Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Về bài viết Lưu dân Người Việt trên đất Đồng Nai Gia Định của thầy Nguyễn Đình Tư

Về bài viết  Lưu dân Người Việt trên đất Đồng Nai Gia Định của thầy Nguyễn Đình Tư  Mà bạn có thể tải tại đây >> https://nhatbook.com/...

Về bài viết  Lưu dân Người Việt trên đất Đồng Nai Gia Định của thầy Nguyễn Đình Tư 

Mà bạn có thể tải tại đây >> https://nhatbook.com/wp-content/uploads/2019/03/nhatbook-L%C6%B0u-d%C3%A2n-Ng%C6%B0%E1%BB%9Di-Vi%E1%BB%87t-tr%C3%AAn-%C4%91%E1%BA%A5t-%C4%90%E1%BB%93ng-Nai-Gia-%C4%90%E1%BB%8Bnh-Nguy%E1%BB%85n-%C4%90%C3%ACnh-T%E1%BB%A9-2004.pdf.



Mình đọc xong bài này xin được kết luận là bài này chẳng những là bậy, mà còn là bậy có hệ thống, như là một văn bản tuyên truyền của Ban Tuyên Giáo vậy.  Làm thế nào mà môt nhà nghiên cứu địa danh hành chính miền Nam lại có thể viết những bài viết nhảm nhí như thế này nhỉ 

Đây mời bạn:

****

1. Theo thầy Nguyễn Đình Tư thì trong tập du ký Chân Lạp phong thổ ký, ở Chương 18 Sơn Điền, có đoạn viết "Vào được nửa đường sông, lần đầu tiên thấy được một cách đồng lúa rộng bạt ngàn, không một gốc cây to.".  Vì vậy thầy đính chính lại là cánh đồng lúa ở đây là cánh đồng lúa trời hay lúa ma.

Mình không biết thầy Tư có đọc nguyên bản Hán ngữ hay phiên bản Anh ngữ của bộ Chân Lạp phong thổ ký này không, chứ trong bản Hán ngữ, phần "cánh đồng lúa rộng bạt ngàn" là nằm gọn trong 2 chữ khoáng điền 曠田.  Như vậy khoáng điền 曠田 ở đây có lẽ là chỉ cho một cánh đồng rộng bạt ngàn, làm gì có "lúa" trong này để mà thầy Tư diễn giải là cánh đồng lúa trời nào đấy nhỉ ?

Mà chả phải ở những nơi có sông ngòi mà còn hoang dã, thì cỏ cây hoang dại, không hẳn là lúa, mọc rất nhiều hay sao ? Từ các dữ liệu nào mà thầy Tư có thể khẳng định là "cánh đồng bạt ngàn" ở khu vực Chân Bồ (tức khu Vũng Tàu ngày nay), là cánh đồng lúa mới, lúa ma bạn nhỉ ? Mình hiểu là lúa mới và lúa ma chắc là có ở các khu hoang dã ở Đồng Tháp Mười đấy chứ, nhưng liệu sự đọc tán ra luôn "cánh đồng bạt ngàn" ở đây là cánh đồng lúa mới có là viết quá sự thật không ? 

****

2. Theo thầy Nguyễn Đình Tư, thì độc giả cần phân biệt rõ danh từ lưu dân khác với danh từ di dân như thế nào, trước khi đọc bài nghiên cứu của thầy.  Theo thầy, lưu dân là những người dân nghèo, vì lý do này hay lý do khác phải rời bỏ quê hương tới một nơi xa lạ KHÔNG THUỘC QUÊ HƯƠNG MÌNH để mưu sinh.  Ngược lại, còn di dân là những người dân trong một nước, vì lý do này hay lý do khác phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn tới một nơi khác CÙNG THUỘC TRONG NƯỚC để sinh sống.

Và với cách giải thích như trên, thầy Tư đã bắt đầu viết phân tích về việc lưu dân Việt đã đi xuống miền Nam thuộc nước Chân Lạp như thế nào.

Nhưng than ôi, thầy Tư không thể nào sai hơn.

