Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

ASIA VÀ PARIS BY NIGHT THẤT BẠI

[ ASIA VÀ PARIS BY NIGHT THẤT BẠI ] Hôm bữa khi tôi nói về hiện tượng các ca sĩ Việt Kiều trở về Việt Nam hoạt động thì ít nhiều nghĩ ngay đ...

[ASIA VÀ PARIS BY NIGHT THẤT BẠI] Hôm bữa khi tôi nói về hiện tượng các ca sĩ Việt Kiều trở về Việt Nam hoạt động thì ít nhiều nghĩ ngay đến hai trung tâm ca nhạc đình đám nhất một thời, Asia và Thuý Nga (Paris By Night). Đã hơn 5 năm rồi tôi không coi bất cứ sản phẩm gì của họ cả, cho đến bây giờ mới nhớ lại và cảm thấy hơi tiếc nuối.

Để hiểu được kết quả được dự đoán từ lâu này thì chúng ta phải nhìn mô hình hoạt động của họ trước khi phân tích vì sao lại thất bại.

1. Asia và Paris By Night hoạt động theo mô hình phát triển âm nhạc dựa trên show ca nhạc. Họ ghi hình rồi phát hành qua VHS và DVD. 
2. Asia thì thiên về chống CS. Gần như phiên bản nào của họ cũng có một bài tiêu cực về đất nước. Đó là chủ trương của họ. Paris By Night thì đa dạng hơn.
3. Asia làm chương trình theo kiểu: hát đa số nhạc cũ, một vài bài mới và vở hài kịch. Paris By Night cũng làm theo mô hình tương tự, gần như không khác.
4. Asia tuyển dụng ca sĩ trẻ và phát triển. Ví dụ tiểu nhất có lẽ là Trish Thuỳ Trang, Cardin và Lâm Nhật Tiến. Paris By Night thiên về ca sĩ cũ và tuổi trung niên.

Trước khi phân tích sự suy giảm thì phải nói rằng tôi rất ngưỡng mộ họ. Trước đây trong thập niên 1990-2010 thì hai trung tâm này là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với hai triệu người Việt ở ngoài nước. Nhưng không thể chối được rằng thời thế bây giờ đã thay đổi và họ đã không bắt kịp.

1 - THẾ HỆ VIỆT KIỀU 1.0 ĐÃ LỚN TUỔI: Sau năm 1975, làn sóng người Việt xuất ngoại đã tạo ra một thị trường âm nhạc nhỏ nhưng đủ sống. Asia và Paris By Night đã đáp ứng nhu cầu của những người xa quê vào thời điểm hậu chiến. Cộng đồng thời đó chưa đông như bây giờ và sống rải rác khắp nơi cho nên người ta coi hai trung tâm đó như kênh để kết nối mọi người lại với nhau. Đó cũng là cách để họ cùng nhớ lại những kỷ niệm xưa về một đất nước không còn nữa.

Đã hơn 30-40 năm trôi qua rồi. Thế hệ Việt Kiều 1.0 đó bây giờ đã ở tuổi về hưu. Số lượng người nghe quá ít để có thể sinh lãi, nó vẫn còn nhưng ngày càng giảm. Thay vào đó, thế hệ Việt Kiều 2.0 trẻ tuổi thì lại không mấy mặn mà với những bài nhạc cũ. Đa số không biết tiếng Việt hoặc nói với giọng lơ lớ, họ đã có cuộc sống riêng khác với thế hệ cha mẹ mình.

2 - THỊ TRƯỜNG NHẠC VIỆT Ở HẢI NGOẠI QUÁ NHỎ: Với tầm một triệu người Việt ở Mỹ và một triệu sống khắp nơi trên thế giới, về góc nhìn thị trường thì đây là con số quá nhỏ. Nó còn chưa bằng dân số của một thành phố. Ngược lại, dân số trong nước lại là 96 triệu và ngày càng nhiều, thị trường không bao giờ ngừng tăng trưởng.

Nếu bạn là một nhà sản xuất nhạc hay một ca sĩ thì việc cân nhắc giữa hai thị trường là điều không cần phải suy nghĩ quá nhiều. Không ai muốn đánh cược vào một thị trường suy giảm cả. Asia và Paris By Night vì chỉ phục vụ một thiểu số cho nên không thể tăng lên quy mô được. Lỗi đây không phải là ở họ mà bản chất của thị trường âm nhạc.

3 - THỊ TRƯỜNG ÂM NHẠC TRONG NƯỚC PHÁT TRIỂN: Cho dù quan niệm của bạn là gì đối với nhà cầm quyền hay đất nước thì phải thừa nhận rằng thị trường âm nhạc Việt Nam đang phát triển cực mạnh. Nếu lướt quanh các khu phố người Việt ở nước ngoài thì đa số sẽ mở nhạc của các ca sĩ trong nước. 

Ngay cả những ca sĩ Việt Kiều đình đám một thời cũng không thể cưỡng lại mà phải trở về hoạt động toàn thời gian. Những B Ray, Tóc Tiên, Dương Triệu Vũ, Tuấn Ngọc hay Bằng Kiều bây giờ không còn coi thị trường Mỹ là chính nữa vì nó quá nhỏ. Họ sống ở đó nhưng hoạt động chính ở Việt Nam.

Trong khi đó, Asia và Paris By Night với chủ trương ‘chống CS’ của mình bây giờ không còn đất sống. Họ không thể phát triển ở trong nước, ngoài những clip tải lậu, cũng không thể sống lâu dài ở hải ngoại.

4 - KHÔNG SÁNG TẠO MÀ CHỈ HÁT LẠI BÀI CŨ: Cho dù bạn yêu thích Asia và Paris By Night thì phải thừa nhận rằng họ gần như đã cạn kiệt ý tưởng. Một phần vì các nhạc sĩ và ca sĩ cho âm nhạc Việt bây giờ đã phát triển trong nước. Đối mặt với sự khan hiếm nhân sự và tài năng, cả hai trung tâm chỉ biết làm mới những bài nhạc cũ. 

Gần như tất cả các bài hát mới đều đến từ trong nước. Trong khi Asia và Paris By Night thì vẫn dậm chân tại chỗ. Không một ai lại coi trọng và thích nghe hoài những sáng tác cũ cả. Nhiều bài đã được tái sử dụng đến cả chục lần, nó quá nhàm chán. Người xem có cảm giác như đang coi một chương trình nhạc hội chợ chứ không phải âm nhạc đẳng cấp nữa. Cho nên họ quay lưng.

KẾT LUẬN: Asia và Paris By Night vẫn tồn tại nhưng chỉ là một góc nhỏ của mình trước đây. Kể từ khi thị trường âm nhạc trong nước phát triển thì hai trung tâm của người Việt hải ngoại ngày càng suy giảm. Hiện tại thì họ chỉ là cái bóng của ngày xưa. 

Nếu nói chuyện với những người trước đây coi Asia và Paris By Night là hai chương trình không thể thiếu thì bây giờ họ sẽ ít nhiều thừa nhận. Hai trung tâm đình đám một thời hiện tại quá tệ cho nên nếu nói họ ‘thất bại’ cũng không phải là quá đáng hay thiếu chính xác. 

Tôi như bao người khác, vẫn nghe lại những sáng tác của Anh Bằng, Trầm Tử Thiên và Phạm Duy. Nhưng âm nhạc cần sự đổi mới. Người làm nhạc phải liên tục sáng tạo chứ không bám mãi vào di sản cũ nữa. Đừng bất ngờ nếu một ngày không còn Asia hay Paris By Night nữa. Sự thất bại này đã xảy ra từ lâu.

Ku Búa @ Cafe Ku Búa



Không có nhận xét nào