Về quyển Người Hoa ở Bình Dương của thầy Huỳnh Ngọc Đáng Mà bạn có thể tải tại đây >> http://www.sugia.vn//assets/file/NGUOI_HOA_BINH_...
Về quyển Người Hoa ở Bình Dương của thầy Huỳnh Ngọc Đáng
Mà bạn có thể tải tại đây >> http://www.sugia.vn//assets/file/NGUOI_HOA_BINH_DUONG.pdf.
Quyển này do thầy Huỳnh Ngọc Đáng chủ biên với 14 nhà nghiên cứu khác. Có vài vấn đề bị nhận định sai như sau:
****
Ở trang 34, các nhà nghiên cứu đã khẳng định "Người Hoa đã di cư đến sinh sống ở vùng đất nay là Bình Dương từ rất sớm. Thời điểm đầu tiên có thể là khi hình thành chợ Phú Cường, tức là vào những năm cuối đời Minh Mạng, đầu thời Tự Trị. Điểm tập trung định cư đầu tiên là Chợ Phú Cường và các khu vực chung quanh".
Có đúng là chợ Phú Cường được hình thành vào những năm cuối đời Minh Mạng, tức khoảng những năm 1838 trở đi không ?
Thì nếu các nhà nghiên cứu ở phần dưới nêu ra là trong bộ Đại Nam Nhất Thống Chí phần tỉnh Biên Hòa có ghi rõ "Chợ Phú Cường ở thôn Phú Cường huyện Bình An, tục danh chợ Dầu Một (hay Dầu Miệt)", thì e rằng nhận định trên của các nhà nghiên cứu là sai.
Là bởi vì theo bộ Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí do cụ Lê Quang Định biên soạn vào thời Gia Long những năm 1806, trong quyển 7 phần Ghi chép về dinh Trấn Biên, trang 307 bản dịch Việt ngữ, còn ghi rất rõ là "2.240 tầm, bên bờ bắc có vườn trầu cau, dân cư thưa thớt, đến đồn đạo Băng Bột, đồn ở bờ phía bắc, tục gọi là chợ Thủ Dầu Một, hai bên có quán xá rất đông đúc, chợ bán nhiều khoai, đậu, mít, dưa, dứa. Đồn này lệ đặt thủ ngự và lính canh lo canh gác và thu thuế mã la (cồng chiêng), mây nước của dân man và các thứ thổ sản vùng đầu nguồn. Sông ở bến đồn này rộng 95 tầm, khi nước lên sâu 7 tầm, nước xuống sâu 6 tầm, mùa đông xuân nắng to thì nước trong và ngọt, hè thu mưa lụt thì nước hơi đục.".
Nên nếu đúng chợ Phú Cường có tục danh là chợ Dầu Một, thì theo bộ Hoàng Việt, nó đã có từ thời sơ Gia Long, và như thế rất có thể chợ Thủ Dầu Một đã có từ thời các chúa Nguyễn luôn rồi kìa, chứ không hẳn là vào thời cuối Minh Mạng như các nhà nghiên cứu nhận định.
Như vậy nếu chợ Thủ Dầu Một mà có từ thời các chúa Nguyễn, còn chép lại trong bộ Hoàng Việt, thì chắc chúng ta có thể đưa ra giả thuyết là người Hoa có thể đã có mặt ở chợ Thủ Dầu Một từ thời các chúa Nguyễn, chứ không là vào cuối thời Minh Mạng.
Và đáng nói hơn, là ngay trong sử Đại Nam Thực Lục, có một đoạn sử kiện khá nổi tiếng liên quan đến Thủ Dầu Một, mà không biết các nhà nghiên cứu có đọc chưa ? Đó là đoạn sử kiện trong Đại Nam Thực Lục, tập 1, đoạn tháng 11 năm 1776 "Bấy giờ Thế tổ ta biết Lý Tài là người kiêu ngạo ngang ngược, khó kiềm chế, nói với chúa xin đi Tam Phụ chiêu phủ miền Đông Sơn để mưu đồ khôi phục. Lý Tài nghe tin, đem quân đón ép chúa đi Dầu Mít. Tân Chính vương không thể ngăn được, bèn khiến Trương Phước Dĩnh theo hộ giá. Ngày hôm sau lại rước giá trở về Sài Gòn.". Địa danh Dầu Mít trong này chính là Dầu Một ở trên. Như vậy tại sao một viên tướng người Hoa như Lý Tài lại phải ép chúa đến Dầu Mít nhỉ ? Nếu ở đó không có người Hoa thì vị tướng Lý Tài này ép chúa đến đó là gì ?
Và Dầu Mít này đã vô sử kiện từ năm 1776, nên rất có thể niên đại Thủ Dầu Một còn có thể xưa luôn tới đầu thế kỷ 18 không chừng, có khi lúc mà phủ Gia Định được thành lập vào năm 1698, đã có khu Dầu Một này, và chắc là người Hoa đã ở đó rồi đấy chứ.
Nên làm gì có vụ người Hoa chỉ ở Phú Cường sau khi chợ Phú Cường được thành lập vào những năm cuối đời Minh Mạng như các nhà nghiên cứu đã nhận định ?
****
2. Ở trang 36, theo các nhà nghiên cứu, "cả các khu chợ nổi tiếng đã được Đại Nam Nhất Thống Chí ghi nhận là chợ Tân Uyên tục gọi chợ Đồng Sứ, chợ Tân Ba tục gọi chợ Đồng Bản và chợ Bình Thảo hay chợ Ngưu Tân, tục danh là chợ Bến Cá đều không có bất kỳ một dấu vết nào cho thấy đã có người Hoa đến tụ cư sinh sống ổn định, huống hồ chi vùng Tân Khánh vốn nằm cách bờ sông Đồng Nai khá xa ...".
Mình e các nhà nghiên cứu không thể nào sai hơn.
Là bởi vì, cũng theo bộ Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí trên, cũng ở quyển 7 phần Ghi chép về dinh Trấn Biên, trang 298 bản dịch Việt ngữ, còn ghi rất rõ là "600 tầm, hai bên bờ đều có dân cư trù mật, họ chuyên trồng trầu cau, dâu và mía, đến chợ thôn Bình Thảo, chợ ở bên bờ bắc, tục gọi là chợ Bến Cá, quán xá đông đúc, giữa đó có nhà ngói, người Kinh người Hoa buôn bán tấp nập, họ sống bằng nghề làm đường cát, đường phèn, đường đen, đường phổi, dầu phụng.".
Như vậy bộ Hoàng Việt viết rất rõ là ở khu chợ Bến Cá "quán xá đông đúc, giữa đó có nhà ngói, người Kinh người Hoa buôn bán tấp nập", thế thì làm thế nào mà các nhà nghiên cứu lại khẳng định là chợ Bến Cá hoàn toàn không có bất kỳ dấu vết nào cho thấy đã có người Hoa đến tụ cư sinh sống ổn định ?
****
Vậy với 2 điều trên, không hiểu các nhà nghiên cứu có còn cho rằng người Hoa chỉ ở Phú Cường vào những năm cuối Minh Mạng không ?
Mà nếu lịch sử người Hoa ở Bình Dương qua 2 sử kiện trên, có thể đẩy lên đến trước năm 1776, thì không hiểu các nhà nghiên cứu có nên viết lại quyển sách này không ?
Tức là câu kết luận này của các nhà nghiên cứu "Trước khi chợ Phú Cường ra đời tức là trước năm 1838, chắc chắn có rất ít người Hoa đến sinh sống ở vùng đất ngày nay là Bình Dương." chắc là sai 100% đúng không ?
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào