Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

KHỞI TỐ NGƯỢC

KHỞI TỐ NGƯỢC  Ls Nguyễn Anh Vân  Theo thông tin trên các trang mạng xã hội về vụ án trốn thuế thì vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải nhận chuyển ...

KHỞI TỐ NGƯỢC 

Ls Nguyễn Anh Vân 

Theo thông tin trên các trang mạng xã hội về vụ án trốn thuế thì vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải nhận chuyển nhượng hơn 290 m2 đất ở hẻm 78/40 đường Tuệ Tĩnh (TP Nha Trang) từ ông Ngô Văn Lắm. Theo hợp đồng công chứng do Văn phòng Hoàng Huệ Phạm Tuấn thực hiện vào tháng 8/2016 thì lô đất có giá chuyển nhượng là 1,8 tỷ đồng và bên chuyển nhượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân hơn 42,8 triệu đồng, còn bên nhận sang nhượng phải nộp lệ phí trước bạ gần 11 triệu đồng. Chi cục thuế Nha Trang xác định giá đất, giá tính lệ phí trước bạ nhà do UBND tỉnh Khánh Hòa quy định đối với mảnh đất ông Trần Vũ Hải nhận chuyển nhượng là hơn 2,14 tỷ đồng. Do đó phía cơ quan điều tra cho rằng vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải đã ký vào những giấy tờ mua bán nhà đất (có lẽ là hợp đồng công chứng nói trên) và việc ký vào các giấy tờ này đã giúp người bán trốn thuế với số tiền 276 triệu đồng. 

Căn cứ vào khoản tiền thuế bị thất thu này, Cơ quan cảnh sát điều tra Khánh Hòa khởi tố vụ án và khới tố bị can về tội trốn thuế đối với những người có liên quan, trong đó có vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải. 

Tuy nhiên, việc khởi tố đã không nhận được sự đồng tình của dư luận cũng như của giới luật sư. Họ cho rằng khởi tố tội danh này là không có căn cứ pháp lý và do Luật sư Trần Vũ Hải đã, đang tham gia vào nhiều vụ án cộm cán, nhạy cảm nên thế này thế kia … 

Để làm rõ việc khởi tố vụ án trốn thuế là đúng hay sai thì vấn đề mấu chốt cần phải được làm sáng tỏ là hành vi kê khai giá chuyển nhượng nhà, đất trong hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá quy định có cấu thành tội trốn thuế hay không và ai là người phải chịu trách nhiệm về việc làm thất thoát khoản tiền thuế này. 

Về hành vi kê khai giá chuyển nhượng nhà, đất thấp hơn giá quy định có cấu thành tội trốn thuế hay không? 

Theo Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về Tội trốn thuế đối với trường hợp này thì:

“Người nào trốn thuế với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoạc về một trong các tội được quy định tại Điều 153 đến Điều 160, Điều 164, từ Điều 193 đến Điều 196, Điều 230, Điều 232, Điều 233, Điều 236 và Điều 238 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm”. 

Theo hướng dẫn tại Thông tư số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26/06/2013 (có hiệu lực ngày 15/08/2013) thì người phạm tội trốn thuế là người thực hiện một trong các hành vi được qui định tại Điều 108 của Luật quản lý thuế, đồng thời thỏa mãn các dấu hiệu được qui đinh tại Điều 161 của BLHS. 

Theo Điều 108 Luật quản lý thuế: Về xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì:

“Người nộp thuế có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế sau đây thì phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định và bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn: 

1. Không xuất hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hoá đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán; 

2. Sử dụng hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán hàng hoá, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn; 

3. Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn; 

4. Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan trong thời gian sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan; 

5. Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; 

6. Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hoá nhằm mục đích trốn thuế; 

7. Sử dụng hàng hoá được miễn thuế không đúng với mục đích quy định mà không khai thuế”. 

Không thấy có hành vi kê khai giá chuyển nhượng nhà, đất thấp hơn giá quy định quy định trong điều luật này. 

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên thì hành vi kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá quy định ghi trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất không phải là hành vi trốn thuế và không cấu thành tội trốn thuế. 

Về vấn đề ai là người phải chịu trách nhiệm về việc làm thất thu khoản tiền thuế? 

Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về giá chuyển nhượng như sau:

“1. Giá chuyển nhượng 

a) Giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có công trình xây dựng trên đất là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng. 

Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng. 

b) Giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với công trình xây dựng trên đất, kể cả nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng. 

Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá đất hoặc giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng đất là giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai….” 

Căn cứ vào quy định này thì: 

- Người chuyển nhượng, người nhận chuyển nhượng, và Văn phòng công chứng không phải chịu trách nhiệm về giá chuyển nhượng ghi trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. 

- Cơ quan chức năng (Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng tài nguyên và Môi trường, cơ quan thuế) phải căn cứ vào giá chuyển nhượng đất, giá tính lệ phí trước bạ nhà do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng để tính đúng, tính đủ đối với những Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. 

Như vậy lỗi để thất thoát tiền thuế, lệ phí ở đây là của cơ quan chức năng (cơ quan thuế, Văn phòng đăng ký đất đai) thành phố Nha Trang. 

Cho nên, việc làm thất thoát tiền thuế là do những cán bộ chuyên trách của cơ quan chức năng thành phố Nha Trang gây ra chứ không phải do ông Ngô Văn Lắm và vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải ký hợp đồng chuyển nhượng có mức giá thấp hơn giá quy định gây ra. 

Để giải quyết việc làm thất thoát khoản tiền thuế này không khó, chỉ cần Chi cục thuế Nha Trang thông báo cho người chuyển nhượng là ông Ngô Văn Lắm thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung do có sai sót trong việc tính giá chuyển nhượng đất, giá tính lệ phí trước bạ nhà là xong, không cần phải tốn công, tốn của để giải quyết vụ việc theo vòng xoáy tố tụng hình sự. 

Nếu Cơ quan điều tra Khánh Hòa kiên quyết muốn xử lý vụ việc bằng con đường tố tụng hình sự mà không muốn ông Ngô Văn Lắm nộp thuế bổ sung thì phải khới tố những cán bộ chuyên trách của cơ quan chức năng thành phố Nha Trang về tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 mới đúng pháp luật. 

Như vậy, từ những phân tích trên cho thấy, nếu vụ án đúng như các trang mạng xã hội phản ánh thì việc Cơ quan điều tra Khánh Hòa khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội trốn thuế là không có căn cứ, sai đối tượng và là khởi tố ngược. 

Để tránh oan sai, tránh những rủi ro pháp lý không đáng có có thể xảy ra, trong đó có việc phải yêu cầu Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào cuộc xác minh, điều tra về việc “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”, thiết nghĩ Cơ quan cảnh sát điều tra Khánh Hòa nên xem xét việc ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án “Trốn thuế” không có căn cứ này. 

Hà Nội, ngày 04/07/2019 
Nguyễn Anh Vân




Không có nhận xét nào