Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

LUDWIG VON MISES: LIBERALISM, CHỦ NGHĨA TỰ DO

[ LUDWIG VON MISES: LIBERALISM, CHỦ NGHĨA TỰ DO ] Khi nhắc đến sự phát triển thần kỳ của Châu Âu, cái nôi của văn minh Phương Tây, chúng ta ...

[LUDWIG VON MISES: LIBERALISM, CHỦ NGHĨA TỰ DO] Khi nhắc đến sự phát triển thần kỳ của Châu Âu, cái nôi của văn minh Phương Tây, chúng ta thường nghĩ đến nền dân chủ, cơ chế thị trường, luật pháp hay khoa học. Nhưng nếu có thể thu gọn hệ tư tưởng và những giá trị tinh hoa đó trong một từ duy nhất, thì nó sẽ là Liberalism, Chủ Nghĩa Tự Do.

Ludwig von Mises, biểu tượng của trường phái Kinh Tế Áo (Austrian Economics) không phải là người đầu tiên hay duy nhất miêu tả lý tưởng này, nhưng có lẽ là tác giá trình bày một cách tiêu biểu và hoa mỹ nhất trong thế kỷ 20. Tác phẩm Liberalism của ông từ một cuốn sách ít ai biết đến đã trở thành nguồn cảm hứng cho những ai muốn quảng bá tư tưởng tự do.

Nhưng Chủ Nghĩa Tự Do là gì, chúng ta nên định nghĩa nó thế nào và đặt tiêu chuẩn ra sao. Lấy gì để phân biệt giữa một xã hội tự do và một thể chế đang theo đuổi những giá trị trái nghịch với giấc mơ con người? Có rất nhiều cách, nhưng chúng ta có thể tóm gọm nó trong bốn thứ sau đây.



1 - TÀI SẢN VÀ TƯ HỮU: Động lực thúc đẩy con người thức khuya dậy sớm, làm việc cật lực, bỏ công sức để tìm hiểu và chấp nhận rủi ro là để tích luỹ cho bản thân lượng tài sản nhiều hơn hiện tại và đạt được nhiều danh vọng hơn trong cuộc sống. Nhưng để có thể thực hiện điều này thì xã hội nơi họ sống cần phải có Tài Sản và Tư Hữu. 

Bất cứ nơi nào cũng có của cải, tài nguyên và vật chất. Nhưng nó không có nghĩa con người được coi nó là của mình và có quyền sở hữu nó. Từ thời đại đồ đá cho đến chế độ Quân Chủ, chỉ có Vua và quan chức của tầng lớp quý tộc mới được quyền sở hữu những thứ xung quanh. Cái khái niệm rằng người dân thường cũng có thể làm việc và tích luỹ được tài sản là một giá trị đột phá trong lịch sử nhân loại.

Khi con người có Tư Hữu, họ trở nên siêng năng hơn vì biết rằng công lao của mình sẽ thuộc về mình chứ không phải người khác. Khi họ có cái gọi là Tài Sản, họ có thể sử dụng nó để tiến thân. Thiếu đi hai yếu tố này thì con người sẽ trở thành những kẻ thụ động, sống không mục đích và làm việc chẳng khác nào những nô lệ.

2 - CÔNG BẰNG TRƯỚC PHÁP LUẬT: Sự khác biệt giữa một xã hội văn minh và lạc hậu là giá trị của công dân xứ đó trước pháp luật. Khái niệm Công Bằng cũng là một giá trị hiếm hoi vì trong lịch sử, con người được phân chia theo tầng lớp hoặc giai cấp. Một người công nông luôn thấp kém hơn người quý tộc, một vị Vua luôn cao thượng hơn những kẻ hầu dưới quyền. 

Sự bất công này sinh ra vấn đề xung đột. Khi con người cảm thấy mình không được tôn trọng, họ sẽ bất cần tuân thủ pháp luật. Khi ai đó nghĩ rằng mình nằm ngoài vùng kiểm soát thì sẽ lạm quyền. Chỉ khi tất công dân đều được đối xử như nhau trước công lý, thì may ra xã hội mới được vận hành trong sự trật tự. 

