Về lịch sử Chân Lạp thế kỷ 17 Cho đến nay, mình nghĩ ở Việt Nam hiện thời chưa có thầy nào đủ trình độ chuyên môn hay được phép viết cho chú...
Về lịch sử Chân Lạp thế kỷ 17
Cho đến nay, mình nghĩ ở Việt Nam hiện thời chưa có thầy nào đủ trình độ chuyên môn hay được phép viết cho chúng ta một quyển sách về lịch sử Chân Lạp thế kỷ 17 cho thật đàng hoàng đâu, đúng không bạn ?
Mình đồ, phần lớn, hay là toàn bộ 100% các thầy đều viết về Chân Lạp thế kỷ 17 bằng cách lấy từ nguồn Gia Định Thành Thông Chí và Đại Nam Thực Lục cả, và phần lớn các bài họ viết, trước hay sau, đều thòng vào câu đại khái là nước Chân Lạp xưa yếu ớt, không đủ sức mà cai trị phần đất miền Nam. Rồi có người như cụ Nguyễn Đình Tư thòng luôn cả câu "Chân Lạp cũng là kẻ đến sau như Việt Nam", nên độc giả đọc bài nghiên cứu khoa học của cụ mà cứ tưởng là cụ cố viết văn kiện Đảng cơ đấy.
Mà xưa nay, chúng ta đâu có đủ dữ liệu để chứng minh rằng nước Chân Lạp trước thế kỷ 17 là yếu ớt gì đâu ? Không có dữ liệu đầy đủ và với vài trang trong bộ Gia Định Chí và Đại Nam Thực Lục, thì làm thế nào mà các nhà nghiên cứu Việt Nam dám khẳng định là nước Chân Lạp yếu ớt hay không đủ sức cai trị một vùng đất rộng lớn vậy bạn ?
Và dĩ nhiên việc lấy dữ liệu từ quyển Chân Lạp Phong Thổ Ký ở thế kỷ 12 mà đem ra làm bằng chứng là trước thế kỷ 17, Chân Lạp hoang vu lắm, đó là sự so sánh láo đấy chứ. Một vùng đất trong 400 năm sẽ có rất nhiều thay đổi, nhất là ở khu vực Đông Nam Á, thế thì làm thế nào mà các nhà nghiên cứu Việt Nam lại nghĩ rằng những gì viết ở thế kỷ 12 là còn đúng ở đầu thế kỷ 17 tại miền Nam Việt Nam ?
Và mình cũng chưa thấy có thầy nào đó lên tiếng hỏi, rằng làm thế nào mà cụ Trịnh Hoài Đức, một chuyên gia về người Minh Hương, ấy thế mà ngay cả tiểu sử của ngài Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch trước khi qua Việt Nam rồi vợ con ra sao, cụ chả viết được gì ngoài việc chắc là cụ cọp dê các thông tin về các ngài từ bộ Nam triều Công nghiệp Diễn Chí 南朝功業演志 thế ? Các cụ Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch chỉ cách đời cụ Đức gần 100 năm, ấy thế mà cụ chả tìm hiểu được gì về những vị khai quốc công thần miền Nam như thế này cả là sao ? Ủa, con cháu của họ chắc lúc đó còn ở Cù Lao Phố hay Mỹ Tho chứ ? Thế thì làm thế nào mà cụ Trịnh Hoài Đức không viết được gì hết về tiểu sử các ngài trước khi qua Việt Nam vậy bạn nhỉ ?
Và với lịch sử Chân Lạp cũng vậy. Các nhà nghiên cứu Việt Nam phần lớn là viết bắt đầu từ thời ngài quốc vương Chey Chetta II lấy công nữ Ngọc Vạn nào đấy, họ dựa vào 2 bô Gia Định Thành Thông Chí và Đại Nam Thực Lục mà viết tuốt luôn là nước Chân Lạp yếu ớt. Mà chả hiểu, bạn có biết là vài chục năm trước thời ngài Chey Chetta II, nước Chân Lạp có cả những quân sư người Tây Ban Nha giúp đỡ họ chống lại người Xiêm không ? Bạn có biết nước Chân Lạp có cả các vị đại thần người Hoa lẫn người Nhật giúp họ không ? Thế nhìn lại sử Việt thời kỳ này, nước Việt còn chưa ra khỏi sự anh em náo loạn trong nước, ngoài sự thần phục thiên triều Trung Quốc, thì có khỉ gì về thương mại cùng những nước khác như nước Chân Lạp đâu nhỉ ?
Ấy thế mà giọng điệu của các thầy nghiên cứu Việt Nam ngày nay, viết về sử Chân Lạp mà cứ y như là tả cảnh nước ấy yếu ớt thời ấy lắm vậy.
