VIỆT NAM XÂM LƯỢC CAMPUCHIA? Tôi không đọc được stt của ông Lý Hiển Long, cũng không đọc được các bình luận trên stt đó. Tôi chỉ đọc được ý ...
VIỆT NAM XÂM LƯỢC CAMPUCHIA?
Tôi không đọc được stt của ông Lý Hiển Long, cũng không đọc được các bình luận trên stt đó. Tôi chỉ đọc được ý kiến của một số người xoay quanh ngữ nghĩa của từ invade và occupy, và việc Việt nam có xâm lược Campuchia không. Tôi không có ý định bàn về những điều ông Lý Hiển Long viết trong stt nào đó của ông ấy. Tôi chỉ muốn nói lên suy nghĩ của mình.
Đầu tiên nhất, tôi khẳng định là nếu tôi có quyền quyết định ngày ấy, tôi cũng sẽ quyết định đánh cho bọn Khơ me đỏ một trận “sạch không kình ngạc”, để cho chúng mất khả năng tấn công sang đất Việt nam, giết người ở biên giới Việt nam. Trên thực tế, bộ đội Việt nam đánh tan bọn Pôl Pốt chỉ trong vài ngày. Tức là chỉ vài ngày, mục tiêu tiêu diệt sinh lực của Khơ me đỏ đã hoàn tất, với thương vong rất ít.
Ngay sau khi Việt nam tấn công Campuchia một thời gian ngắn, chúng tôi được một vị cán bộ cấp cao đến nói chuyện thời sự. Đồng chí ấy rất hào hứng, khoe rằng chúng ta đã đánh qua biên giới Thái lan 40km, và nếu muốn, chúng ta có thể giải phóng Thái lan sau chỉ vài ngày. Ngay năm đó, một chàng trai 20 tuổi là tôi, đã tự đặt một câu hỏi, vậy thì Việt nam đánh Campuchia với mục đích gì?
Khi ra nước ngoài học tập, tiếp xúc với nhiều bạn bè quốc tế, thông tin mở rộng, tôi hiểu rằng Việt nam đã đi quá mục tiêu phòng vệ chính đáng khi đưa quân vào Campuchia, bằng việc ở lại đó, và hậu thuẫn hoàn toàn cho việc xây dưng một chính quyền mới ở Campuchia. Có lẽ những gì Việt nam làm với Campuchia trong thời gian vài năm sau năm 1979 cho thấy sự can thiệp quá sâu, sâu hơn nhiều so với Mỹ can thiệp vào miền Nam Việt nam, mà chính thể Việt nam dân chủ cộng hoà, và sau này là Công hoà XHCN Việt nam đều cho rằng Mỹ xâm lược Việt nam.
Khi tôi đến Tung Streng, tôi thật sự kinh tởm và căm thù bọn Khơ me đỏ. Trước đó, tôi được nghe kể từ những người trực tiếp chứng kiến hậu quả những cuộc tàn sát của Khơ me đỏ đối với đồng bào ta ở Thổ Chu và các tỉnh biên giới, ngay sau ngày 30/4/1975, và mấy năm sau đó. Tôi hoàn toàn đồng ý, rằng Khơ me đỏ là một tập đoàn diệt chủng.
Tôi còn nhớ mãi những câu kết tội đanh thép mà nhà nước Việt nam dân chủ cộng hoà dành cho Mỹ, cho rằng đế quốc Mỹ tự cho mình quyền làm “sen đầm” quốc tế. Có vẻ như Việt nam cũng muốn làm “sen đầm” quốc tế, khi quyết định ở lại Campuchia tới 10 năm, và can thiệp rất sâu vào nội tình Campuchia. Vậy là, từ mục đích phòng vệ chính đáng ban đầu, Việt nam đã trực tiếp can thiệp vào nội tinh Campuchia.
Còn nhớ khoảng năm 1981, tôi nhận được thư nhà, nói rằng ba tôi rất căng thẳng với những bộ đội Việt nam trốn về khi đi sang Campuchia, tôi đã viết cho ba tôi một lá thư khá dài, phân tích sự khác nhau giữa “Nam bộ kháng chiến” mà ba tôi tham gia, với việc Việt nam duy trì quân đội tại Campuchia, và sự khác nhau giữa việc hi sinh một phần thân thể hoặc cả tính mạng của ba tôi và các đồng đội của ông, với sự hi sinh của bộ đội ta ở Campuchia.
Cho đến nay, khi đã có nhiều hiểu biết hơn, tôi vẫn cho rằng Việt nam đã vượt quá xa mục tiêu phòng vệ ban đầu khi đưa quân qua Campuchia. Lã ra, Việt nam nên rút về ngay sau khi đánh tới biên giới Thái lan. Còn chuyện nội bộ của Campuchia thì để người Campuchia tự giải quyết với nhau. Việt nam chỉ nên can thiệp sâu hơn là phòng vệ khi có quyết định của Liên hiệp quốc, và như là một thành phần của Liên hiệp quốc.
Việt nam hoàn toàn không có quyền ở lại Campuchia, can thiệp rất sâu vào việc quản lí đất nước của người Campuchia. Việt nam khi đó (và cả bây giờ), chưa đủ lực để được coi là lực lượng giữ gìn hoà bình thế giới, nên cái gọi là “nghĩa vụ quốc tế” chỉ làm cho bạn bè sợ hãi và xa lánh chúng ta.
Không phải tự nhiên mà Olof Palme, cựu thủ tướng Thuỵ điển, người đã từng dẫn đầu đoàn biểu tình chống Mỹ xâm lược Việt nam, lại là người tham gia biểu tình chống Việt nam xâm lược Campuchia.
Nếu có ai nói Việt nam xâm lược, hay chiếm đóng Campuchia, thì họ cũng có cái lí của họ.
Võ Xuân Sơn
Không có nhận xét nào