Quyền được biết của người dân Ngày hôm qua thì ông Bùi Thanh ở báo Tuổi Trẻ bảo anh em nhà giàn DK1 nhắn tin thân mật “anh em OK, Dk1 vẫn O...
Quyền được biết của người dân
Ngày hôm qua thì ông Bùi Thanh ở báo Tuổi Trẻ bảo anh em nhà giàn DK1 nhắn tin thân mật “anh em OK, Dk1 vẫn OK anh ơi ! Xin gửi lời chào đất liền!”
Hôm nay thì ông Hoàng Hải Vân bảo "Riêng việc các báo chính thống vì sao không đăng tin, theo tôi biết là họ không có thông tin gì để đăng."
Dễ dàng ta có thể nhìn thấy nhiều nhà báo [cao cấp] của nền thông tin tại Việt Nam cho rằng: Một số thông tin họ có đặc quyền được biết thông tin quan trọng, xa xôi, còn người dân thì không. Họ có đặc quyền biết mà không công bố nó trên báo chí, dù đó là thông tin thiết thân, quan trọng và ảnh hưởng đến xã hội. Đặc quyền thông tin đó sinh ra từ “tài sản” vô hình của tờ báo như pháp nhân (phải là báo chí thì các cơ quan mới trả lời “tin nhắn thân mật”), mối quan hệ được gầy dựng từ các hoạt động xã hội (ở báo TT thì “Góp đá xây Trường Sa” là hoạt động giúp tờ báo này “thân thiện” với cánh hải quân, cảnh sát biển, nhà giàn.
Các tờ báo lại nhìn nhận đặc quyền đó là của riêng họ - không dành cho dân chúng.
Luật Khoa tạp chí - một tờ báo độc lập - hôm nay dịch lại bài viết của Bloomberg có tên “Trung Quốc đang lặng lẽ chiếm được Biển Đông như thế nào”. Bài viết có đoạn như sau: “Họ đứng yên trên mũi thuyền mình với những đôi bàn tay khép chặt phía sau đầu. Đó là Trần Văn Nhân – một thuyền trưởng tàu đánh cá người Việt Nam – cùng thủy thủ đoàn của mình. Họ đang bị một nhóm thủy thủ người Trung Quốc cầm gậy chích điện đe dọa bắt đứng yên. Nhóm thủy thủ này cướp hết số hải sản mà thuyền của Nhân đánh bắt được.
Sự kiện ít được báo chí tường thuật nói trên diễn ra vào tháng 6/2019. Đó là lần đầu tiên mà thuyền trưởng Nhân bị Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc bắt, tính từ vài năm trở lại đây khi lực lượng này tăng cường các hoạt động tuần tra trong các khu vực đang có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.”
Đoạn viết trên mô tả những gì đang xảy ra tại Biển Đông - từ nhiều năm nay - thường được đưa thành các tin vắn nhỏ lẻ, đặt ở góc ít gây chú ý, hoặc là tin “cứu hộ” ngư dân chứ không thể hiện nguyên nhân… vì sao phải cứu.
Câu chuyện đó nằm trong quyền được thông tin của người dân - một thứ quyền vô cùng cơ bản của con người. Quan trọng hơn, nó là một phần quan trọng để xã hội dần dần có quyền tự do ngôn luận.
Ông Toby Mendel, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Luật và Dân chủ tại Canada, là trung tâm theo dõi nền pháp luật Việt Nam từng giải thích về quyền này trên RFA như sau: “Chính quyền có rất nhiều nguồn thông tin về những hoạt động của đất nước, nhưng chính quyền không sở hữu thông tin. Chính quyền phải biến thông tin ấy cho việc lợi ích của quần chúng. Thông tin có được là nhờ công qũy lấy từ thuế đóng của người dân, nên người dân phải được quyền tiếp cận thông tin. Chính quyền không được giữ bí mật thông tin. Tôi muốn thêm rằng, quyền tiếp cận thông tin mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế. Điều thấy rõ khi chính quyền chia sẻ thông tin công khai với giới kinh doanh, hay nói chung trong xã hội, đều mang lại những lợi nhuận kinh tế đáng kể.” (1)
Trong giải thích trên, ông Toby đã nhấn mạnh hai yếu tố: Để có thông tin, chính quyền xài thuế của người dân để sản xuất. Và thông tin có lợi cho người dân.
