Bài 1 - Bàn về bài nghiên cứu triều đình Minh Mạng và sự buôn gạo lậu của người Hoa do thầy Choi Byung Wook chấp bút #phan_bien_thay_Choi_By...
Bài 1 - Bàn về bài nghiên cứu triều đình Minh Mạng và sự buôn gạo lậu của người Hoa do thầy Choi Byung Wook chấp bút
#phan_bien_thay_Choi_Byung_Wook
Bài nghiên cứu này bạn có thể đọc trong quyển Water Frontier với bài viết có tiêu đề là "The Nguyen Dynasty's Policy toward Chinese on the Water Frontier in the First Half of the Nineteenth Century", và bạn cũng có thể đọc trong quyển Southern Vietnam under the reign of Minh Mạng từ trang 69 phần Chinese Settlers and Rice Smuggling, hay trong bản dịch Việt ngữ xưa trang 118 Hoa kiều và nạn buôn lậu thóc gạo.
Mình đọc phần này thấy có vài vấn đề, trong bài này, mình xin bàn về điểm sai trong phần phân tích của thầy Choi Byung Wook về sự kiện thuế thân dành cho người nhà Thanh.
Đây là đoạn nằm trong phần dịch Việt ngữ trang 133-134 mà thầy đã phân tích như sau:
****
The problem discovered by Le Van Duyêt was that the new immigrants, whose economic conditions were loosely reported by the associations to which they belonged, were too often exempt from tax payments as a result. Usually, the newcomers were registered as cung co (extremely poor employees) or vo vat lue giâ (people without property), both categories that left them exempt from taxation. What's more, they were seldom converted to taxpayers even though they might quickly achieve a more a stable life by accumulating property in the new land. Responding to the situation, the Gia Dinh Thanh suggested that they would charge 6.5 quan in taxes for the ordinary thanh nhân, and that they would exempt the "empty-handed" thanh nhân from taxation. Le Van Duyet's suggestion reached the Hue court in 1827, but it did not please Minh Mang, who saw that it would be difficult to identify "the empty handed" and that this ambiguity would provide the thanh nhân with more opportunities to avoid taxes. Minh Mang's argument was more logical and realistic in terms of rounding up the tax payers: "I know the newcomers are really poor, but my paradise will not let them remain poor, then they will be able to pay tax". Minh Mang's idea was that new Chinese immigrants should be charged the full amount in principle. Half the amount was to be charged to those who were judged as extremely poor for three years. Afterwards, they would be expected to pay the full amount. This decision was delivered to Gia Dinh.
Lê Văn Duyệt nhận ra một vấn đề: dân nhập cư mới thường được các hiệp hội chủ quản trình báo không đúng sự thật về điều kiện kinh tế của họ nên thường được miễn thuế. Ý ông thường, những người mới tới phải đăng ký là cùng cố (rất nghèo) hoặc vô vật lực giả (người không có tài sản gì) thì mới được miễn đóng thuế. Ngoài ra, họ ít khi bị chuyển thành đối tượng phải nộp thuế ngay cả khi họ nhanh chóng có được cuộc sống ổn định hơn nhờ tích lũy tài sản ở vùng đất mới. Để đối phó với tình trạng này, Gia Định thành Tổng trấn đề nghị nên đánh thuế 6,5 quan mỗi Thanh nhân bình thường, và miễn thuế cho những Thanh nhân “tay trắng”. Đề nghị của Lê Văn Duyệt được trình lên triều đình Huế vào năm 1827 nhưng bị Minh Mạng bác bỏ bởi nhà vua cho rằng khó xác định thế nào là “trắng tay” và sự mơ hồ này sẽ tạo cơ hội cho Thanh nhân trốn thuế. Lập luận của Minh Mạng lôgíc và thực tế hơn khi tăng số người phải nộp thuế: “Trẫm biết những người nhập cư thực sự nghèo nhưng đất nước thiên đường của trẫm không để họ nghèo mãi. Vì vậy họ sẽ phải nộp thuế”. Minh Mạng cho rằng về nguyên tắc người Hoa mới nhập cư phải đóng thuế đầy đủ. Những người rất nghèo phải đóng nửa mức thuế trong 3 năm, sau đó phải đóng thuế đầy đủ. Quyết định này được truyền đến Gia Định.
****
Còn bản dịch Đại Nam Thực Lục Tập 2 đã viết như thế nào, thì đây:
****
Bính tuất, năm Minh Mệnh thứ 7 [1826], mùa thu, tháng 7 ...
Định lệ thuế người Đường [người Trung Hoa] ở Gia Định. Thành thần tâu rằng : “Người Đường biệt nạp ở các trấn thuộc thành hoặc nộp thuế thân, hoặc nộp thóc sưu, hoặc nộp thoi sắt, lệ không giống nhau. Lại có hơn 3.000 người mới phụ đều không đánh thuế. Vả ở hạt thành ruộng đất mầu mỡ, đầm núi lợi nhiều, cho nên người Mân Quảng đến ở ngày càng nhiều, khắp chợ đầy đồng, kẻ đi buôn người làm ruộng, có nhà giàu đến cự vạn mà suốt năm không nộp một sợi tơ một hạt thóc nào, so với dân ta ngoài thuế thân và tiền đầu quan còn việc binh dao, nhẹ nặng khác xa. Xin phàm người Đường biệt nạp và mới phụ mỗi năm phải nộp tiền dung dịch là 6 quan 5 tiền, còn người mới phụ mà chưa có sản nghiệp thì đem vào hạng cùng cố mà miễn đánh thuế ". Vua dụ rằng : “Những người Đường đã ghi sổ có lệ thuế nhất định là phải. Còn người mới phụ chưa có chỗ căn cứ mà nhất khái đánh thuế thì bắt Lý trưởng sở tại hay thành trấn phủ huyện tự thu thuế sao ? Huống chi người mới phụ cũng có người tay không, cố nhiên nên đem vào hạng cùng cố, nhưng đã đến ở đất nước ta há có nhẽ nghèo túng mãi mà miễn thuế suốt đời hay sao ? Vậy nên hết lòng bàn cho ổn thoả tâu lên”. Thành thần tâu rằng : “Trước đây người Đường đến ở dân gian chợ phố trong hạt thành thì đã khiến trấn thần sở tại cứ người ở các xứ Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam mà tra xét ghi vào sổ riêng, đặt bang trưởng trông coi. Người có sản nghiệp thì xin đánh thuế theo lệ, đến như người cùng cố thì thường năm xét xem ai đã có tư cơ thì đánh thuế”. Vua y lời tâu.
****
Như vậy khi đối chiếu với đoạn văn trên trong Đại Nam Thực Lục, chúng ta thấy rõ các vấn đề như sau:
****
1. Sử kiện này xảy ra vào năm 1826 không phải năm 1827 như thầy Choi Byung Wook nêu ra.
****
2. Sự kiện thầy Choi Byung Wook đưa ra "Minh Mạng cho rằng về nguyên tắc người Hoa mới nhập cư phải đóng thuế đầy đủ. Những người rất nghèo phải đóng nửa mức thuế trong 3 năm, sau đó phải đóng thuế đầy đủ. Quyết định này được truyền đến Gia Định." chưa bao giờ có trong đoạn sử kiện năm 1826 cả.
Mà đáng kinh ngạc hơn, là sự kiện này nó lại xảy ra vào 3 năm sau, mùa thu tháng 7 năm Canh Dần Minh Mạng 11 [1830], trong đoạn sử kiện "Định lệ thuế người nước Thanh ở các địa phương. Trước đây trấn Bình Thuận xin biên những người nước Thanh ở trong hạt mà đánh thuế, vua cho bộ Hộ bàn định, lấy có vật lực hay không mà chia hạng. Có vật lực thì thu thuế mỗi năm 6 quan 5 tiền, như ngạch thuế người Thanh mới phụ ở Gia Định, không vật lực thì thu thuế một nửa, đều miễn tạp phái. Tuổi 18 thì nộp thuế, đến 61 thì miễn. Những người vô lực thì ba năm bang trưởng xét báo một lần, đã có sản nghiệp thì đem vào hạng mà thu cả thuế. Trấn Bình Hoà trở về Bắc cũng theo lệ ấy mà làm. Đến bấy giờ thành thần Gia Định tâu rằng : “Người Thanh ở thành hạt trước đã được chỉ chuẩn có tư cơ thì toàn thu, bần cố thì miễn, nay so với lời bàn của bộ thì không đúng”.".
Vậy thầy Choi Byung Wook có đọc lộn sử kiện trong Đại Nam Thực Lục không ? Điều này thì mình chưa tỏ tường.
Nhưng có một điều mình nhận thấy rất rõ, là hầu như câu văn nào mà thầy Choi Byung Wook dẫn Đại Nam Thực Lục, thầy đều chú thích nguồn cả. Riêng câu văn quan trọng này, tức câu ""Minh Mạng cho rằng về nguyên tắc người Hoa mới nhập cư phải đóng thuế đầy đủ. Những người rất nghèo phải đóng nửa mức thuế trong 3 năm, sau đó phải đóng thuế đầy đủ. Quyết định này được truyền đến Gia Định", thầy hoàn toàn không để nguồn gì cả. Bạn có thể tự đọc lại trong bản Anh ngữ hay bản dịch Việt ngữ.
