TIÊN TRÁCH KỶ - HẬU TRÁCH NHÂN & SỰ TỤT HẬU CỦA VIỆT NAM Ở “KHU VỰC HỌC” █ Phát biểu gần đây của lãnh đạo Singapore Lý Hiển Long được co...
TIÊN TRÁCH KỶ - HẬU TRÁCH NHÂN & SỰ TỤT HẬU CỦA VIỆT NAM Ở “KHU VỰC HỌC”
█ Phát biểu gần đây của lãnh đạo Singapore Lý Hiển Long được coi là gây sốc đối với dư luận Việt Nam. Từ ‘’Invasion” mà ông sử dụng trong lời tuyên bố đã làm các cơ quan ngoại giao VN bàng hoàng. Nỗi bàng hoàng đến thảm thương đó chỉ phản ánh sự tụt hậu của Việt Nam đối với các vấn đề tiếp cận khu vực.
Từ “Invasion” này thẳng thắn ra có thể được hiểu là “xâm lược”, “tràn vào”, “tấn công”, nó rất đa nghĩa và được sử dụng linh hoạt trong các diễn đạt lịch sử. Có thể lấy ví dụ như sau, trong tất cả các tài liệu lịch sử của phương Tây, người ta đều sử dụng từ này để nói về cuộc đổ bộ của quân Đồng Minh lên đảo Normandy trong chiến tranh Thế Giới II( đã từng lên phim ‘’Giải cứu binh nhì Ryan” – nếu bạn đọc không theo dõi lịch sử cuộc chiến này ở mức học thuật). Khi đó người ta nói rằng “the Allied invasion of Normandy” có nghĩa là “cuộc đổ bộ của quân Đồng minh lên Normandy” (xét theo cách nhìn của phía Đồng minh) hoặc cũng có nghĩa là “cuộc xâm lược Normandy của quân Đồng Minh” (xét theo cách hiểu cơ học). Tất nhiên, dù nói gì thì nói, cuối cùng lực lượng Đồng minh đã đánh bại Phát xít Đức trên đảo này và tạo tiền đề để kết thúc chiến tranh Thế Giới II sớm hơn vài năm. Tương tự, ở mặt trận Thái Bình Dương, từ này được sử dụng khi Mỹ tấn công Iwo Jima (đã từng lên phim ‘‘Những bức thư từ Iwo Jima‘‘ – cho những ai không theo dõi ở mức học thuật).
Mọi Sự thật Lịch sử đều bị nhìn nhận rất khác biệt nhau đứng trên quan điểm, lập trường, lợi ích của các quốc gia cụ thể. Đối với tuyên bố của Lý Hiển Long, ta nên hiểu rằng nó được sử dụng với ý nghĩa ‘‘xâm lược‘‘ dựa trên vai trò của Singapore và cách nhìn nhận của họ ở thời điểm mà cuộc chiến diễn ra. Qua phát biểu này, ta nhận thấy các công tác ngoại giao củng cố quyền lực mềm của Việt Nam còn kém hiệu quả sau chiến tranh biên giới Tây Nam.
Cá nhân mình thấy rằng cuộc chiến này cần chia làm 2 giai đoạn rõ ràng. Trong đó, tuyên bố của ông Lý nhắm vào giai đoạn 01 của nó.
►Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 23-12-1978 là khi lực lượng QĐND Việt Nam dưới sự chỉ huy của tướng Lê Trọng Tấn bắt đầu tiến công và đẩy lùi Khmer Đỏ ở cấp Quân đoàn (với sự tham gia của hơn 200 nghìn bộ đội chính quy Việt Nam – những người từng kinh qua trận mạc). Đây là giai đoạn được cho là cuộc phản công có tính chất phủ đầu của Hà Nội nhắm vào chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ bởi vì trước đó, từ những năm 1977 thì chính quyền Khmer Đỏ đã tấn công biên giới Việt Nam ở cấp sư đoàn. Những cuộc tàn sát dân thường của Khmer Đỏ diễn ra liên miên nhưng Hà Nội đã che dấu những thông tin ấy trước dư luận trong nước chỉ cho đến cuối năm 1978 khi Bộ Chính trị đã xác định Trung Quốc là “kẻ thù” ( Bởi không có viện trợ từ Trung Quốc thì Khmer Đỏ chỉ là tập hợp của những thanh niên Cộng sản ngông cuồng như Polpot hay Ieng Sary).
Lúc này, một lần nữa, Hà Nội đương đầu với một cuộc chiến ủy nhiệm. Giai đoạn tấn công phủ đầu diễn ra nhanh trong chưa đến hai tuần. Ngày 7-1-1979, quân đội Việt Nam “tiến vào‘‘ Phnom Penh và Campuchia coi đây là Quốc khánh thứ hai của họ bất kể những mâu thuẫn xảy ra giữa hai nước trước và sau cuộc đụng độ. Người dân Campuchia khi đó đã quá hoảng sợ trước sự dã man của chính quyền Cộng sản Khmer Đỏ và việc Việt Nam đánh bại Khmer Đỏ được coi là sự giải thoát cho họ.
Cần lưu ý rằng cho đến cuối những năm 1970 thì Việt Nam là cường quốc quân sự tại châu Á cả về quy mô, lực lượng, tính đa dạng cho đến kĩ năng tác chiến (được đúc rút qua hơn 20 năm chiến tranh). Vì thế mà các nước ở ASEAN, (bao gồm Singapore) khi đó coi Việt Nam là một mối nguy. Thái độ thù địch của ASEAN dành cho Việt Nam có thể coi là “thành quả” của hoạt động ngoại giao kiên trì của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ông này đã ra sức thuyết phục ASEAN rằng Việt Nam và Liên Xô là mối đe dọa chính đối với an ninh khu vực.
Trước đó, ngày 5-1-1979 , Hoàng thân Shihanouk đã nghe lời Polpot và Trung Quốc đến Liên Hợp Quốc để lên án Việt Nam. Lúc đó, ông này sử dụng từ ‘‘Invasion‘‘ tại đây, với hàm ý ‘‘cuộc xâm lược của Việt Nam‘‘. Và cách dùng từ này đã bị sử dụng rộng rãi tại LHQ ở thời điểm ấy. Ngày 29-1-1979, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên giữa Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Đặng một lần nữa nhắc đến vấn đề Campuchia và lên án Việt Nam, trong cùng ngày, Đặng cũng có ngụ ý về một cuộc tấn công ‘‘răn đe giới hạn‘‘ mà Trung Quốc sẽ nhắm vào Việt Nam 3 tuần sau đó (cuộc chiến này được biết đến tại VN dưới tên gọi ‘‘Chiến tranh biên giới Phía Bắc‘‘).
►Giai đoạn 2 của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra từ năm 1979 cho đến 1989 khi Việt Nam triển khai quân sự và gây ảnh hưởng chính trị đến Campuchia. Trong thời gian này Khmer Đỏ vẫn tồn tại dai dẳng và chống phá quân đội Việt Nam theo kiểu du kích. Hoạt động này được tài trợ bởi Trung Quốc. Ngày 15-1-1979, sau khi thất thủ ở Phnom Penh, Ieng Sary đã đến Thái Lan và gặp Đặng tại đây cùng với Thủ tướng Thái là Kriangsak Chomanan. Sau đó Bắc Kinh đã kí gửi ngay 5 triệu đô la với ĐSQ Trung Quốc tại Bangkok để tài trợ cho các hoạt động của Khmer Đỏ. Hành động ‘‘nuôi chiến tranh‘‘ này của Bắc Kinh chỉ thực sự dừng lại cho đến khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia trước sức ép quá lớn từ LHQ và Quốc tế.
Có thể thấy rằng, phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, xét trên bình diện lợi ích quốc tế của Singapore ở những thời điểm cụ thể trong quá khứ là điều hoàn toàn bình thường. Việt Nam đã từng đối diện với những sức ép lớn hơn thế rất nhiều ở thời điểm đó. Như rất nhiều nhà Sử học phương Tây đã khẳng định rằng, cuộc đụng độ giữa Việt Nam và Campuchia vào năm 1978 gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Việt Nam đã thắng trong cuộc chiến này, nhưng cho đến 40 năm sau, ‘‘kẻ giấu mặt‘‘ Trung Quốc hiện lên là người chiến thắng cuối cùng khi gián tiếp đẩy VN vào lệnh cấm vận của LHQ, cô lập Việt Nam ngay tại ASEAN và tạo áp lực và kìm tỏa Hà Nội đối với vấn đề Hoàng Sa. Điều này trên thực tế đáng sợ hơn ‘‘Diễn biến Hòa Bình‘‘ mà ĐCS rao giảng trong nước về mối đe dọa từ Chủ Nghĩa Tư bản rất nhiều.
█ Đối với Hà Nội, việc kiểm duyệt thông tin của cuộc chiến và mối quan hệ với Trung Quốc đã như một phản ứng phụ dẫn tới việc bị mất vị thế lịch sử ngay trên sân nhà ASEAN. Các hoạt động nghiên cứu và công bố Lịch sử của Việt Nam trên trường Quốc tế thì rõ ràng đang rất yếu kém. Tất nhiên, Giới nghiên cứu chuyên môn trong nước gần như không có cơ hội trau dồi, công bố tác phẩm ở nước ngoài, ngoài các vấn đề chính về chuyên môn của người nghiên cứu trong nước thì còn phải kể đến chính sách kiểm duyệt nữa.
Người Singapore chẳng có gì phải nợ Việt Nam, họ cũng chẳng hề xuyên tạc lịch sử hay vu cáo, họ chỉ đơn giản là bảo lưu quan điểm lịch sử của họ từ 1978 cho đến nay.
Và điều đó làm vị thế của VN suy giảm rất nhiều sau chiến tranh. Thực tế này chắc chắn sẽ còn tiếp diễn nếu như các hoạt động nghiên cứu chuyên môn và tranh luận lịch sử còn bị hìm hãm như hiện nay. Tóm lại, hãy coi phát biểu của ông Lý là hoàn toàn bình thường, ta được quyền trách lãnh đạo bạn, tuy nhiên, điều quan trọng hơn, ta cũng nên tự trách chính bản thân mình.
#XND Le Quang
PS: Người Trung Quốc không biết gì về vụ biến Thiên An Môn cũng chẳng khác gì người Việt không biết gì về chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới Phía Bắc. Đừng vội cười chê nước bạn. Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của người viết dựa trên vốn hiểu biết ở mức cơ bản về chiến tranh biên giới Tây Nam giai đoạn 1978-1979.
Ảnh: bên trên Quân đội Việt Nam rút khỏi Phnom Penh năm 1989_ bên dưới nguyên văn phát biểu của Lý Hiển Long.
Không có nhận xét nào