Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Về bài viết Nghiên cứu lịch sử các địa danh hành chính Nam Bộ của thầy Nguyễn Đình Tư

Về bài viết Nghiên cứu lịch sử các địa danh hành chính Nam Bộ của thầy Nguyễn Đình Tư Mà bạn có thể tải tại đây >> https://nhatbook.co...

Về bài viết Nghiên cứu lịch sử các địa danh hành chính Nam Bộ của thầy Nguyễn Đình Tư

Mà bạn có thể tải tại đây >> https://nhatbook.com/wp-content/uploads/2019/02/Nhatbook-Nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u-l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD-c%C3%A1c-%C4%91%E1%BB%8Ba-danh-h%C3%A0nh-ch%C3%ADnh-Nam-B%E1%BB%99-Nguy%E1%BB%85n-%C4%90%C3%ACnh-T%C6%B0-2004.pdf.



Bài viết này có số lượng dữ liệu thống kê rất đồ sộ, nhưng xem ra nhiều nhận xét quan trọng của thầy Nguyễn Đình Tư trong bài này không hề dựa vào dữ liệu, mà ngược lại, là dựa vào ý kiến cá nhân (phản khoa học) của thầy.  

Một vài ví dụ:

****

1. Để diễn tả cho cảnh hoang vu của miền Nam trước năm 1698 (tức là cuối thế kỷ 17), thầy trích đoạn từ quyển Chân Lạp Phong Thổ Ký của ngài Châu Đạt Quan, từ thế kỷ thứ 13.  Mà chúng ta biết chắc chắn là từ thế kỷ thứ 13 đến cuối thế kỷ 17, có rất nhiều hoạt động thương mại diễn ra ở miền Nam, đến từ những đoàn thương gia Nhật, từ những thương gia phương Tây như người Bồ Đào Nha, từ Mã Lai, và nhất là đến từ những nhóm người Tàu đi khắp vùng Đông Nam Á.  Chỉ vì người Việt không có dữ liệu đâu có phải là miền Nam từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 17 là hoang vu như thầy Nguyễn Đình Tư vẽ ra đâu nhỉ ? Mà hình như việc so sánh như thế này, rất phổ biến trong giới nghiên cứu Việt Nam.  Không hiểu là vì họ không tra cứu được dữ liệu miền Nam Việt Nam vào thời gian này nên họ cứ viết như thế, hay là họ muốn khoe tung lên là do người Việt vào làm chủ đất Gia Định vào cuối thế kỷ 17, nên miền Nam Việt Nam mới phát triển ? 

****

2. Về sử kiện gả công chúa Ngọc Vạn thì mình xin miễn nhắc lại vì chúng ta ai cũng biết vụ tự sướng này của các nhà nghiên cứu miền Nam.  Có lẽ ngoài Trung có công chúa Huyền Trân, thì trong Nam người ta cần đẻ ra công chúa Ngọc Vạn.  Mà làm gì có tước danh "công chúa" gì ở đây thời các chúa Nguyễn nhỉ ?

****

3. Và làm gì có vụ "Do các nguyên tắc trên đây mà nhiều thôn ấp có diện tích canh tác (trồng trọt hay thổ cư) không nhiều" như thầy Nguyễn Đình Tư đưa ra.  Đọc dữ liệu Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn của thầy Nguyễn Đình Đầu, chúng ta chưa thể nào có thể khẳng định chắc chắn rằng các nguyên tắc mà thầy Nguyễn Đình Tư đưa ra (địa hình thiên nhiên, khu dân cư, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, đi lại thuận tiện, hệ thống hành chính) là những nguyên nhân dẫn đến việc mức độ khai khẩn thấp ở miền Nam cả.  Ví dụ:

a. Thầy Nguyễn Đình Tư cho chúng ta biết là do các nguyên tắc trên mà "thôn Mỹ Khánh thuộc tổng Dương Hòa Trung, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định chỉ có 2 sào 6 thước".  

Nhưng đọc kỹ lại về địa bạ thôn Mỹ Khánh tỉnh Gia Định (xem Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn tỉnh Gia Định trang 344), thì hóa ra đây là "ruộng mới khẩn thực canh" và thôn này chỉ có 1 (MỘT) điền chủ duy nhất là thôn trưởng Huỳnh Văn Hằng với 2 sào 6 thước ruộng thực canh.  Như vậy với việc một thôn ở tỉnh Gia Định mà mãi đến năm 1832, mới bắt đầu khai khẩn ruộng thực canh và chỉ có 1 thôn trưởng với 2 sào 6 thước đất, thì chắc chúng ta cần đặt câu hỏi tại sao ra như thế chứ ? Đây có phải là một trường hợp cá biệt không ? Và nếu chúng ta đọc luôn địa bạ các thôn lân cận cùng chung tổng Dương Hòa Trung, vài thôn còn không có cả ruộng thực canh gì cả (như thôn An Thuận Tây, thôn Lộc Ninh, thôn Nhuận Đức và thôn Vĩnh An Tây) ? Có khi những người dân sống tại các thôn không có ruộng thực canh này, thật ra họ có thể đã có ruộng ở những thôn khác, và họ mới đến các thôn này cắm sào lập thôn xã để có thêm đất cho riêng họ thì sao ?  Và như vậy, làm gì mà các nguyên tắc trên do thầy Nguyễn Đình Tư đưa ra có thể chắc chắn 100% áp dụng vào các trường hợp này được ? 

Như vậy, trong trường hợp này, bạn thấy rất rõ là thầy Nguyễn Đình Tư chỉ nhận xét chung chung, chứ không hẳn là đúng để mà chúng ta có thể khẳng định các nguyên tắc trên là đúng cả.  Đó là lý do mà mình nêu ra là trong bài viết này, con số thống kê dữ liệu là đồ sộ, nhưng nhiều nhận xét quan trọng của thầy Nguyễn Đình Tư là ý kiến cá nhân, chứ không hẳn là dựa vào những dữ liệu chắc chắn nào mà kết luận cả.

b. Thầy Nguyễn Đình Tư đọc lộn dữ liệu.  Ví dụ như khi thầy viết "thôn Phú Đông, thuộc tổng Thanh Gi, huyện Hà Châu, phủ An Biên, tỉnh Hà Tiên chỉ có 2 sào 7 thước 5 tấc".  Làm gì có dữ liệu này.  Trong quyển Tổng kết nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn trang 215, con số 2 sào 7 thước 5 tấc là thuộc thôn Trung Lập, tổng Dương Hòa Trung, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định.  Còn dữ liệu thuộc thôn Phú Đông là 3 sào 9 thước.  Nhưng dữ liệu 3 sào 9 thước này của bộ Tổng Kết có đúng không ? Thì thưa bạn, là hoàn toàn sai.  Bởi vì nếu bạn đọc luôn phần Địa bạ tỉnh Hà Tiên, hóa ra thôn Phú Đông chưa bao giờ là thuộc tổng Thanh Gi, mà đáng ra thôn Phú Đông là thuộc tổng Phú Quốc đấy chứ.

Và theo Địa bạ Hà Tiên (trang 210), thì thôn Phú Đông ở xứ Ghềnh Cũ có đất thổ cư là 3 sào 9 thước, chứ chả có ruộng thực canh gì cả.  Chắc là do Phú Quốc là đảo ngoài biển, nên dân làng ở đây chỉ lập thôn, mở đất trồng trọt và tập trung vào việc đánh bắt cá đúng không bạn ? Như vậy ở đây dân làng thôn này đâu có nhu cầu mở ruộng thực canh làm gì ? Và có khi diện tích thổ cư của thôn này nhỏ do họ mới tới thì sao ? Đất trên đảo ở biển như Phú Quốc thì làm thế nào mà thời xưa có thể khai khẩn mênh mông như ở trong đất liền ở miền Nam như miệt Vĩnh Long được ? Do vậy, khi một nhà nghiên cứu mà đọc dữ liệu như thế này, họ cần phải đọc luôn cả về địa lý vùng ấy ra sao, chứ làm thế nào mà lại có thể chung chung mà kết luận rằng "Do các nguyên tắc trên đây mà nhiều thôn ấp có diện tích canh tác (trồng trọt hay thổ cư) không nhiều" như thầy Nguyễn Đình Tư đưa ra nhỉ ?

****

4. Và đáng ngờ hơn, không hiểu thầy Nguyễn Đình Tư đã dựa vào đâu mà đưa ra nhận định rằng "Dùng 2 từ của địa danh cấp phủ đặt lên đầu 2 địa danh cấp huyện trực thuộc, do đó khi đọc lên ta biết huyện đó thuộc phủ nào.  Ví dụ: phủ Tân Bình có 2 huyện Phước Long và Bình Dương, phủ Phước Long có 2 huyện Phước Chánh và Long Thành ..".

Nhưng thầy không thể nào sai hơn.  

Bởi vì nếu chúng ta đọc sử miền Nam, thì ai ai cũng biết là tên phủ Tân Bình có rất sau tên huyện Tân Bình đấy chứ.  Theo sử Đại Nam Thực Lục vào năm 1698 "Sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long (nay thăng làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nay thăng làm phủ), dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay)".  Như vậy, lúc triều chúa Nguyễn mới khai phá miền Nam, họ đặt tên huyện Tân Bình, rồi sau này nâng huyện Tân Bình thành phủ, chứ làm gì có việc có phủ Tân Bình trước rồi đặt tên huyện Phước Long và Bình Dương ? Và nhức nhối hơn, là năm 1698, có hai huyện Phước Long và huyện Tân Bình hoàn toàn khác nhau, ấy thế mà thầy Nguyễn Đình Tư lại chỉ đưa ra việc rất sau này, có phủ Tân Bình gồm 2 huyện Phước Long và Bình Dương là sao ?

Và chắc chắn, thuyết lấy tên phủ đặt lên đầu 2 địa danh của thầy Nguyễn Đình Tư là rất có vấn đề, vì theo sử Đại Nam Thực Lục, vào năm 1779, "Dinh Trấn Biên lãnh 1 huyện (Phước Long), có 4 tổng (Tân Chính, Bình An, Long Thành và Phước An), dinh Phiên Trấn lãnh 1 huyện là Tân Bình, có 4 tổng (Bình Dương, Tân Long, Phước Lộc và Bình Thuận) ".  Như vậy thầy Nguyễn Đình Tư sẽ giải thích ra sao về huyện Phước Long có 4 tổng chứ không chỉ có 2 tổng lấy tên từ phủ như thầy dẫn giải ? Và huyện Tân Bình có 4 tổng mà trong đó có 2 tổng lấy chữ Bình (Bình Dương / Bình Thuận) nhưng 1 tổng khác lại là Phước Lộc.  Như vậy thầy sẽ giải thích ra sao về lý do tại sao huyện Tân Bình không có 2 tổng Bình Dương / Bình Thuận với chữ Bình,và 2 tổng Tân Lộc / Tân Long với chữ Tân, mà lại có vụ tréo cẵng ngỗng có tên tổng Phước Lộc, không dính dáng gì tới 2 chữ Tân và Bình cả ?

Như vậy, đoạn kết luận trên của thầy về thuyết lấy tên phủ đặt lên đầu 2 địa danh và các ví dụ mà thầy đưa ra hoàn toàn trái ngược nhau.  Nếu thầy đọc kỹ sử Đại Nam Thực Lục, chắc thầy đã không kết luận một cách lỏng lẻo và phản khoa học đến thế.

****

5. Rồi thầy Nguyễn Đình Tư lại đưa ra suy xét của thầy là "Từ thời các chúa Nguyễn đến Gia Long, một số thôn, ấp, điếm ở Nam Bộ có đặc điểm như sau: Nơi đó phần nhiều nằm trên bờ sông, rạch có đông dân cư tụ tập sinh sống, nhưng có tính trôi nổi, bấp bênh, vì đa số là dân thương hồ, hoặc là những người đến lăm ăn theo thời vụ, tới sống một thời gian rồi bỏ đi, sau trở lại, không cố định.  Để đặt tên cho các đơn vị này, 2 chữ "Tứ chánh" được đặt lên đầu.  Ví dụ như Tứ Chánh Mỹ Đức thôn thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương.".

Nhưng làm thế nào mà có sự định nghĩa "tứ chánh" như thế này ? 

Bởi vì nếu bạn tra chữ Hán, thì tứ chánh viết là 四政 và ở miền Nam, chúng ta phát âm là "tứ chiếng" đó bạn.

Và thời nay, chắc là chúng ta ai cũng quen với câu "trai tứ chiếng, gái giang hồ" hàm ý người lang thang, hạng hơi thấp trong xã hội.  Nhưng chúng ta hoàn toàn không hề biết là thời các chúa Nguyễn và vua Gia Long, có đúng "tứ chiếng" nghĩa là hạ thấp nhân phẩm hoặc ví dụ chỉ cho một nơi không cố định không.  Bởi vì nếu bạn tra luôn sử Việt, thì ngoài Bắc, cụm từ tứ chính 四政 là chỉ cho 4 phương, ví dụ như trong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, phần kỷ nhà Mạc, thời Cung Hoàng Đế, còn ghi rõ "Dĩ tiền niên Nhâm Ngọ lệ hữu Hương thí, nhân quốc loạn vị hữu khai khoa, nãi chiếu Sơn Nam, Sơn Tây, Hải Dương, Kinh Bắc tứ chính các sĩ nhân cộng tựu Gia Lâm, Xuân Đỗ châu ứng thí [Nhất vân Nhị Hà trung châu] dĩ Đinh Trinh, Hoàng Tông" (以 前 年 壬 午 例 有 鄕 試 因 國 乱 未 有 開 科 乃 詔 山 南 山 西 海 陽 京 北 四 政 各 士 人 共 就 嘉 林 春 杜 洲 應 試 一 云 珥 河 中 洲 ] 以 丁 貞 黄 琮) tức là "Vì năm trước là năm Nhâm Ngọ, theo lệ có khoa thi Hương, nhưng trong nước loạn lạc chưa mở khoa thi, nay xuống chiếu cho học trò bốn xứ Sơn Nam, Sơn Tây, Hải Dương, Kinh Bắc cùng tới bãi Xuân Đỗ, huyện Gia Lâm để vào thi (có thuyết nói là ở bãi giữa sông Nhị). Lấy bọn Đinh Trinh, Hoàng Tông" (xem >> http://www.nomfoundation.org/nom-project/history-of-greater-vietnam/Fulltext/67-Cung-Hoang-De?uiLang=en).

Như vậy rất có thể "tứ chiếng" ở đây là chỉ cho một thôn làng là nơi tụ hội của người đến từ nhiều vùng khác nhau, hoặc người thôn xóm đi buôn bán khắp nơi, chứ không như thôn làng thông thường ở miền Nam là phần lớn nhiều người trong làng vốn di cư từ cùng 1 làng hoặc một nơi địa phương nào đó từ ngoài Trung và ngoài Bắc, và chỉ giới hạn việc kinh doanh loanh quanh trong khu vực thôn xóm mình.  Nên làm gì có sự "vì đa số là dân thương hồ, hoặc là những người đến lăm ăn theo thời vụ, tới sống một thời gian rồi bỏ đi, sau trở lại, không cố định"như thầy Nguyễn Đình Tư nhận định ? 

Và nếu bạn để ý, là phần lớn miền Nam là sông ngòi, nên chắc chắn việc buôn bán trên sông rất phát triển, và kẻ đến người đi trọ trong xóm theo mùa cũng vì thế mà tăng hay giảm (ví dụ như ở Cù Lao Phố Biên Hòa chẳng hạn).  Như vậy nếu đúng là có việc "Nơi đó phần nhiều nằm trên bờ sông, rạch có đông dân cư tụ tập sinh sống, nhưng có tính trôi nổi, bấp bênh, vì đa số là dân thương hồ, hoặc là những người đến lăm ăn theo thời vụ, tới sống một thời gian rồi bỏ đi, sau trở lại, không cố định", thì chắc là 90% các thôn xóm ven sông ở miền Nam là đúng với định nghĩa này, thế thì tại sao lại chỉ có VÀI THÔN XÓM mang 2 chữ "Tứ Chiếng" mà phần lớn các thôn xóm khác lại không có, bạn nhỉ ?

Từ đó mà suy xét, chúng ta có thể nhận thấy là thầy Nguyễn Đình Tư đã lấy định nghĩa "tứ chiếng" của người thời nay và áp dụng vào tên địa danh Tứ Chiếng xưa, và thầy không hề có dữ liệu nào để ủng hộ cho thuyết tứ chiếng của thầy cả.

Và bạn có biết là ngoài Trung, có cảc thôn Tứ Chiếng ở Bình Thuận không ? Đây chính là thôn nổi tiếng nhất thời nay khi bàn về vụ Hoàng Sa Trường Sa.  Theo sử Đại Nam Thực Lục, năm Giáp Tuất 1754 "Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn, để tìm lượm hóa vật; đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản).".  Và thôn Tứ Chánh này chữ Hán viết rõ ràng là Tứ Chiếng 四政 như thôn Tứ Chiếng Mỹ Đức ở miền Nam.  Như vậy nếu đúng là thôn có tên Tứ Chánh "đa số là dân thương hồ, hoặc là những người đến lăm ăn theo thời vụ, tới sống một thời gian rồi bỏ đi, sau trở lại, không cố định" như thầy Nguyễn Đình Tư đưa ra, thì tại sao các chúa Nguyễn lại chọn họ mà hàng năm có trách nhiệm giong thuyền ra xứ Bắc Hải Côn Lôn để tìm lượm hóa vật ?  Họ sống không cố định, họ mà giong thuyền đi lượm hóa vật, họ đi luôn và bán các hóa vật này kiếm lời cho họ, chứ lam gì có việc mà thôn Tứ Chánh này hàng năm lại được triều đình chọn cho người ra xứ Côn Lôn lượm hóa vật về cho triều đình bạn nhỉ ?

Nên "tứ chiếng" 四政 ở đây, có thể là chỉ cho một thôn xóm mà người dân đến từ nhiều nơi khác nhau, và có thể những người trong thôn xóm bán buôn đi khắp lung tung, không như phần lớn các thôn xóm xưa, người dân chỉ sống quanh quẩn trong làng mình.   Làm gì có sự "đa số là dân thương hồ, hoặc là những người đến lăm ăn theo thời vụ, tới sống một thời gian rồi bỏ đi, sau trở lại, không cố định" như thầy Nguyễn Đình Tư nhận xét vậy ?

****

Và còn dài dài nữa, mà mình chưa có thời gian tra kỹ để tìm hiểu xem thầy Nguyễn Đình Tư đã nhận xét đúng, và có dữ liệu backup đàng hoàng hay là không.  Mình đồ mình mà càng tra, sẽ càng phát hiện ra nhiều điều khác nữa.

Nên một bài viết nghiên cứu như thế này, mà tác giả lại có thể nhận xét lỏng lẽo, dẫn sai dữ liệu, không đọc kỹ sử kiện, phán xét cá nhân phản khoa học như thế này, thì làm thế nào mà nó có thể là một nghiên cứu quan trọng được nhỉ ?

Bài này đã viết gần 15 năm rồi đó bạn.  Mình đồ chắc bên Việt Nam chả có ai phản luận nó cả, đúng không ?

Chết người nhất ở đây là, làm thế nào mà thầy này để thời gian tìm tòi các dữ liệu khủng thế, mà lại có thể đưa ra những nhận xét lỏng lẽo như thế này ?

Nên theo ý kiến cá nhân mình, bài này không đạt về tính khoa học.  Thầy Nguyễn Đình Tư nên cập nhật lại hoặc suy gẫm lại về cách nghiên cứu địa danh hành chính Nam Bộ của thầy.  Cách thầy Nguyễn Đình Tư nghiên cứu như thế này, thật quá lỏng lẽo, chưa thể nào giúp cho các nhà nghiên cứu có phát hiện mới gì cả, có khi chúng còn đầu độc kiến thức của người nghiên cứu cũng nên.

Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.

Thanks

Brian

Không có nhận xét nào