BREXIT VÀ CHIEXIT Nhiều bạn đọc tỏ ra lo ngại khi BBC đưa tin thủ tướng mới của Anh thay cho bà Theresa May, ông Boris Johnson là một người ...
BREXIT VÀ CHIEXIT
Nhiều bạn đọc tỏ ra lo ngại khi BBC đưa tin thủ tướng mới của Anh thay cho bà Theresa May, ông Boris Johnson là một người có xu hướng muốn gần Trung Quốc.
Thực ra các bạn lo ngại hơi xa, dĩ nhiên chúng ta chưa biết ông Johnson sẽ có chính sách đối ngoại gì, nhưng chúng ta cần nhớ là trước khi bà May làm thủ tướng thì tiền nhiệm của bà là David Cameron là người có xu hướng thân Trung Quốc và nội các do ông này lập ra đầy rẫy các quan chức thân Trung Quốc.
Sau khi Trump đắc cử và thực hiện chính sách chống Trung, đồng thời với việc Anh phải rời EU để độc lập chính trị hơn thì David Cameron phải từ chức để Anh thực hiện chiến lược quốc gia mới. Trong lần tiếp tổng thống Mỹ mới đây nhân kỷ niệm D-Day thì nữ hoàng Anh đã tái cam kết về hợp tác chiến lược giữ hoà bình quốc tế Anh-Mỹ. Cần nhớ như vậy để chúng ta không cần quá lo ngại về việc thủ tướng mới của Anh sẽ làm đổi hướng chiến lược D-Day của khối đồng minh.
Tôi thấy thú vị khi ông Johnson nói ông hào hứng với Vành Đai-Con Đường của Trung Quốc. Thật ra Vành Đai-Con Đường không nguy hiểm. Nguy hiểm là ở tư thế và chiến lược bành trướng của Trung Quốc. Nếu Việt Nam tận dụng được tiền từ BRI mà TQ thì bị các đại cường kềm chế không thể bành trướng theo kiểu phát xít đỏ thì cũng đâu có gì phải lo. Trump vẫn là người bạn lớn của Tập Cận Bình thì tại sao Anh phải lo sợ về BRI ?
Cùng với việc Anh thay đổi nhân sự mới là việc một tàu biển có quốc tịch Anh bị Iran bắt giữ. Trong một phát biểu mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói Anh phải tự lo giải cứu và bảo vệ tàu bè của họ. Đây là cái chúng ta cần xem là mấu chốt.
Đã một thời gian quá dài các cường quốc Anh, Pháp, Đức... cho là Mỹ phải đóng vai trò bảo hộ chính cho an ninh thế giới trong khi EU bắt tay với Trung Quốc ngày càng sâu đậm. Từ đó các chính sách an ninh toàn cầu do Mỹ thúc đẩy đôi lúc bị cản trở về chiến thuật do sự thiếu hợp tác từ EU. EU cho là Mỹ nên lắng nghe họ hơn, thế thì rắc rối ở Iran thì EU phải đứng ra đảm nhiệm vai chính. Các vị muốn được lắng nghe và tôn trọng thì các vị phải làm nhiều hơn.
Đức là nước hay chỉ trích Mỹ nhiều nhất, nhưng họ cũng hiểu thông điệp của Trump nhanh nhất. Phái bộ nghị sĩ Đức đa tới Hong Kong, thăm phe dân chủ ở đây trước khi đến Bắc Kinh họp theo nghị trình. Hiển nhiên điều này làm đảng CSTQ không vui.
Về vấn đề Iran, Mỹ đã làm đủ trong tư thế đàn anh đứng đầu của họ, đó là việc Mỹ không tiếp ngoại trưởng Iran khi ông này đến trụ sở LHQ mà tuyên bố chỉ tiếp tổng thống hay đại giáo chủ của nước này. Đồng thời Mỹ bắn rơi lại một máy bay không người lái của Iran. Thông điệp của Mỹ là rất rõ, Iran muốn đàm phán thì đi gặp EU, còn Mỹ không ngại chiến tranh. Nếu chiến tranh Iran nổ ra thì EU phải đóng vai chính, Mỹ chỉ là vai phụ và Mỹ tập trung cho vùng Biển Đông.
Trở lại Biển Đông ta thấy Mỹ đã thành lập xong bộ máy chiến tranh diều hâu chống của họ. Tân bộ trưởng Quốc phòng mới Mask Esper là người có quan điểm cứng rắn về Trung Quốc và là bạn học của ngoại trưởng Pompeo từ thời sinh viên. Đồng thời ông Esper là người đã trải qua chiến tranh thực tế. Thời kỳ 1990 ông này tham chiến ở Vùng Vịnh trong phiên chế sư đoàn dù 101 nổi tiếng của Mỹ.
Nhìn vào bộ ba Bộ trưởng quốc phòng Esper, ngoại trưởng Pompeo và tư lệnh Indo-Pacific, tướng Philip Davidson đều là những quan chức bài Trung mạnh mẽ, ta hiểu trọng tâm của Mỹ đang đặt ở đâu lúc này. Nhất là sau khi nhận chức, ông Esper sẽ không đi Trung Đông trước mà đi Nhật, Hàn và Úc vào tháng 8 tới đây.
Việc Mỹ trở lại Biển Đông không chỉ bằng nhân sự mới mà còn là hoạt động thực tế. Với việc Trung Quốc cho quậy ở Bãi Tư Chính của Việt Nam, Mỹ đã công bố sẽ tăng cường hoạt động của lực lượng cảnh sát biển tại vùng Tây Thái Bình Dương và Biển Đông.
Từ những yếu tố trên, chúng ta thấy rõ không cần quá lo lắng về Brexit của Anh-Mỹ mà nên tập trung vào việc “Chiexit” của Việt Nam. Điều quan trọng nhất là phải đạt được hợp tác đối tác chiến lược với Mỹ lúc này. Điều đã bị đảng CSVN bỏ lỡ thời kỳ năm 2013 khi Mỹ chìa tay ra vì đảng em sợ phật lòng đảng anh.
Hiện nay thì tôi nghe phong thanh trong đảng đã bàn nhau về những điều trước đây bị coi là “vùng tối đa hạn chế”. Đó là tiến tới quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, đồng thời tiến tới hiệp định đồng minh quốc phòng song phương. Đảng CSVN đã không còn nhiều lựa chọn khi đảng CSTQ quậy ở bãi Tư Chính, kề dao sau lưng Việt Nam ở Campuchia và thúc đẩy mấy cái đảng khăn rằn, khăn nâu... phá Việt Nam từ trong ra.
Việc đài truyền hình Việt Nam VTV nhiệt tình kỷ niệm “chống Mỹ” sớm 5 tháng cần được chúng ta lo ngại hơn phát biểu của tân thủ tướng Anh.
H.M
Không có nhận xét nào