Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

CHU MỘNG LONG - TRA XÉT, RÀ SOÁT GIÁO VIÊN LÀ PHẢI

TRA XÉT, RÀ SOÁT GIÁO VIÊN LÀ PHẢI Không ít người share hình ảnh công an tra xét, rà soát toàn bộ thân thể của thầy cô giáo tham gia chấm th...

TRA XÉT, RÀ SOÁT GIÁO VIÊN LÀ PHẢI

Không ít người share hình ảnh công an tra xét, rà soát toàn bộ thân thể của thầy cô giáo tham gia chấm thi với thái độ bức xúc, rằng nhà chức trách đã xúc phạm thầy cô giáo nghiêm trọng, xem thầy cô giáo như tội phạm, rằng còn đâu là truyền thống "tôn sư trọng đạo"?

Các giáo sư, tiến sĩ nói, "nếu là tôi, tôi sẽ bỏ về ngay lập tức!" Tôi cũng nói thế, nhưng may là hơn 20 năm qua tôi không tham gia coi thi, chấm thi tuyển sinh hay tốt nghiệp.

Đa số thầy cô giáo tham gia chấm thi không nói gì hoặc có người xem đó là chuyện bình thường. Một số người còm rằng, nếu họ bỏ về sẽ bị kỷ luật. Thật tội nghiệp!

Sau khi lắng nghe dư luận và suy xét tư cách, phẩm chất thầy cô giáo thời đại này, tôi thấy, nhà chức trách truy xét, rà soát thầy cô giáo, xem thầy cô giáo như tội phạm cũng phải. Bởi vì họ có đáng tin không mà không truy xét, rà soát?

Từ lâu thầy cô giáo đã không còn đáng tin cậy, thậm chí đáng bị khinh bỉ hơn là "tôn sư trọng đạo". Khoảng hơn vài mươi năm trước, tôi còn rất trẻ, từng tham gia tuyển sinh vài lần đã tận mắt chứng kiến mọi sự thối nát trong đội ngũ giáo dục.

Thời đó, mùa tuyển sinh diễn ra như trẩy hội. Không phải vì thí sinh kéo về thành phố đông đúc mà vì đó là mùa quý thầy cô hái lôc. Trước và trong ngày dự thi, mỗi thầy cô mang trong người không biết bao nhiêu gửi gắm qua những mẩu giấy be bé. Không biết ở đâu ra mà năm nào mỗi thầy cô cũng có đến dăm bảy con cháu gửi gắm cho nhau. Người đi coi thi chỉ còn có mỗi nhiệm vụ là... canh chừng cho thí sinh được gửi gắm chép tài liệu. Đến ngày chấm thi thì tưng bừng lục túi tìm gà rồi reo lên: "nó đây rồi!" Đủ các hình thức: làm dấu trên bài làm, viết dòng chữ đầu tiên để nhận dạng, kể cả sự táo tợn mua bán phách!

Một lần tôi chứng kiến trưởng chấm thi sơ suất để gió thổi bay có đống những mẩu giấy ghi phách của bài làm thí sinh. Có người táo gan đến mức khi tôi chấm 2 phát hiện có bài thi đáng 2 điểm nhưng giám khảo 1 chấm đến 9 điểm. Tôi truy vấn mấy lần thì mới khai thật là... gà!

Gà đó phải là gà vàng, gà kim cương được trao đổi, mua bán giữa chợ giời có tên là tuyển sinh! Nhiều thầy cô giàu lên, có vụ đổi bằng cả nhà đất.

Tham gia tuyển sinh thời đó là một ân huệ. Những người không tham gia dạy luyện thi trong trường mà ra ngoài dạy thêm như chúng tôi thì bị trừng phạt không cho tham gia tuyển sinh nữa.

Đến nhiều năm sau, một sự đổ vỡ bất ngờ mới chấm dứt cái chợ giời đó, đúng ra là nhiều thầy cô chuyển từ hoạt động công khai sang bí mật. Ấy là năm Hiệu phó Trần Tín Kiệt bỗng nổi hứng (thực ra là để sát phạt phe cánh) cho công an bắt quả tang một cán bộ có trong túi đến gần cả trăm cái phách. Vị cán bộ này bị nhốt để điều tra một năm, sau đó được tha bổng vì khai cả đống con ông cháu cha ở trong số phách đó.

Nay chuyện sửa điểm gian lận ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, hiển nhiên là do bàn tay nhớp nháp của quan chức. Nhân chuyện đó mà rà soát, truy xét ở thầy cô giáo là quá đáng, chẳng khác gì đánh bùn sang ao để rửa mặt. Nhưng không phải vì thế mà bộ mặt của thầy cô giáo hoàn toàn sạch sẽ. Họ bị xem là tội phạm cũng phải chứ “tôn sư trọng đạo” cái gì? Họ đáng bị làm nhục vì họ có khả năng tự làm nhục và chịu nhục rất giỏi!

Chu Mộng Long





Không có nhận xét nào