[ LẤY CHỒNG HÀN QUỐC ĐÀI LOAN - VẤN NẠN QUỐC NHỤC? ] Làn sóng các cô gái nghèo ở vùng nông thôn ‘Lấy chồng Đài Loan’ và ‘Lấy chồng Hàn Quốc...
[LẤY CHỒNG HÀN QUỐC ĐÀI LOAN - VẤN NẠN QUỐC NHỤC?] Làn sóng các cô gái nghèo ở vùng nông thôn ‘Lấy chồng Đài Loan’ và ‘Lấy chồng Hàn Quốc’ đã phổ biến tới độ đã biến Việt Nam thành một sắc tộc thiểu số hàng đầu ở hai quốc gia Đông Á đó. Phong trào bắt đầu với Đài Loan, theo ước tính thì hiện tại đã có tầm 80,000-100,000 cặp vợ chồng Đài-Việt. Còn ở Hàn Quốc, phong trào vốn đi sau Đài Loan thì bây giờ có khoảng 40,000-50,000 cặp.
Năm nào cũng vậy. Lâu lâu báo chí lại rùm beng một vụ cô dâu Việt bị chồng đánh. Mấy ngày hôm nay thì lại chấn động vụ một cô vợ Việt bị chồng Hàn đánh. Như bao lần khác, nguời ta chửi và phẫn nỗ rồi lại tiếp tục như xưa. Vậy tại sao lại có vấn nạn này? Trước khi trách, chửi hay cho là ‘quốc nhục’ thì hãy tìm hiểu nguồn gốc của vấn đề:
1 - NGHÈO - Đây là lý do hiển nhiên nhất. Sau 44 năm giải phóng đất nước thì di sản CNXH để lại là sự nghèo đói trên khắp miền đất nước. Hầu hết các cô gái này sinh ra và lớn lên ở các cùng quê nghèo, đa số là ở miền Tây và miền Bắc nơi kinh tế không phát triển. Cũng như bao người đồng hương khác, cái nghèo thúc đẩy con người làm nhiều việc mà người ngoài không thể hiểu được. Từ việc đi làm xa nhà, làm nghề nhạy cảm, bán mình đi xuất khẩu lao động và đi lấy chồng ngoại. Nghèo đói làm con người ta bất chấp tính mạng và chỉ muốn làm bất cứ điều gì cũng được miễn sao thoát nghèo.
2 - GIÁO DỤC KÉM - Nếu đọc lý lịch và tiểu sử của họ thì sẽ thấy một điểm chung, đó là hầu hết đều bỏ học sớm hoặc không được giáo dục đầy đủ. Ở các vùng quê nghèo thì nếu không có tiền đi học thì nghỉ. Nhiều người chưa tốt nghiệp cấp 3 và ra đời rất sớm. Vì trình độ không có, học vấn cũng không, bằng cấp thì trắng tay, nhà thì nghèo, ý thức thì kém - tất cả yếu tố cộng lại đưa đẩy từng người nhắm mắt đi lấy Đài Loan hay Hàn Quốc như cách duy nhất để thoát nghèo.
3 - MÔI GIỚI DỤ - Đây là yếu tố ít ai để ý tới. Môi giới hôn nhân cho đàn ông độc thân ở Hàn Quốc và Đài Loan là một ngành công nghiệp trị giá trăm triệu đô. Mỗi thương vụ hôn nhân thành công thì người môi giới sẽ nhận được tiền hoa hồng $2000-$10,000 tuỳ theo trường hợp. Còn bên phía Việt Nam thì cũng tương tự, các ‘cò’ sẽ dụ gia đình cho con lấy chồng ngoại. Đổi lại, nhà trai sẽ cho nhà gái một số tiền vài ngàn dollar. Tuy nhỏ với người ngoài nhưng đối với một gia đình nghèo ở quê thì được coi là một gia sản.