Quay trở lại anh Trần Văn Nhân - anh ấy là thuyền trưởng tàu cá người Việt Nam. Như hàng vạn ngư dân khác đang hàng ngày mưu sinh trên Biển Đông, lẽ ra số phận, tình hình, cuộc sống, sự cố của anh phải là câu chuyện mà báo chí sẽ tường thuật. Đáng lẽ gia đình anh, người thân anh, hay xa hơn là những chủ doanh nghiệp mua bán hải sản, và đến các nhà hàng ở Sài Gòn, cũng phải được biết chuyện gì đang diễn ra trên Biển Đông. Từ đó, họ mới có thể ra quyết định kinh doanh cho tương lai, hoặc áng chừng rủi ro trong những tháng nhiều tranh chấp mà ngư dân không dám đưa tàu ra khơi xa.
Báo chí không nói một lời. Các nhà báo thì lên Facebook bảo “DK vẫn ok anh ơi! Xin gửi lời chào đất liền” và “họ không có thông tin gì để đăng” - nhưng tuyệt nhiên chẳng đăng gì thông tin ấy lên báo - cơ quan mà chính các anh ấy đang làm việc hàng ngày.
Quyền được biết, hóa ra chỉ ban phát cho friends trên Facebook chơi vui vậy thôi, chứ chả việc gì phải chia sẻ cho người đọc mua báo hàng ngày, cho thiên hạ đánh cá và bán cá biết sao?
Hồi học về dữ liệu mở, tôi quen một cô bé người Đài Loan. Cô là kỹ sư trong một dự án mà họ rà soát chất lượng trường tiểu học ở Đài Loan. Họ trực tiếp đi đến cơ quan giáo dục, yêu cầu cơ quan cung cấp dự liệu về tiểu học, bỏ học… để có thể chạy dữ liệu từ đó đưa ra bức tranh cho thấy giáo dục tiểu học đang diễn ra thế nào. Quyền được biết chính là thứ cho phép cô thực hiện công việc đó mà không bị ngăn chặn. Dữ liệu mà cô đổ ra cho thấy một khu vực ngoại thành thiếu trường học, cha mẹ phải cho các em đi học xa ngoài khu vực. Từ đó, cô và nhóm vận động công bố thông tin và buộc chính quyền phải đưa việc có thêm trường tiểu học ở khu vực đó là ưu tiên chi tiêu trong năm sau.
Giá trị của việc có được thông tin là giúp người dân ra quyết định cho cuộc sống của họ. Nó đơn giản như giá con cá ngoài chợ, hoặc mùa này đi nhà hàng không có cá ăn vì tàu ngư dân bị xua đuổi tùm lum rồi, hoặc như cô bạn Đài Loan của tôi, là đòi có thêm trường học cho trẻ con ở một khu vực.
Nhưng đi xa hơn, đó là quyền của người dân được tham gia vào quyết định số phận của quốc gia mình và nơi mình sống. Họ phải biết để đưa ra những quyết định quan trọng cho tương lai gia đình và cộng đồng của họ.
Nếu như mọi thứ ok cả, và chẳng có gì để đăng hết như các anh nói, thì tôi muốn hỏi hôm nay chị Thu Hằng lên Vnexpress "kiên quyết" làm cái quần gì vậy?
Bộ rảnh qúa hả?
Khải Đơn
=========
(1) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/interview-toby-mendel-executive-director-center-f-law-n-democracy-ylan-04112016124538.html
(2) Quyền được biết tại Mỹ: https://icevn.org/vi/blog/quyen-duoc-biet-cua-dan-chung/
Không có nhận xét nào