[MILTON FRIEDMAN: FREE TO CHOOSE - TỰ DO ĐỂ CHỌN] Vào những năm tháng của thập niên 1960, các ý tưởng của kinh tế tập trung đang thắng thế t...
[MILTON FRIEDMAN: FREE TO CHOOSE - TỰ DO ĐỂ CHỌN] Vào những năm tháng của thập niên 1960, các ý tưởng của kinh tế tập trung đang thắng thế trong giới hàn lâm. Người ta không còn tin rằng thị trường có thể tự giải quyết vấn đề mà phải cần sự can thiệp của chính phủ. Đám đông thiếu hiểu biết kia không đủ kiến thức để có thể tự đưa ra quyết định mà phải có sự dẫn dắt của một lãnh đạo ưu việt. Trước sự bành trướng của Liên Xô, mọi người cứ tưởng xu hướng này sẽ không thể ngừng lại.
Vào năm 1962, Milton Friedman đã xuất bản cuốn ‘Capitalism and Freedom’ (Chủ nghĩa tư bản và tự do) và đã bị chế nhạo bởi các học giả. Họ cho rằng những ý tưởng về tự do, cá nhân, cơ chế thị trường và tư nhân hoá quá điên rồ. Trước sự ưa chuộng của những chính sách trợ cấp thời tổng thống Johnson, Chủ Nghĩa Tự Do dần bị trôi vào quên lãng và trở thành thiểu số.
Phải đến năm 1980, 18 năm sau khi ra mắt phiên bản đầu, cuốn sách đó mới được tái xuất bản với tên mới, ‘Free To Choose’ (Tự Do Để Chọn). Lần này mọi người bắt đầu nhìn nhận nó thiện cảm hơn. Trước sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam, các chính sách thiên tả của tổng thống Carter và khủng hoảng kinh tế, lý tưởng tự do đã được hồi sinh.
Free To Choose từ một cuốn sách, nó đã biến mình thành một nền tảng cho các nhà lãnh đạo Mỹ. Họ đã bắt đầu tái khám phá sự kỳ diệu của bàn tay vô hình để đẩy lùi sự can thiệp của nhà nước. Cùng với Ronald Reagan, Milton Friedman là hai đại sứ của lý tưởng tự do của thời đó.
Nhưng cuốn sách này có những gì mà có thể thúc đẩy một phong trào tái khởi động lý tưởng tự do cổ điển?
1 - CÂY BÚT CHÌ VÀ BÀN TAY VÔ HÌNH CỦA ADAM SMITH: Khác với những cuốn kinh tế học khác, vốn tập trung vào những chính sách vĩ mô, ‘Tự Do Để Chọn’ lại bắt đầu với câu chuyện về cây bút chì của Leonard E. Read.
Bạn hãy cầm cây bút chì lên, hãy nhìn nó và suy ngẫm. Tôi cá với bạn là không một ai trong chúng ta có thể tự làm ra nó. Nó trông rất đơn giản nhưng quá trình làm ra nó vô cùng phức tạp và cần sự phối hợp của hàng triệu người xa lạ ở khắp nơi.
Để có được một thứ đơn sơ và nhỏ xíu như bút chì thì bạn cần gỗ, than chì, sơn, cao su và hàng tá thứ khác. Bây giờ không tin thì bạn hãy tự đi chặt cây, tự khai thác cao su, tự đào để lấy than chì, tự chở vật liệu tới nhà máy, tự chế biến, tự phân phối và tự ráp lại để thành một cây bút chì đi. Bạn không thể. Nếu làm được thì chắc tốn cả chục năm và số tiền lên đến vô tận.
Cây bút chì là minh chứng cho phép màu của ‘bàn tay vô hình’ mà Adam Smith miêu tả. Những con người xa lạ kia đã phối hợp với nhau để làm ra cây bút chì mà không cần phải biết nhau. Họ thậm chí có thể ghét nhau nếu gặp mặt nhưng bàn tay của thị trường đã thúc đẩy họ hợp tác để trở thành một cỗ máy kinh tế.
Những thứ xung quanh chúng ta đều được hình thành tương tự, bằng sự tự nguyện và bàn tay của thị trường. Hãy suy ngẫm xem, nếu không một ai trong chúng ta có thể tự làm ra một thứ đơn giản như bút chì thì làm sao có tư cách gì để ngạo mạo cho rằng mình đủ hiểu biết để điều hành tất cả?
2 - CÔNG BẰNG VÀ BẤT CÔNG: Khi nước Mỹ được thành lập vào năm 1776 với bản Tuyên Ngôn Độc Lập, Thomas Jefferson đã ghi rằng: “All men are created equal” (Tất cả con người sinh ra đều bình đẳng). Có nghĩa rằng khi vừa vào đời, tất cả thành viên trong xã hội được xuất phát như nhau và có cơ hội để theo đuổi mưu cầu hạnh phúc của riêng mình.
Nhưng khi CNXH được hình thành và phát triển sau thời kỳ hậu Thế Chiến Thứ Hai, ý nghĩa của thuật ngữ “Công Bằng” hoặc “Bình Đẳng” đã bị thay đổi. Từ việc tất cả đều bắt đầu ở điểm tương tự, thuyết tập trung của CNXH lại muốn mọi người kết thúc với kết quả như nhau.
