10 NƯỚC NGHÈO NHẤT THẾ GIỚI. 1. Cộng hòa Haiti Tỷ lệ người nghèo: 77% GDP bình quân đầu người: 726 USD Theo Ngân hàng thế giới, thu nhập củ...
10 NƯỚC NGHÈO NHẤT THẾ GIỚI.
1. Cộng hòa Haiti
Tỷ lệ người nghèo: 77%
GDP bình quân đầu người: 726 USD
Theo Ngân hàng thế giới, thu nhập của hơn một nửa dân số Haiti dưới 1 USD/ngày. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2010 ước tính lên tới 40,6%. Đất nước nghèo đói này đang trong giai đoạn tái thiết kể từ sau trận động đất kinh hoàng năm 2010. Tổng số người thiệt mạng trong thảm họa này khoảng 46.000 – 85.000 người, trong khi con số chính thức do chính phủ Haiti đưa ra là 316.000 người. Ngân hàng thế giới ước tính, tổng thiệt hại từ trận động đất lên tới 8 tỷ USD, tương đương 120% GDP của nước này.
2. Guinea Xích Đạo
Tỷ lệ người nghèo: 76,8%
GDP bình quân đầu người: 27.478 USD
Một điều khá nghịch lý là tại đất nước nghèo thứ 2 thế giới, GDP bình quân đầu người lại cao hơn mức trung bình của thế giới 10.034 USD. Nằm giữa Cameroon và Gabon trên vịnh Guinea, Guinea Xích đạo là một trong những quốc gia ở châu Phi có trữ lượng dầu và khí đốt lớn.
Thế nhưng phần lớn dân số Guinea Xích đạo lại vẫn sống trong tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng, thậm chí chỉ với hai USD mỗi ngày. Giới nhà giàu nước này bị buộc tội đã biển thủ mọi nguồn lợi thu được từ xuất khẩu tài nguyên thô. Năm 2013, Chỉ số nhận thức tham nhũng quốc tế đã xếp Guinea Xích đạo ở vị trí 163 trong 177 nước.
3. Zimbabwe
Tỷ lệ người nghèo: 72%
GDP bình quân đầu người: 776 USD
Đất nước châu Phi này có nền kinh tế bị tham nhũng và không thể điều khiển nổi, tồi tệ nhất thế giới hiện nay. Tỷ lệ lạm phát của Zimbabwe là 100.000 phần trăm. Lạm phát được ví như một con tàu tốc hành ngỗ ngược không người lái, không phanh và không có giới hạn tốc độ.
Hệ quả là Zimbabwe có nền kinh tế như kiểu mafia, nơi công quyền và công dân cùng buôn bán bất hợp pháp. Các tay chợ đen cho biết cứ đến cuối tháng, các quan chức chính phủ vác hàng bao tải tiền bản tệ đi mua Đôla Mỹ. Chính phủ có những khoản nợ phải trả cho nước ngoài: nợ tiền điện, tiền xăng dầu, tiền mua vũ khí và đều phải trả bằng USD bởi đôla Zimbabwe không khác gì giấy lộn khi ở nước ngoài.
4. CHDC Công-gô
Tỷ lệ người nghèo: 71,3%
GDP bình quân đầu người: 231 USD
CHDC Công-gô có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú: Côban, đồng, dầu lửa, kim cương, vàng, bạc, kẽm, uranium, gỗ, tiềm năng thuỷ điện. Chiến tranh và xung đột phe phái đã làm cho nền kinh tế suy giảm, lạm phát tăng, nợ nước ngoài càng lớn. Điều kiện kinh tế xã hội không thuận lợi cho đầu tư và phát triển. GDP (2003): 5,7 tỷ USD, trong đó công nghiệp 12,5%, nông nghiệp 58,7% và dịch vụ 28,8%.
Mặc dù khai khoáng đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của quốc gia này song phần lớn các hoạt động kinh tế lại tập trung vào những ngành không đóng góp cho GDP. Y tế và giáo dục tại quốc gia Trung Phi này rất nghèo nàn.
5. Swaziland
Swaziland là một quốc gia có diện tích tương đối nhỏ và không giáp biển. Nước này giáp với Nam Phi về ba phía bắc, tây, nam và giáp với Mozambique về phía đông.
Tỷ lệ người nghèo: 69,2%
GDP bình quân đầu người: 3.725 USD
Swaziland là một nền kinh tế nhỏ và nhìn chung còn khá lạc hậu. Hơn 70% dân số của Swaziland sống ở nông thôn và sống bằng nghề trồng trọt. Hạn hán khi xảy ra thường gây ra nạn đói và đe dọa đến cuộc sống của rất nhiều người. Tỉ lệ thất nghiệp của nước này cũng khá cao, lên tới 40% và có tới 70% dân số nước này sống dưới mức 1 Đôla Mỹ một ngày.
Số lượng việc làm mới không đáp ứng đủ nhu cầu việc làm của người dân. Gia tăng dân số tại nước này càng làm gia tăng áp lực lên những nguồn tài nguyên và các dịch vụ xã hội như giáo dục và y tế. Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Swaziland không ổn định và khá bấp bênh.
6. Eritrea
Tỷ lệ người nghèo: 69%
GDP bình quân đầu người: 482 USD
Giống như phần lớn các quốc gia Phi Châu khác, nền kinh tế Eritrea chủ yếu dựa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp với 80% dân số làm việc trong ngành trồng trọt và chăn nuôi. Hạn hán là nguyên nhân thiên tai chủ yếu tác động đến nền nông nghiệp nước này.
Tương lai nền kinh tế Eritrea khá lu mờ. Việc cắt đứt giao thương với Ethiopia, quốc gia trước đây luôn sử dụng các cảng của Eritrea để xuất nhập hàng hóa, để lại cho Eritrea nhiều lỗ hổng cần khỏa lấp. Tương lai nền kinh tế dựa vào nội lực của nền kinh tế cũng như giải quyết những vấn đề bức thiết như nạn mù chữ cao, lao động thiếu tay nghề, cơ sở hạ tầng lạc hậu là một chặng đường dài đầy khó khăn và thách thức.
7. Madagasca
Tỷ lệ người nghèo: 68,7 %
GDP bình quân đầu người: 467 USD
Madagasca
Madagasca
Trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 2009, GDP/người tại Madagascar đã tăng gấp ba lần (đã trừ lạm phát) lên mức 448 USD, theo Liên Hợp Quốc. Cũng trong thời gian đó, GDP/người của nước láng giềng Nam Phi tăng gấp 7 lần lên 5.700 USD.
Với một lịch sử đầy những cuộc nội chiến khốc liệt, điều hành kinh tế yếu kém và dân số tăng trưởng nhanh, Madagascar đã bị tụt hậu rất xa so với những nước đang phát triển khác như Nam Phi, Ấn Độ hay Brazil. Hiện 77% dân số nước này đang sống trong cảnh nghèo đói, thất học và chăm sóc y tế kém. Giá cả hàng hoá đã tăng gấp đôi ở Madagascar trong hai năm qua.
8. Burundi
Tỷ lệ người nghèo: 66,9%
GDP bình quân đầu người: 271 USD
Burundi là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Công nghiệp kém phát triển chủ yếu là chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp chiếm khoảng 35% GDP và sử dụng hơn 90% dân số. Burundi xuất khẩu chính là cà phê và chè, chiếm 90% thu nhập ngoại tệ.
Mặc dù GDP Burundi tăng trung bình khoảng 4% hàng năm từ 2006 đến nay, nhưng hiện tại, đang tiềm ẩn những yếu kém (tỷ lệ đói nghèo cao, hệ thống pháp luật yếu, mạng lưới giao thông kém, các tiện ích quá tải, và năng lực hành chính thấp…) mang đến nhiều nguy cơ cho kế hoạch cải cách kinh tế của Chính phủ Burundi. Burundi đang phụ thuộc nhiều vào viện trợ từ các nhà tài trợ song phương và đa phương.
9. Cộng hòa Sierra Leone
Tỷ lệ người nghèo: 66,4%
GDP bình quân đầu người: 347 USD
Sierra Leone là nước nông nghiệp, 2/3 dân số làm nghề nông. Sản phẩm chính là lúa, lạc, dầu cọ, chà là, ca cao . Sierra Leone là nước xuất khẩu dầu cọ lớn thứ 3 châu Phi sau Nigeria và CHDC Công-gô. Tài nguyên chủ yếu: kim cương, vàng, ti-tan, bô-xít, sắt. Về công nghiệp, Sierra Leone đã xây dựng được một số cơ sở sản xuất như nhà máy chế biến thực phẩm, rau quả, xay sát, lọc dầu, sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng và thuốc lá. Chiến lược phát triển kinh tế của Sierra Leone dựa vào phát triển công nghiệp để xuất khẩu các hàng nông sản như hạt cọ, cà phê, cá và khai thác khoáng sản, nhất là kim cương.
Tuy nhiên, chính tại nơi hòa bình vừa được thiết lập lại, vấn nạn tham nhũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của Sierra Leone. Đất nước này phải phụ thuộc vào viện trợ quốc tế từ các tổ chức như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để có thể chi trả các khoản nợ. Tỷ lệ lạm phát lên tới 18% cộng thêm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao nhất trên thế giới đang trở thành mối lo chung của quốc gia này.
10. CHDC Sao Tome và Principle
Tỷ lệ người nghèo: 66,2%
GDP bình quân đầu người: 1.473 USD
CHDC Sao Tome và Principle
CHDC Sao Tome và Principle
Công nghiệp chiếm 19%, nông nghiệp: 23% và dịch vụ: 58% GDP. Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ yếu vì đất đai rất màu mỡ. Cây ca cao là sản phẩm chính. Phần lớn đất đai được quốc hữu hóa. Rừng chiếm diện tích khá lớn; bờ biển có nhiều loại cá. Công nghiệp kém phát triển, chủ yếu là chế biến nông, lâm, ngư sản; Xuất khẩu đạt 4,9 triệu USD, nhập khẩu 19,5 triệu USD; nợ nước ngoài: 274 triệu USD.
Sao Tome và Principle là một đảo quốc nhỏ và nghèo. Nền kinh tế nước này phụ thuộc chủ yếu vào cây ca cao từ sau khi giành được độc lập. Nhờ vào Chương trình dành cho những nước nghèo nợ nước ngoài lớn, Sao Tome và Principle đã được hưởng 200 triệu USD. Tháng 8 năm 2005, Sao Tome và Principle ký với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Chương trình xoá nghèo và hỗ trợ phát triển trị giá 4,3 tỷ USD.
Dương Hoài Linh
Không có nhận xét nào