THAI LƯU: CÓ BẤT NGỜ HAY KHÔNG? Tôi tốt nghiệp là bác sĩ đa khoa hẹp, hệ Ngoại - Sản. Thời sinh viên, tôi đỡ đẻ cho nhiều trường hợp sinh th...
THAI LƯU: CÓ BẤT NGỜ HAY KHÔNG?
Tôi tốt nghiệp là bác sĩ đa khoa hẹp, hệ Ngoại - Sản. Thời sinh viên, tôi đỡ đẻ cho nhiều trường hợp sinh thường, cũng đã từng làm hầu hết các thủ thuật xung quanh chuyện sinh đẻ như forceps, giác hút... Tôi cũng đã từng mổ bắt con dưới sự hướng dẫn trực tiếp của bác sĩ chính.
Sau khi tốt nghiệp, tôi chỉ làm chuyên về Ngoại Thần kinh, và sau này chuyên sâu hơn nữa, vào chuyên ngành Phẫu thuật cột sống. Cho nên, kiến thức về sản khoa của tôi khá cũ. Tuy vậy, những kiến thức cơ bản về y khoa nói chung và sản khoa nói riêng, rất ít thay đổi, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt.
Ngay khi nghe và đọc được các bài báo về vụ cháu bé bị đứt da cổ khi sanh, tôi đã nghĩ ngay đến thai lưu, và lưu khá lâu. Nhưng chi tiết mà báo thông tin, rằng 2, 3 lần các nữ hộ sinh đều khẳng định tim thai bình thường, làm cho nhận định về trường hợp này trở nên khó khăn. Ai đã từng đỡ sanh thì sẽ biết, không dễ gì mà có thể kéo đứt da cổ của một cháu bé nếu đó không phải là thai lưu lâu ngày.
Những mô tả về tình trạng thai nhi sau khi sinh ra đều phù hợp với việc, đó là một thai lưu, chết trong bụng mẹ trên 1 tuần. Như vậy, thông tin cả hai nữ hộ sinh đều khẳng định tim thai bình thường có thể là chưa chính xác, hoặc nhận định của hai nữ hộ sinh này là chưa chính xác. Còn một khả năng thứ ba, mà một số người theo thuyết âm mưu đã nhận định, là những nữ hộ sinh này "chơi" bác sĩ.
Đây chính là chỗ sai sót của ngành y. Sai sót trong nhận định, hoặc vấn đề đoàn kết nội bộ, hoặc vấn đề truyền thông, dù thuộc lĩnh vực nào thì đó cũng là sai sót không đáng có.
Nhà báo Hoang Xuan đã có ý kiến rất bổ ích về vấn đề xử lí khủng hoảng của bệnh viện khi câu chuyện này nổ ra. Thiết nghĩ, Bộ Y tế, và lãnh đạo các bệnh viện cần tìm đọc bài báo này để bổ sung vào kiến thức truyền thông, cũng như củng cố thêm khả năng và qui trình xử lí khủng hoảng truyền thông.
Mặt khác, ngành y, và không chỉ ngành y, mà cả hệ thống quản lí nhà nước, cần có những thay đổi, để giải quyết những bất cập về vấn đề nhân sự cho y khoa. Đây là vấn đề sống còn của ngành y, cũng như của cả xã hội. Nếu ngành y bất ổn, chắc chắn xã hội này sẽ không yên ổn.
Nhân đây, xin nói đôi chút về bài viết "Quản lí nhân sự y khoa cao cấp" của tôi. Có một vài bạn nhận định rằng, nói như vậy là tôi cho rằng vị bác sĩ Răng Hàm Mặt trực ngày hôm đó làm đứt cổ cháu bé. Xin nói rõ, rằng tôi chỉ đề cập đến khía cạnh bất cập về nhân sự trong y khoa.
Và nhân đây cũng xin trả lời luôn các ý kiến, cho rằng ở tuyến huyện, nhân sự chỉ có thế, nên không có cách nào khác:
Khi chúng ta đóng giầy, thì phải xem cái chân ra sao, rồi làm đôi giày cho vừa. Còn nếu cứ đóng đại, xong rồi gọt chân cho vừa với chiếc giày thì sẽ đau đớn lắm, mà cũng chẳng đi được đến đâu cả. Rất tiếc là trong hầu hết các vấn đề, hệ thống của chúng ta đang đi theo kiểu gọt chân cho vừa giày.
Chúng ta phải xuất phát từ nhu cầu chuyên môn mà định biên nhân sự. Và, khi đã đi vào hoạt động, thì phải bảo đảm được tất cả các yếu tố để hoạt động được an toàn và hiệu quả, trong đó, quan trọng nhất là yếu tố nhân sự.
Võ Xuân Sơn
https://baomoi.com/ket-luan-bat-ngo-vu-be-so-sinh-tu-vong-voi-vet-dut-dai-tren-co/c/31312676.epi
Không có nhận xét nào