Phần 2 - Người đàn bà nằm dưới mộ ở Khu mộ bà thứ phi Tây Sơn tại Hội An tỉnh Quảng Nam là ai ? Ở phần trước, mình có nêu ra về sự vô lý khi...
Phần 2 - Người đàn bà nằm dưới mộ ở Khu mộ bà thứ phi Tây Sơn tại Hội An tỉnh Quảng Nam là ai ?
Ở phần trước, mình có nêu ra về sự vô lý khi Bộ Văn Hóa Việt Nam đã chứng nhận rằng một khu mộ ở Hội An là khu mộ bà thứ phi nhà Tây Sơn và các bia mộ xung quanh là của các tướng lãnh Tây Sơn nào đó. Bạn đọc bài phản biện này tại đây >> http://www.thesaigonposts.net/2019/08/ve-mot-di-tich-quoc-gia-o-hoi-tinh.html
Nhưng nếu người đàn bà nằm dưới mộ này KHÔNG là bà thứ phi nhà Tây Sơn, thì tại sao dòng họ bà lại khắc (sai) trên bia mộ với dòng chữ "hoàng hậu thứ phi" rồi khắc cả dòng chữ tiền triều trong này ?
Mình lại chịu khó tra sách vở, và thật bất ngờ, mình có thể chia sẻ với bạn về những gì mình tra được về bà là ai.
Nếu bạn đọc quyển Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, phần vua Minh Mạng ở trang 244, đoạn Hậu và phi của vua, thì có tên một bà thứ bậc Huệ tần 惠嬪 là Trần Thị Huân 陳氏勳 với tên húy là Lại 賴.
Và chữ Lại 賴 này viết rất giống với tên chữ Hán viết trên bia mà các nhà văn hóa Việt Nam đã dịch ra là "Quỵ".
Quan trọng hơn, là theo Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, thì bà là người Diên Khánh tỉnh Quảng Nam. Mà Hội An xưa là thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Quảng Nam nên chúng ta càng có thể tin bà Trần Thị Huân này chính là bà đang nằm dưới bia mộ bà thứ phi Tây Sơn ở xã Cẩm Thanh, Hội An tỉnh Quảng Nam hiện nay.
Và nếu đúng bia này là bia của bà Trần Thị Huân, một bà phi tần của vua Minh Mạng, và là bà tổ của bao nhiêu dòng họ Nguyễn Phước / Nguyễn Phúc, thì:
****
1. Việc trên bia mộ bà có dòng chữ khắc "Trần tổ cô mộ" 陳祖姑墓 (bà cô thuộc hàng tổ họ Trần) cho ta biết, là những người cho khắc bia này thuộc thế hệ rất sau này của dòng họ Trần. Họ có thể là những người sống vào thời hậu Tự Đức hoặc rất có thể vào thế kỷ 20. Chính vì vậy, mà họ khắc hai chữ "Tiền triều" (chỉ cho triều đại trước tức là thời Gia Long / Minh Mạng). Việc khắc hai chữ "Tiền triều" này cũng khá là thịnh hành trên các bia mộ thời vương triều Nguyễn còn lại ngày nay. Một ví dụ mà ai cũng biết, đó chính là trên tấm bia của bà tài nhân họ Lê của vua Tự Đức, bị công ty nọ dùng xe ủi làm hại, còn được khắc rõ là “Tiền triều tài nhân Cửu giai Lê Thị, thụy Thục Thuận chi mộ” (mộ phần của bà Tài nhân họ Lê, tên thụy là Thục Thuận).
Vậy phần "tiền triều" thì chúng ta đã có thể trả lời được, vậy còn phần dòng chữ "hoàng hậu thứ phi" là vô nghĩa thì sao ?
Thì theo mình, đó là do con cháu sau này, những người vào thế kỷ 20, thời Hán mạt Quốc ngữ chập chờn, nghe kể lại về một bà thứ phi là bà hoàng hậu thời tiền triều, nên họ cứ khắc như thế, mà bản thân con cháu của dòng họ Trần cũng không hề biết bà chính là bà Trần Thị Huân, là bà huệ tần của vua Minh Mạng, còn được chép lại trong quyển Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả.
Vậy nếu phần "tiền triều" lẫn "hoàng hậu thứ phi" đã có câu giải thích, thế những phần khác thì sao ?