Mình nghĩ có 2 quyển này, chắc phần lớn các nhà nghiên cứu Việt Nam chưa đọc nè, bạn nên đọc luôn đi. Đó là 2 quyển mình đang xem coi có mượn được từ thư viện không, nếu hay thì mình mua luôn. Hai quyển này là:
1. A Brief and Truthful Relation of Events in the Kingdom of Cambodia > viết bởi một Đức Thầy là Gabriel Quiroga De San Antonio vào năm 1604. Bạn nên nhớ là năm 1620 chính là năm mà sử Việt viết đầy lên về công chúa Ngọc Vạn được gả cho quốc vương Chân Lạp, và đến năm 1623 là 2 nơi thuế quan ở Sài Gòn và Bến Nghe được Chân Lạp cho người Việt mở đó. Nên bạn mà đọc quyển này, về vương triều Chân Lạp lúc này, chắc bạn mở mang kiến thức về Chân Lạp không ít đâu.
Amazon Link > https://www.amazon.com/Truthful-Relation-Kingdom-Cambodia-Translations/dp/9748434354.
2. Murder and Mayhem in Seventeenth-Century Cambodia > được viết bởi tác giả Van der Cruysse, Alfons vào năm 2009. Thế kỷ 17 chính là thời kỳ Đen Tối bên Chân Lạp, mà do sự chèn ép của Xiêm La và các chúa Nguyễn, mà Chân Lạp dần dần mất đất và sự tự trị đó.
Amazon Link > https://www.amazon.com/Murder-Mayhem-Seventeenth-Century-Cambodia-Ramadhipati/dp/974951162X
Như vậy với 2 quyển này, rất có thể bạn sẽ mở mang kiến thức về Chân Lạp vào thế kỷ 17, chính là lúc mà chính quyền Việt Nam bắt đầu dòm ngó đến Chân Lạp, và là thời đại mà chúng ta chả biết những gì được viết trong sử Việt có đúng hay là không.
Và nếu bạn còn ngon lành hơn nữa, bạn tải và đọc luôn bài viết Spanish Intervention in Cambodia 1593-1603 tại đây >> https://drive.google.com/open?id=1_n82WYFUiU_zW1iY1RHTKQv63Xbt06FA. Bài nghiên cứu này cực kỳ hay vì nó chuyên về triều Chân Lạp ngay trước năm 1600. Đây chính là giai đoạn cuối của cuộc chiến Chân Lạp - Xiêm La mà Chân Lạp thua và quốc vương họ bị bắt cùng 9 vạn người Chân Lạp qua Xiêm La đó bạn. Và bài viết này còn cho ta biết về người Âu đã đến xứ Đàng Trong như thế nào, đã gặp chúa Sãi ra sao. Mình đồ chắc là các thầy Việt nào nghiên cứu Chân Lạp mà có đọc bài viết này, chắc chỉ là đếm trên đầu ngón tay.
Vậy nếu bạn mà đọc cả 2 quyển sách và 1 bài viết này, bạn sẽ có được một kiến thức kha khá về vương triều Chân Lạp thế kỷ 17. Bạn đọc xong rồi, chúng ta bắt đầu đọc qua phần Maritime Activities tức là chúng ta cần đọc là về việc thương mại hàng hải của Chân Lạp và Chiêm Thành để còn rõ hơn nữa về tình hình lúc bấy giờ. Đọc kỹ như thế, bạn sẽ tự mình nâng cao thêm kiến thức về miền Nam Việt Nam nhiều hơn nữa.
Và dĩ nhiên, bạn đọc xong 3 dữ liệu này rồi, từ nay về sau, nếu có nhà nghiên cứu Việt Nam hay thầy tiến sĩ nào đó mà đòi viết về sử miền Nam đoạn liên quan đến Chân Lạp, bạn cứ tự nhiên hỏi họ đã đọc 3 dữ liệu này chưa. Nếu họ chưa, bạn tin mình đi, họ chả biết gì về lịch sử miền Nam thời Chân Lạp thế kỷ 17 gì nhiều đâu. Họ chỉ lập đi lập lại kiến thức lấy từ vài trang trong nguồn Gia Định Thành Thông Chí và Đại Nam Thực Lục thôi đó bạn. Đọc ít như thế, kiến thức của họ xem như là ra chung một lò với nhau. Bạn đọc một bài viết của một thầy rồi, bạn khỏi đọc thêm bài khác của những thầy khác nữa, họ không có gì mới để cho bạn nâng cao kiến thức đâu.
Enjoy nha bạn,
Brian
Đa tạ Brian Wu
Trả lờiXóa