Bởi vì làm gì có sự lưu dân là rời bỏ quê hương đến nơi xa lạ không thuộc quê hương mình, còn di dân là đến một nơi trong nước ? 

Không biết thầy Tư có biết Hán Nôm không, chứ lưu dân chữ Hán viết là 流民 và di dân chữ Hán viết là 移民.  Lưu dân 流民 chưa bao giờ là có liên quan gì đến việc di cư ra nước ngoài gì như thầy Tư khẳng định cả.  Đây, trong sử Đại Nam Thực Lục tập 1 thời vua Gia Long năm 1805 có đoạn "Tháng 5, định lệ lãng trưng ruộng đất cho những dân lưu lạc từ Nghệ An trở ra Bắc. Chiếu rằng : “Dân các địa phương khổ vì Tây Sơn bạo ngược. Nay can qua mới yên, chưa rỗi để vỗ về. Những người lưu tán chưa trở về hết, tình thật đáng thương. Vậy đặc biệt ra lệnh rằng ruộng đất của lưu dân từ năm Nhâm tuất về trước đã cho quan quân cày cấy rồi thì nay đình bãi để đợi lưu dân trở về lại cho quản nhận để làm ăn, tha thuế tha lính 3 năm. Từ năm nay đến năm Đinh mão mà chưa về thì cho nhân dân xã khác ai trưng trước thì được, năm nay làm sổ, năm sau nộp thuế kén lính. Từ năm Quý hợi về sau mà có người lưu tán thì ruộng đất vẫn cho quan quân cày cấy, đợi khi nào về sẽ cấp trả, việc tô thuế binh đinh cũng đến năm sau bắt đầu chịu, không theo lệ tha miễn 3 năm”.  Như vậy, lưu dân trong đoạn này, chỉ cho những người thuộc nước Việt Nam, lưu lạc từ Nghệ An ra Bắc, chứ có phải là từ Việt Nam mà đi qua Chân Lạp đâu ?  

Và hơn thế nữa, di dân  移民 thì làm thế nào mà lại là người bỏ xứ mình để đi đến xứ khác trong một nước ? Đây, ví dụ, người ta nói người di dân ở Mỹ, tức là những người đến Mỹ từ các quốc gia khác nhau, như từ Việt Nam, từ Trung Quốc, từ Pháp chẳng hạn.  Nên làm thế nào mà có vụ danh từ di dân 移民 là chỉ cho người dân trong 1 nước bỏ một xứ đi qua một xứ khác cùng trong một nước như thầy Tư phân tích ?

Nên những gì thầy Tư phân tích sự khác nhau giữa lưu dân 流民 và di dân 移民 là sai, và vì thầy phân tích sai, mà kết luận của thầy rằng trước năm 1698, người Việt di cư vào Nam phải gọi là lưu dân, còn sau năm 1698, khi ngài Nguyễn Hữu Cảnh đưa dân nghèo vào miền Nam phải gọi là di dân, "vì lúc đó vùng này đã thuộc lãnh thổ nước ta rồi", chẳng những thầy đã giảng bậy, mà nó còn nói cho chúng ta biết được 1 điều, là thầy chỉnh sửa luôn những gì đã chép trong sử Đại Nam Thực Lục về thời gian này, vì trong bộ sử ĐNTL, sử kiện 1698, còn ghi rõ ở đây là lưu dân流民 mà các cán bộ Viện Sử Học đã dịch là "dân xiêu bạt" đấy chứ.  Có "di dân" gì như thầy Tư đưa ra đâu ? Chả lẽ các sử quan Quốc Sử Quán nhà Nguyễn xưa dở chữ Hán hơn thầy Tư à ? 

Nên làm thế nào mà sử chép rõ ràng là lưu dân 流民 như thế, mà thầy Tư chẳng những giảng bậy, mà còn lại chỉnh sửa cả luôn câu văn trong sử từ "lưu dân" thành ra "di dân" như thế ?

