Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TỘI ÁC SINH ĐÔI

TỘI ÁC SINH ĐÔI Cần phải khẳng định rõ ràng một điều rằng, luật pháp không cho phép và nghiêm cấm mọi hành vi nhân danh (đại diện, giám hộ) ...

TỘI ÁC SINH ĐÔI

Cần phải khẳng định rõ ràng một điều rằng, luật pháp không cho phép và nghiêm cấm mọi hành vi nhân danh (đại diện, giám hộ) cho người người thứ ba để xâm hại hoặc vượt quá phạm vi của người được đại diện.

Trong các giao dịch dân sự, người đại diện vượt quá phạm vi đại diện hoặc giám hộ thì các giao dịch này sẽ bị vô hiệu, tức không có giá trị, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường các tổn thất do “vượt quá phạm vi” hoặc “trái pháp luật” của người đại diện gây ra.

Đối với việc đại diện cho trẻ em còn được quy định nghiêm ngặt hơn như các cơ quan bảo vệ trẻ em hoặc bất kỳ ai cũng có quyền đưa ra yêu cầu, các hành động bảo vệ chủ động đứa trẻ một khi chúng có dấu hiệu bị xâm hại như bạo hành, bỏ mặc, bị cưỡng bức lao động, xâm hại tình dục...vì trẻ em là một chủ thể đặc biệt - chưa có hoặc có mà chưa đầy đủ năng lực hành vi dân sự (và năng lực tố tụng dân sự), được hiểu đơn giản là “năng lực để nhận thức hoặc thực hiện (hoặc không thực hiện) một hành vi” nào đó mà luật định.

Vì vậy, trong mọi trường hợp, loại trừ cả sự huyết thống của mối quan hệ, đứa trẻ được bảo vệ tuyệt đối các quyền của mình, nếu người giám hộ xâm phạm vào thì sẽ bị hạn chế hoặc tước quyền giám hộ (đại diện), phải bồi thường hoặc chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm phạm của mình.

Việc diễn giải tuỳ nghi nội hàm pháp lý và định danh hành vi xâm hại tình dục không phải thẩm quyền của cha mẹ (với vai trò đại diện) và luật pháp nghiêm cấm việc tuỳ tiện giải thích luật pháp để che giấu hoặc bảo vệ cho tội phạm.

Trong vụ án này, cha mẹ cháu bé đã không còn đủ tư cách pháp lý để giám hộ khi đã “công khai và chủ động bảo vệ kẻ thực hiện hành vi xâm hại”, nó đã làm cho vụ án không còn được khách quan, trở nên bị thiên vị, thậm chí gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cháu bé.

Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền tước quyền giám hộ của cha mẹ cháu bé và các cơ quan bảo vệ trẻ em có thể tiếp xúc và thực hiện các biện pháp bảo vệ cháu bé theo Luật Trẻ em đã quy định.

Chúng ta nhất quyết không thể dung dưỡng hoặc làm cho tội phạm có cơ hội được nảy nở và lây lan, bởi tương lai trẻ em là quan trọng hơn cả. Nếu người trưởng thành nhận thức và hành xử như trong trường hợp này là đang cố tình bao che và tạo cơ hội cho tội phạm hoành hành.

Tại sao ở rất nhiều quốc gia, hành vi gợi ý bằng hình ảnh, ngôn từ, dụ dỗ hoặc dựa vào sự quen biết để xâm hại tình dục trẻ em lại bị coi là trọng tội, kẻ thực hiện hành vi phải bị thiến hoá học, công khai danh tính trên trang web quốc gia và tại nơi cư trú? Vì tội phạm này là một tội phạm có “tính chất sinh lý học”, chỉ cần có môi trường và cơ hội là sẽ thực hiện hành vi, được gọi là chứng “ái nhi”.

Chúng ta phải tiếp tục lên án cả cha mẹ của cháu bé, để bảo vệ không chỉ cháu bé là nạn nhân trong vụ án này, mà còn là bảo vệ những đứa trẻ khác và thế hệ đang lớn lên trên đất nước này của chúng ta. Chúng ta phải có trách nhiệm để giữ cho nó an toàn và trong sạch, chứ không thể bỏ mặc hoặc tiếp tay cho tội ác được sinh sôi.

Và trong tình cảnh đang xảy ra, một cách chính xác nhất, tôi gọi đó là “tội ác sinh đôi”.


Lê Luân



Không có nhận xét nào