Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

TẠI SAO HONG KONG ĐƯỢC QUAN TÂM?

TẠI SAO HONG KONG ĐƯỢC QUAN TÂM? Mạng xã hội Việt Nam tràn ngập hình ảnh và thông tin về sự kiện biểu tình Hong Kong. Tại sao sự kiện này đư...

TẠI SAO HONG KONG ĐƯỢC QUAN TÂM?

Mạng xã hội Việt Nam tràn ngập hình ảnh và thông tin về sự kiện biểu tình Hong Kong. Tại sao sự kiện này được đón nhận với sự quan tâm đặc biệt?

* Điều đáng chú ý đầu tiên có lẽ là sự gần gũi trong văn hóa. Cùng với văn hóa Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, Hong Kong đã “đến” với người Việt từ rất lâu, thậm chí có lẽ trước cả sự thâm nhập ảnh hưởng văn hóa khác của vài quốc gia láng giềng. Sự hiện diện cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn hẳn là yếu tố quan trọng không thể không nhắc. “Hong Kong bên hông Chợ Lớn” – câu nói quen thuộc hàng chục năm qua ám chỉ sinh hoạt của người Hoa Sài Gòn-Chợ Lớn – đã cho thấy sự gần gũi trong tâm thức người Việt đối với Hong Kong. 

Bề dày giao dịch thương mại giữa Việt Nam, đặc biệt người Hoa Chợ Lớn, với Hong Kong trong nhiều thập niên càng đưa hình ảnh Hong Kong nhích gần lại với người Việt. Không chỉ giao thương, Hong Kong còn đi sâu vào văn hóa Việt Nam với nền điện ảnh của họ. Trước 1975, màn ảnh Sài Gòn tràn ngập phim Hong Kong. Dòng phim võ thuật-kiếm hiệp Hong Kong từng khuynh đảo màn bạc Sài Gòn. Những Khương Đại Vệ, Vương Vũ, Địch Long, Trịnh Phối Phối… là thần tượng một thời của thanh thiếu niên miền Nam. “Đường Sơn Đại Huynh”, “Tinh Võ Môn”, “Mãnh Long Quá Giang”… của Lý Tiểu Long đã trở thành những “bom tấn” điện ảnh không chỉ trên thế giới mà còn tại Sài Gòn, rất lâu trước khi cụm từ thời thượng “bom tấn” (blockbuster) ra đời.

Tin tức văn nghệ liên quan giới diễn viên Hong Kong cũng tràn ngập các trang điện ảnh-kịch trường của báo chí Sài Gòn. Báo chí miền Nam thậm chí phải nhường sân cho truyện nhiều kỳ Hong Kong. “Cô gái Đồ Long”, “Thiên Long Bát Bộ”, “Lộc Đỉnh Ký”… của “Kim Dung tiên sinh” là món ăn tinh thần gần như không thể thiếu của độc giả miền Nam một thời. Sau 1975, ảnh hưởng văn hóa Hong Kong tiếp tục duy trì. Phim bộ của TVB, từ tình cảm sướt mướt đến hình sự-xã hội đen, được chiếu trên truyền hình (qua băng tape) trong gần như mọi gia đình. Ảnh hưởng các bộ phim này lan rộng đến mức, một dạo, giới trẻ có trào lưu nhái giọng của các diễn viên lồng tiếng. Và dù bị cơn bão “Hàn lưu” áp đảo dữ dội từ sau thập niên 1990, điện ảnh Hong Kong vẫn được thị trường Việt Nam đón nhận. Khán giả và độc giả vẫn mến mộ những thần tượng Châu Nhuận Phát, Lương Triều Vĩ, Lưu Đức Hoa, Cổ Cự Cơ, Châu Huệ Mẫn, Trương Mạn Ngọc... 

* Hong Kong, do vậy, với người Việt, “gần” hơn rất nhiều so với Nga, Ai Cập hay Tunisia. Tuy nhiên, bao nhiêu đó chắc chưa đủ. Chính tinh thần của người biểu tình Hong Kong mới là điều chinh phục gần như tuyệt đối cộng đồng mạng Việt Nam. Cách thức tổ chức biểu tình, sự bền bỉ quyết liệt không khoan nhượng cùng với cách ứng xử của những người biểu tình với nhau đã mang lại nhiều bài học về không chỉ giá trị dân chủ mà còn giá trị văn hóa, về ý thức chính trị, nhận thức xã hội lẫn kiến thức được xây dựng nên từ một nền giáo dục tôn trọng độc lập và tự do; khiến sự kiện Hong Kong, cuối cùng, khó có thể được quan sát bằng sự thờ ơ. 

* Việt Nam lẫn Hong Kong dường như có chung một “kẻ thù”. Tâm lý ghét, thậm chí thù, đối với Trung Quốc là yếu tố không thể bỏ qua khi nhắc đến sự ủng hộ của nhiều người Việt trong cuộc biểu tình Hong Kong. Vốn dĩ căm ghét chính sách ngoại giao lẫn chính sách đàn áp người dân của chính quyền Bắc Kinh, cộng đồng mạng Việt Nam nói riêng và người Việt nói chung trở nên dễ đồng cảm với người Hong Kong khi họ nhất loạt và cương quyết đến cùng chống lại sự thao túng Trung Quốc. Người Hong Kong dường như đã “thay mặt” không ít người Việt hành động và lên tiếng điều mà người Việt không thể. Chưa xuống đường được với hàng triệu người để biểu thị thái độ với Trung Quốc thì người Việt không thể không làm một điều tối thiểu là chia sẻ tình cảm với người Hong Kong. 

* Cuộc biểu tình Hong Kong không chỉ mang lại “cảm hứng” sục sôi đấu tranh mà nó cũng đánh thức sự thèm khát tự do dân chủ ở Việt Nam. Bao giờ thì giới trẻ nói riêng và người Việt nói chung cùng nhau xuống đường đòi những quyền căn bản bị tước mất bởi một chính quyền áp dụng mô hình cai trị gần như y hệt Trung Quốc – đó là một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất khi dư luận cộng đồng nói về sự kiện Hong Kong. Bao giờ thì giới trẻ Việt Nam được hưởng một nền giáo dục tự do như thế hệ trẻ Hong Kong? Khi nào Việt Nam thay đổi để có một nền dân chủ tự do đích thực mà người dân không phải xuống đường và chính quyền không phải bận tâm đối phó bằng dùi cui và án tù? 

Những câu hỏi như vậy được đặt ra ở Việt Nam từ sức ảnh hưởng Hong Kong thật ra không phải là những “gợi ý” từ diễn biến Hong Kong mà chúng là những vấn đề từng được đề cập từ nhiều năm qua khi người dân hướng mắt về tương lai. Chúng không chỉ là những thắc mắc. Chúng là những quan tâm và đòi hỏi thay đổi mà người dân khao khát. Cho đến thời điểm này, chẳng ai tin Việt Nam có thể xảy ra một cuộc biểu tình như Hong Kong. Tuy nhiên, cũng chẳng ai hình dung nổi rằng nếu xác suất 1% một khi xảy ra thì Việt Nam như thế nào. 
Mạnh Kim
Ảnh: New York Times



Không có nhận xét nào