****
2. Theo trang này >> http://voduongkyson.com/index.php?language=vi&nv=news&op=Nghien-Cuu%2FCHUNG-CU-VE-VO-TAY-SON-HIEN-DIEN-RAT-SOM-TREN-DAT-QUANG-NAM-369. thì trong khu mộ này còn có "mộ Thái úy Chơn Quận công Trần Công Thành (cha của bà Thứ phi).".
Nhưng ở đây, có lẽ tước Thái Úy này đáng ra nó là tước Vệ Úy như quyển Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả đã chép chăng ?
Dĩ nhiên chúng ta cần ai đó chụp lại hình ở mộ bia này để biết thêm.
****
3. Và ở một tấm bia khác, với dòng chữ trên bia "Hoàng Việt hiển khảo Tráng liệt công thần Võ huân tướng quân Khâm sai Chưởng cơ Trần Hầu chi mộ", thì thật đúng là bia mộ của một người thuộc vương triều Nguyễn vì như mình đã nêu ra trong bài viết trước, Khâm sai Chưởng cơ là tước mà thời Nguyễn sơ thường truy phong cho các công thần có công lao với đất nước.
****
Như vậy ở đây, nếu chúng ta càng nghiên cứu, càng thấy rõ, đây có lẽ là một khu mộ của một dòng họ thuộc hàng danh gia vọng tộc liên quan đến vương triều Nguyễn tại Hội An. Không hiểu tại làm sao mà Bộ Văn Hóa Việt Nam lại có thể chứng nhận đây là khu mộ bà thứ phi Tây Sơn và của các tướng lãnh Tây Sơn ?
Nhưng đáng nói hơn,là nếu đúng đây là mộ của bà Trần Thị Huân, một bà huệ tần 惠嬪 của vua Minh Mạng, thì ôi thôi, nó là một phát hiện khá là lớn cho lịch sử Việt Nam. Vì chúng ta xưa nay chỉ biết bà Hồ Thị Hoa, mẹ vua Thiệu Trị, nhưng Hội An mà có luôn khu mộ này, với mộ của bà phi vua Minh Mạng, và là bà tổ của bao nhiêu con cháu dòng họ Nguyễn Phước, thật không thể kể được bao nhiêu điều hay từ đây mà người ta sẽ lần ra.
Dĩ nhiên, nếu đúng đây là mộ bà phi tần của vua Minh Mạng, điều này không hẳn là cả Việt Nam đều mừng, vì biết đâu chế độ đương thời tại Việt Nam và các nhà nghiên cứu Việt Nam muốn nó là khu mộ bà thứ phi Tây Sơn và của tướng lãnh Tây Sơn thì sao ? Có khi tỉnh Quảng Nam cần có một di tích như thế để đánh bóng là tỉnh mình có liên quan đến nhà Tây Sơn thì sao ? Như Huế đã làm với núi Bân vậy thôi mà. Nhưng những gì của Casear cũng sẽ cần phải trả lại cho Caesar.
Điều mà mình băn khoăn nhất là làm thế nào mà một khu mộ có các chữ trên bia rõ ràng như thế, mà Bộ Văn Hóa Việt Nam lại có thể chứng nhận là khu di tích văn hóa quốc gia với tên là "Khu mộ bà thứ phi Tây Sơn và của các tướng lĩnh Tây Sơn" ? Nếu mình đúng, thì có lẽ người Việt ta, trong đó có Bộ Văn Hóa, cần trả lại tên khu mộ này cho đúng, đó chính là "Khu mộ Tiền triều Huệ nhân Trần thị húy Lại và của dòng họ Trần". Có khi bà Trần Thị Huân đã nằm đó khóc cả trăm năm vì Bộ Văn Hóa Việt Nam và các nhà nghiên cứu đã quá lõng lẽo trong việc chứng nhận di tích văn hóa này thì sao ? Có bao giờ một bà phi tần của vua Minh Mạng lại trở thành một vị hoàng hậu của vua Quang Trung đâu nhỉ ?
Và nếu đúng đây là mộ của bà huệ tần Trần thị Lại, người đã sinh ra cho ra cho vua Minh Mạng 6 hoàng tử và 9 hoàng nữ, thì đây quả là một phát hiện quá tuyệt vời cho sử Việt, đúng không bạn ?
Và rất có thể con cháu dòng họ Nguyễn Phước và Hội đồng Nguyễn Phước Tộc cũng nên điều tra vụ này xem sao. Nếu đúng bà là bà phi tần của vua Minh Mạng, thì chắc còn rất nhiều chuyện để làm.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào