HIỂU VỀ BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG Trong những năm qua, tình hình biển Đông luôn là điểm nóng và luôn thu hút sự quan tâm của tất cả người dân Việt ...
HIỂU VỀ BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG
Trong những năm qua, tình hình biển Đông luôn là điểm nóng và luôn thu hút sự quan tâm của tất cả người dân Việt yêu nước. Thế nhưng qua trao đổi, tranh luận, tôi nhận thấy mọi người có các cách hiểu khá khác nhau về biển đảo. Đặc biệt các thuật ngữ như nội thủy, lãnh hải, đặc quyền kinh tế EEZ, thềm lục địa,... không phải ai cũng hiểu đúng và nắm chắc những quyền của các bên liên quan, để từ đó có những ý kiến tranh luận phù hợp. Thậm chí những khái niệm tưởng chừng như đơn giản, đương nhiên như “đảo là gì”, khi xem xét dưới các góc độ khác nhau cũng cho ta cái nhìn khác nhau, và từ đó có những đánh giá khác nhau về các sự việc đang diễn ra.
Chính vì thế, tôi quyết định sẽ viết 1 loạt các bài chia sẻ về các vấn đề liên quan đến biển đảo quê hương. Đây là 1 đề tài khá nhạy cảm, ít nhiều liên quan đến chính trị. Tuy nhiên tôi sẽ cố gắng chỉ viết nó dưới góc độ học thuật, chia sẻ kiến thức. Mong các bạn khi tham gia tranh luận cũng trên cơ sở đóng góp, chia sẻ kiến thức về biển đảo quê hương, tránh những bình luận tiêu cực, khiêu khích, chứa đựng những nội dung chính trị.
BÀI 1: CÁC KHÁI NIỆM CHUNG
Cách hay nhất để mở đầu loạt bài về biển đảo có lẽ là cùng ôn lại một số kiến thức cơ bản về phân loại vùng biển có cập nhật phân loại của Công ước LHQ về Luật biển (United Nations Convention on Law of the Sea – UNCLOS) và Công ước Geneva về Lãnh hải và Tiếp giáp lãnh hải 1958 (CTS).
Theo sách Địa lý Lớp 12, nước ta có hơn 4000 đảo lớn nhỏ, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) và Trường Sa (Khánh Hòa). Nước ta có đường bờ biển dài 3260km chạy dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang). Thực tế, thống kê của nhà địa lý học Lê Đức An (1996) xác định Việt Nam có 2773 đảo và 2 quần đảo với 41 đảo, 331 rạn san hô và 16 bãi ngầm.
Ngoài ra sách giáo khoa cũng có định nghĩa về Nội thủy, Lãnh hải, Vùng tiếp giáp lãnh hải, Vũng đặc quyền kinh tế, Thềm lục địa, và cả Vùng trời, nhưng định nghĩa rất sơ sài, hình vẽ kèm theo cũng chưa chính xác.
1. Đường cơ sở (Archipelatic baseline):
Có thể hiểu 1 cách đơn giản là đường biên giữa đất liền và biển. Tuy nhiên việc phân định chính xác ranh giới này là điều hầu như không thể, các quốc gia thường đơn giản chọn các điểm nhô ra biển xa nhất và nối chúng lại thành đường cơ sở. Việc xác định đường cơ sở rất quan trọng vì trong hầu hết các trường hợp, nó sẽ được dùng để xác định các loại vùng biển khác. Do vậy, các quốc gia thường có xu hướng tìm cách vẽ đường cơ sở rộng ra như là 1 cách mở rộng lãnh thổ trên biển.
2. Nội thủy (Archipelatic water):
Nội thủy là vùng biển nằm bên trong đường cơ sở Trong nội thủy, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối tương tự như đối với đất liền. Tàu thuyền nước ngoài phải xin phép và được chấp nhận thì mới được phép vào nội thủy.
3. Lãnh hải (Territorial sea):
Lãnh hải là vùng biển nằm ngay bên ngoài đường cơ sở và cũng được xem là vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển. Cả UNCLOS và Luật Biển Việt Nam 2012 đều qui định chiều rộng của lãnh hải là 12 hải lý tính từ đường cơ sở.
Tuy nhiên chủ quyền của quốc gia đối với vùng lãnh hải phải chịu 2 hạn chế: (i) quyền qua lại vô hại của tàu nước ngoài và (ii) quyền miễn trừ của tàu chiến. Hiểu 1 cách đơn giản, tàu các nước có thể di chuyển trong vùng lãnh hải một cách nhanh chóng, liên tục, không dùng vũ lực, thử vũ khí, tuyên truyền, gây ô nhiễm, đánh bắt cá, nghiên cứu,...
Điều 12 Luật biển Việt Nam qui định “Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.” Nói cách khác, tàu chiến nước ngoài không phải xin phép trước mà chỉ cần thông báo trước cho phía Việt Nam trước khi thực hiện quyền qua lại vô hại trong lãnh hải Việt Nam.
Biên giới trên không của quốc gia, hay còn gọi là Vùng trời quốc gia, là khoảng không gian phía trên của đất liền, nội thủy, và lãnh hải của quốc gia đó.
4. Tiếp giáp lãnh hải (Contiguous zone):
Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm ngay bên ngoài của lãnh hải, cũng có chiều rộng 12 hải lý. Do vậy, nếu tính từ đường cơ sở thì vùng tiếp giáp lãnh hải sẽ rộng 24 hải lý. Việc đặt ra vùng tiếp giáp lãnh hải để thuận lợi cho việc chống buôn lậu cũng như các hành vi phạm pháp khác.
5. Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive economic zone – EEZ):
Vùng EEZ là vùng biển bao gồm cả phần nước, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải và rộng tối đa 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Như vậy, nếu trừ phần lãnh hải 12 hải lý thì EEZ sẽ rộng 188 hải lý.
Trong vùng EEZ, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc khai thác các lợi ích kinh tế. Các quốc gia khác, bên cạnh quyền tự do về hàng hải, còn có các quyền hàng không và lắp đặt cáp và ống ngầm.
6. Thềm lục địa (Continental shelf)
Thềm lục địa dưới đáy biển và lòng đất dưới đáy biển là sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền đến mép ngoài của rìa lục địa. Trong trường hợp thềm lục địa rộng hơn 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì quốc gia ven biển có quyền đệ trình lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (Commission on the Limits of Continental Shelf – CLCS) để xác lập EEZ rộng hơn 200 hải lý. Tuy nhiên, thềm lục địa không được vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở.
Nguyễn Giang Nam
P/S: đính kèm 1 hình tự vẽ và 1 hình lấy từ SGK Địa Lý lớp 12, không đánh dấu thềm lục địa và bỏ hẳn vùng trời. Cái mũi tên màu đỏ vẽ thềm lục địa là vừa thêm vào.
Không có nhận xét nào