****

3. Thầy Nguyễn Đình Tư đã dựa vào nhận định lỏng lẻo của thầy Nguyễn Đình Đầu trong quyển Chế độ cung điền cung thổ trang 31-32, mà đưa ra luôn thuyết là người Việt đã di cư xuống miền Nam vào những năm 1413 sau khi nhà Minh lật đổ nhà Lê.

Nhận định như thế thật là một sự liều trong việc nghiên cứu sử học.

Bởi vì thầy Nguyễn Đình Đầu không cho bạn biết, chứ quyển sách mà thầy Đầu đưa ra về điều này, nó vốn có tên là Những cuộc du hành của Mendes Pinto (The Travels of Mendes Pinto).  Đây là một quyển sách mà ai cũng biết có thể là nửa thật nửa giả, ấy thế mà thầy Đầu khi viết trong Chế độ Cung điền cung thổ, lại chả hề lên tiếng gì về điều này nữa.

Và dĩ nhiên quyển sách này không hề viết gì về tác giả "đã gặp người Việt Nam tới sinh sống làm ăn tại miền duyên hải và trên bờ sông Camboia." gì cả.  Mà đáng ra, tác giả viết về cuộc hành trình của thuyền đi dọc miền duyên hải miền Nam ngày nay, và nghỉ lại ở vài nơi tại miền Nam, mà ngày nay vẫn chưa ai có thể xác định các địa danh này chính xác là ở đâu cả.  Và dĩ nhiên, theo nghiên cứu của các nhà sử gia trên thế giới, thì vào thế kỷ 16, dọc bờ duyên hải giữa biên giới Chàm - Chân Lạp là những khu định cư nếu có, là của người Chân Lạp và người Mã Lai đấy chứ.  Làm gì có tác giả đã "đã gặp người Việt Nam tới sinh sống làm ăn tại miền duyên hải và trên bờ sông Camboia" như thầy Đầu đưa ra ? 

Nên không hiểu thầy Đầu đọc quyển sách này ra sao mà tán bậy ra như thế, chứ sách không hề viết gì về tác giả đã gặp cộng đồng người Việt nào ở khu duyên hải biên giới Chàm - Chân Lạp đâu bạn.

****

4. Đáng ngờ hơn, là chẳng những thầy Tư dựa vào câu nhận định lỏng lẽo như thế của thầy Đầu, mà tán ra luôn "tôi nghĩ rằng số người Việt chạy vào Đồng Nai - Gia Định (vì đã biết vùng này còn hoang hóa như đã trình bày trên) một cách ồ ạt đã diễn ra từ năm Quý Tỵ (1413), sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh của lực lượng nhà Hậu Trần thất bại trên đất Hóa Châu".

Rồi, thầy đưa ra giả thuyết là do lúc này, Chiêm Thành và Đại Việt thù nhau, nên không thể nào có vụ người Việt nào đi trên đường bộ xuống tới tận Mô Xoài Đồng Nai, mà có lẽ những người Việt giàu có đã dùng thuyền, theo gió Đông Bắc vào lúc này, mà giong luôn xuống tới Đồng Nai.

Có đúng là thuyết này đáng tin không ? Thì thưa bạn là hoàn toàn không. Tại sao không là bởi vì:

1. Nếu chúng ta đọc sử Việt, thì thời này, sử Việt nào có chép gì về Chân Lạp ra sao để mà người Việt biết là vùng Đồng Nai là nơi hoang dã ? Ngay cả nước Chàm thời này ở vùng Phan Rang ra sao, không hẳn người Việt đã biết (bạn nên nhớ là lúc này chưa là những năm vua Lê Thánh Tông đánh Đồ Bàn), thế thì lấy đâu ra vụ "tôi nghĩ rằng số người Việt chạy vào Đồng Nai - Gia Định (vì đã biết vùng này còn hoang hóa như đã trình bày trên) " như thầy Tư suy diễn ?