Đó là khái niệm Công Bằng. Cho dù bạn là ai, con của gia đình nào, sinh ra ở đâu, nắm chức gì hay có bao nhiêu tiền thì trong mắt pháp luật bạn cũng chỉ là một công dân như bao người khác. Từ đó, Tự Do được sinh ra, dưới sự Công Bằng của pháp luật. Nếu không thì chúng ta sẽ có độc tài hoặc sự hỗn loạn.

3 - CHÍNH QUYỀN GIỚI HẠN VÀ MINH BẠCH: Để một xã hội vận hành thì cần phải có chính phủ. Nhưng nó nên lớn cỡ nào và lấy từ người dân bao nhiêu tự do để bảo đảm cho những quyền còn lại?

Mises đã chỉ ra rằng chính phủ sẽ luôn lạm quyền vì nó được điều hành bởi con người và con người luôn thèm muốn quyền lực. Cho nên hãy giới hạn quyền lực của nhà nước và phân chia chức năng để không ai nắm toàn bộ. Cơ chế thiết lập nên định nghĩa từ ban đầu ranh giới và chức năng của chính phủ là gì.

Vai trò của nó chỉ nên là bảo đảm pháp luật, giữ gìn trật tự và thực hiện những việc công ích cho công chúng. Cái con người cần ở một chính phủ không phải ban phát bổng lộc mà là lực lượng cảnh sát, toà án, quân lực và luật pháp. Những thứ tất yếu để một xã hội văn minh tồn tại. Còn nếu nó can thiệp và đời sống hàng ngày và nền kinh tế thì sẽ dẫn đến tham nhũng, sự thăng tiến của tầng lớp cai trị và thu hẹp của tự do.

4 - THỊ TRƯỜNG TỰ DO VÀ CHỦ NGHĨA TƯ BẢN: Khi con người có Tài Sản, Tư Hữu, Công Bằng và Chính Phủ thì vẫn chưa đủ để trở nên thịnh vượng. Chìa khoá quan trọng còn lại để dẫn đến một đất nước giàu có chính là cơ chế Thị Trường Tự Do.

Con người nếu có tài sản mà không được buôn bán giao dịch thì sẽ thành những của cải chết. Xã hội nếu có luật pháp mà công dân không được giao thương thì sẽ thành đất nước khép kín. Chính phủ có thể tồn tại nhưng nếu không có sân chơi để con người làm giàu thì nó cũng không có gì để cai quản.

Thị Trường Tự Do cùng với Chủ Nghĩa Tư Bản là yếu tố quyết định và giải thích vì sao đất nước kia nghèo còn đất nước kia giàu. Sự khát khao theo đuổi thịnh vượng là điều tất cả con người đều thèm muốn. Không có cơ chế này thì mọi thứ khác sẽ trở nên vô nghĩa.

CNXH và những chế độ toàn trị thất bại vì họ lấy đi phương tiện để người dân tiến thân. Một xã hội tự do thì mặt khác, luôn đề cao và bảo vệ cơ chế thị trường này. Muốn đất nước giàu có thì hãy để thị trường hoạt động.

LUDWIG VON MISES VÀ TỰ DO: Liberalism là lý do tại sao Phương Tây qua mặt các Châu Lục khác trong cuộc đua thịnh vượng. Chủ Nghĩa Tự do và những yếu tố để xây dựng nó không thể tách khỏi một đất nước nếu muốn nó phát triển. 

Muốn con người thi đua cật lực thì hãy cho họ quyền để sở hữu thành quả của họ. Muốn tất cả công dân tôn trọng nhau thì hãy đối xử công bằng trước pháp luật. Muốn một chính phủ không lạm quyền thì hãy định nghĩa chức năng và ranh giới của nó. Muốn những điều trên được tận dụng để con người làm giàu thì hãy để thị trường tự do nảy nở.

Hãy để cho Liberalism, Chủ Nghĩa Tự Do, làm nền tảng cho nhân loại. Đó là tinh thần của Ludwig von Mises.

Ku Búa @ Cafe Ku Búa

Không có nhận xét nào