Các môi giới hoạt động không khác gì tổ chức buôn người nhưng dưới danh nghĩa ‘làm mai mối.’ Họ tìm kiếm những hộ gia đình nào nghèo có con gái rồi từ từ tiếp cận. Phong trào bắt đầu ở các tỉnh nghèo ở miền Tây, có thể là vì gần TP Hồ Chí Minh nên dễ đi lại, và sau này là các tỉnh miền Bắc như Quảng Ninh. Trước những lời mật ngọt của môi giới thì các gia đình sớm muộn cũng bằng lòng để có tiền sinh sống.
4 - CHA MẸ GÂY ÁP LỰC - Một yếu tố hết sức nhạy cảm ít đề cập tới là văn hoá gia đình. Ở đây tôi không phân biệt vùng miền nào vì nghèo ở đâu cũng là nghèo. Các gia đình ở vùng quê vẫn còn nặng truyền thống Nho Giáo. Họ coi con gái là con người ta, trước sau gì nó cũng đi lấy chồng cho nên thà lấy một thằng chồng Đài Loan Hàn Quốc còn hơn lấy một thằng nghèo ở địa phương. Họ coi con cái sinh ra là để trả hiểu cho cha mẹ, việc cô con gái đi lấy chồng là cách kiếm tiền đem về cho gia đình. Mình thì không phải là người trong cuộc, chỉ nghe lại từ những người bạn của mình.
Mình cực kỳ ghét khi đọc bình luận ở các báo chí chính thống hay trên các diễn đàn về vấn đề này. Các bạn nam thì: “Ai kêu mày ngu, ham tiền thì chịu đi con,” “Cho chừa tật mê Hàn Quốc và sính ngoại” hay “Quốc nhục, không biết phấn đấu mà chỉ lưới biếng.” Nó rất là thiển cận và vô cùng thiếu hiểu biết. phải hỏi là tại sao các cô gái được ăn học lại không rơi vào hoàng cảnh đó, tại sao những gia đình khá giả lại không làm vậy, ai đã làm cho những vùng quê đó nghèo, ai đã cướp đi cuộc sống của họ?
Trước đây thì tôi cũng trách và chửi các cô gái ấy. Trong một lần đi sân bay, thấy các cô gái đang ôm người chồng Đài hay Hàn tuổi cha chú của mình, thấy tức quá nên thôi chụp lại rồi đưa cho cô bạn người miền Tây của tôi. Điều cô ta nói ít nhiều thay đổi suy nghĩ: “Ờ. Mày về quê tao rồi mày thấy sao? Nó nghèo đúng không? Đàn ông quê tao mày thấy có bao nhiêu người được ăn học và có công việc đầy đủ? Con nhỏ kia lấy thằng chồng Đài Loan Hàn Quốc thì có thể là nó sẽ khổ. Nhưng con cái nó được ăn học, nó được luật pháp bảo vệ, có bị gì thì gọi cảnh sát là thằng chồng vô tù liền. Giờ giả sử nó lấy một thằng chồng nghèo ở quê nó coi, lúc nó bị đánh thì công an có bảo vệ nó không? Lúc đó nó càng khổ nữa.”
Nghĩ lại cũng đúng. Người ta chỉ thấy trước mắt rồi chửi cho sướng miệng chứ không tìm hiểu vấn đề. Phía Hàn Quốc đã bảo vệ các cô dâu và xin lỗi vì đây ít nhiều cũng là thể diện quốc gia. Nếu chuyện này mà xảy ra ở Việt Nam thì người ta sẽ coi như không có gì và cô vợ sẽ càng khổ hơn nữa.
Cho nên trách ai? Trách đàn ông xứ này đã không tạo niềm tin cho các cô gái. Trách tụi môi giới vì tiền mà bất chấp. Trách cái thể chế độc tài này đã làm nghèo đất nước và trách cái chính quyền này đã đẩy các gia đình vào đói khổ. Chừng nào còn CNXH, đất nước còn nghèo đói. Chừng nào còn nghèo đói thì trào lưu ‘lấy chồng Đài Loan’ hay ‘lấy chồng Hàn Quốc’ sẽ không bao giờ ngừng.
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Không có nhận xét nào