2. Và đáng nói hơn, là chắc thầy Tư không có đọc những bài viết nghiên cứu về Đông Nam Á thời kỳ này, chứ lúc này, vùng duyên hải Chiêm Thành được biết đến là nơi mà cướp biển hung tợn gần như bậc nhất thời bấy giờ.  Khu vực này có những nhóm người Mã Lai hay Chiêm Thành, họ chuyên đi cướp bóc tàu thuyền và buôn bán nô lệ nổi tiếng đến bây giờ trong sử học.  Như thế, làm sao mà nhóm người Việt nào đấy mà giong thuyền đi hết luôn chiều dài của cả một nước Chiêm Thành lại có thể an toàn mà vô Đồng Nai lập cư bạn nhỉ ? Thời xưa, thuyền đi là ven bờ mà đi, chứ có phải đi khơi khơi giữa biển ngoài 200 dặm cách bờ đâu ? Nên làm gì mà nước Chiêm Thành thù nước Đại Việt khi ấy, và họ được biết là nơi mà hải tặc hoành hoành, và chợ buôn bán nô lệ nổi tiếng khi ấy, lại để cho người Việt dễ dàng mà giong thuyền từ phía Bắc nước họ mà vô tới phần cực Nam nước họ vậy bạn ?

Mình đồ thầy Tư không đọc những bài viết nghiên cứu về Đông Nam Á thời kỳ này nên thầy mới đưa ra thuyết giong thuyền vô Nam này, chứ mà thầy đọc rồi, chắc thầy đồng ý, mười đời của người Việt thời bấy giờ cũng không dám giong thuyền mà vô Nam.

Nên chỉ từ 2 điều trên thôi, bạn có thể thấy việc người Việt giong thuyền từ Hóa Châu vào Đồng Nai thời bấy giờ là hoang tưởng.

Ấy thế mà thầy Tư lại nghĩ ra thuyết này rồi viết kết luận luôn là "Khi nghiên cứu về truyền thống hào khí đó, chúng ta phải nghĩ đến những người này, chứ không thể nào từ những người vào đây vì miếng cơm manh áo, cũng không thể từ những tội nhân của triều đình".

Thật không thể chê hơn được với sự kết luận tuyên truyền phản khoa học như trên.

****

Bài này còn dài nữa, mà nếu mình phân tích tiếp, có khi bạn xấu hổ cho sự nghiên cứu khoa học như thế này của thầy Nguyễn Đình Tư đó bạn.

Làm thế nào mà thầy giảng bậy cả Hán ngữ, tự chỉnh sửa câu từ trong sử, lấy lập luận lỏng lẻo của thầy Đầu, viết bậy lên về "hào khí" gì đấy trong này đến thế ?

Những kết luận lỏng lẻo và vô căn cứ như thế này, chẳng những chúng cho chúng ta biết nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư quá ư là liều mà suy diễn lung tung, mà còn cho thấy 1 điều, có khi vị thầy chuyên viết về địa danh hành chính miền Nam này chưa đủ trình độ để nghiên cứu gì về địa danh hành chính miền Nam cả.

Có khi thầy có thể dịch chữ Pháp ra Quốc ngữ, hoặc tập hợp những ý kiến đâu đó để viết bài, chứ kiến thức về Hán ngữ, về sử, về nghiên cứu sâu cho địa danh hành chính miền Nam của thầy, xem ra còn quá yếu kém, đó là chưa nói là thầy viết bậy và giảng bậy.

Thầy Nguyễn Đình Tư nên giới hạn vào việc dịch thuật là hơn.  Còn nghiên cứu khoa học như thế này, thầy viết mà cứ như đang cho độc giả đọc truyền đơn của Ban Tuyên Giáo vậy.

Mà thầy viết nghiên cứu khoa học mà lỏng lẻo như thế này, sao chả nhà nghiên cứu Việt Nam nào khuyên thầy nên nghỉ hưu bạn nhỉ ?

Bài này thầy viết trong cuộc hội thảo quốc tế nào đấy vào năm 2004.  Gần 15 năm rồi đó bạn.  Không hiểu có nhà nghiên cứu Việt Nam nào đọc và đủ trình độ để phản biện thầy Tư viết lung tung như thế này chưa ? 

Thanks

Brian

Không có nhận xét nào