phải một lần đối diện mà thôi.
H.M
Không có nhận xét nào