Đây là một nghịch lý. Mọi người không thể nào như nhau được vì mỗi cá nhân đều đặc biệt và có giá trị riêng. Một bác sĩ không thể nào có thu nhập bằng một nhà nông dân, một nghệ sĩ không bao giờ công bằng với một người thợ được. Sự chênh lệch về mặt thu nhập được quyết định bởi cung cầu của thị trường và năng lực của từng cá nhân.
Nếu ép tất cả công bằng về kết quả thì chỉ có thể bằng cách bác bỏ mọi nỗ lực cá nhân và nô lệ hoá con người. Xã hội sẽ luôn có bất công, đó là quy luật cuộc sống. Nhưng cơ chế nào bảo đảm rằng đa số người sẽ ấm no và có mức độ công bằng nhất? Chỉ có thể là chủ nghĩa tư bản. Bởi vì: “Một xã hội ưu tiên công bằng trước tự do sẽ không có công bằng hay tự do. Nhưng nếu nó ưu tiên tự do trước công bằng thì nó sẽ có mức độ cao của cả hai.”
3 - LỰA CHỌN CÁ NHÂN: Con người là những cá nhân không hoàn hảo. Những quyết định họ đưa ra không phải lúc nào cũng tốt nhất. Vậy thì chúng ta có nên để người khác quyết định không? Đây chính là sự khác biệt lớn nhất giữa lập trường Cánh Tả và Hữu. Một bên cho rằng chính quyền nên can thiệp để quyết định thay người dân vì họ không biết thế nào là tốt cho bản thân. Bên còn lại thì cho rằng một khi chính quyền can thiệp quá sâu và đời sống con người thì sẽ không có điểm dừng lại, chúng ta sẽ biến một xã hội tự do thành một tập thể bị cai trị.
Chính quyền không thể nào đưa ra một quyết định tối ưu cho hàng triệu con người được. Đơn giản vì mỗi người đều có nhu cầu và ưu tiên khác nhau. Nên tốt nhất hãy để họ tự quyết định nên học ngành gì, giao lưu với ai, sống ở nơi nào và làm cho công ty gì. Nếu cho rằng đám đông ngu ngốc không có khả năng để tự quyết thì người cai trị có khác gì họ? Đây là nền tảng của độc tài. Đó là sự ngạo mạo của giới cầm quyền và trí thức.
4 - THẤT BẠI CỦA CHỦ NGHĨA TẬP THỂ: Thế kỷ 20 có thể cho là cuộc đối đầu giữa hai hệ tư tưởng: tự do và toàn trị. Trong mắt Milton Friedman, CNXH là một sự ảo tưởng về mặt lý thuyết và thất bại toàn diện khi được thực hiện. Vì nó thiếu đi những gì Chủ Nghĩa Tư Bản (CNTB) có.
CNXH không có giá cả để ra tín hiệu lời lỗ, cho nên các doanh nhân không thể phân phối vốn và hàng hoá. CNXH không cho phép tự do, các thành viên không thể phát triển vượt bậc trong cơ chế toàn trị. CNXH không cho người dân tự quyết, trong khi nhà cai trị không thể nào thay mặt họ làm tất cả. Sự bành trướng của Liên Xô và lan rộng của thuyết kinh tế tập trung là sự thất bại của giới trí thức trong việc bảo vệ lý tưởng tự do.
CNXH không thể nào thành công được. Không nơi đâu cho thấy sự khác biệt rõ nhất hơn Tây và Đông Đức. Cùng một dân tộc nhưng lại có hai kết quả khác nhau. Trong khi Tây Đức trở thành trung tâm kinh tế thì Đông Đức lại biến mình thành một trại tù khổng lồ chia cách bởi một bức tường.
Khi đến thăm Đức để thực hiện bộ phim cùng tên với cuốn sách, Milton Friedman đã chỉ ra yếu tố dẫn đến sự chênh lệch. “Chủ nghĩa tư bản không thể tồn tại nếu không có tự do, trong khi chủ nghĩa xã hội không thể nào tồn tại nếu cho phép tự do.”
KẾT LUẬN: Di sản Milton Friedman để lại không chỉ là những cuốn sách, tiêu biểu nhất là ‘Free To Choose,’ mà còn là sự hồi sinh của Chủ Nghĩa Tự Do. Các nhà lãnh đạo Tây Phương dần từ bỏ thuyết tập trung để đặt niềm tin vào thị trường. Các học giả bắt đầu tái khám phái những lý tưởng của Adam Smith, John Lock và Bastiat. Người dân khắp nơi không còn đặt niềm tin vào một lãnh tụ ưu việt nào đó mà vào chính bản thân họ. Con người tin vào tự do trở lại.
Cho tới bây giờ những bài học về nhà kinh tế học này vẫn còn được áp dụng và nhắc tới. Dù không phải là người duy nhất quảng bá tự do, nhưng là người được biết đến nhiều nhất. Tự do và chủ nghĩa tư bản đi song song với nhau và không thể tách rời. Một xã hội nếu muốn có sự công bằng thì trước tiên phải ưu tiên tự do. Một đất nước nếu muốn thịnh vượng thì phải để cho bàn tay của thị trường dẫn lối. Hãy tin vào tự do. ‘Free To Choose,’ Tự Do Để Chọn của Milton Friedman.
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Không có nhận xét nào