Mà phương pháp nghiên cứu sử như thế này đã được ai áp dụng ? À, thì có thầy "Hà Tiên học" Trương Minh Đạt hình như đã làm thế với bài nghiên cứu về năm sinh ngài Mạc Thiên Tứ. Và có nhóm học giả Việt Nam do thầy Nguyễn Quang Ngọc chủ biên đã áp dụng phương pháp nghiên cứu sử như thế trong quyển Vùng đất Nam Bộ IV phần về ngài Mạc Thiên Tứ đã cầm quân đánh tan quân Xiêm vào năm 1772-1773 thế nào. Và chắc là chúng ta cũng không nên quên thầy Tsuboi với quyển nước Đại Nam, cũng đã nghiên cứu như thế.
Nên vì vậy, sử Đại Nam Thực Lục chưa bao giờ chép là vào năm 1827 vua Minh Mạng bắt buộc người Thanh mới phụ nào cũng phải trả thuế cả, và dĩ nhiên cũng không hề có vụ những người rất nghèo phải đóng nửa mức thuế trong 3 năm rồi quyết định được truyền đến Gia Định năm 1827 nào cả. Chắc chắn là thầy Choi Byung Wook sai rồi (ngoại trừ thầy lại có tài liệu nào khác đưa ra). Nhưng đáng nói, là làm thế nào mà thầy Choi Byung Wook lại ép cả sử đến thế, và ngay trong phần này, chỗ nào cũng có dẫn nguồn cả, mà phần quan trọng đánh giá về vụ vua Minh Mạng đòi đánh thuế người Thanh tại đây, thầy lại hoàn toàn không dẫn nguồn là sao ?
Có phải vì nếu thầy dẫn nguồn, thì hóa ra sử kiện trên nó thuộc về năm 1830, và thế là luận điểm của thầy là có lệnh vua Minh Mạng nào đó là sai không ?
Mà đáng ngờ hơn, là câu văn viết rõ trong sử kiện 1827 thành thần Gia Định đề nghị là mỗi năm bang trưởng kiểm tra, nếu thấy người Thanh mới phụ mà có tư cơ thì bắt phải đóng thuế, và vua Minh Mạng hoàn toàn đồng ý điều này. Ấy thế mà thầy Choi Byung Wook không hề dẫn ra, mà ngược lại, thầy lại đưa luôn đoạn sử kiện năm 1830 vào làm sử kiện năm 1827 để chứng minh rằng vua Minh Mạng đã cứng rắn với người Thanh là sao nhỉ ?
****
3. Thầy Choi Byung Wook cũng có chú thích luôn là "150 Ibid., 40:18a. In fact, Gia Dinh's suggestion was quite favorable to the thanh nhân. First of all, their tax was lower than that of minh hương. According to the rule of 1826, one minh hương member's tax was 2 lượng of silver. The exact price of silver in 1826 is not known.", và bản Việt ngữ dịch là "Như trên, 40: 18a. Trên thực tế, đề nghị của Gia Định khá ưu ái Thanh nhân. Trước hết, mức thuế này thấp hơn với người Minh hương. Theo luật ban hành năm 1826, một Minh hương phải nộp 2 lạng bạc thuế. Chúng ta không biết chính xác giá bạc năm 1826 ...".
Nhưng sự phân tích này của thầy Choi Byung Wook hoàn toàn có vấn đề.
Vì chắc là thầy đã đọc sử kiện trên trong Đại Nam Thực Lục Tập 2, đoạn "Bính tuất, năm Minh Mệnh thứ 7 [1826], mùa thu, tháng 7 ... Đổi định lệ thuế cho xã Minh Hương biệt nạp ở các địa phương ... Xin từ nay ở Nam thì đến Gia Định, ở Bắc Thành, phàm người sổ Minh Hương đến định mỗi năm mỗi người nộp 2 lạng bạc, dân đinh và lão tật thì nộp một nửa, thuế thân và dao dịch đều miễn. Còn như người Minh Hương ở Thanh Hoa chưa có số người thì xin trấn thần tra rõ ghi vào sổ, chiếu lệ đánh thuế”. Vua y lời.".
Như vậy, vào năm 1826, đối với người trong sổ bạ Minh Hương, thì "dân đinh và lão tật thì nộp một nửa, thuế thân và dao dịch đều miễn" tức là mỗi dân đinh và lão tật người Minh Hương chỉ nộp 1 lượng bạc, được miễn thuế thân và dao dịch. Trong khi đó người Thanh thì đóng 6 quan 5 tiền tức là nếu tính toán theo thầy Choi Byung Wook, thì vào năm 1824 3 quan = 1 lạng, thì có nghĩa là tất cả người Thanh, dù buôn bán, dân đinh lão tật gì đấy, cũng phải đóng 2,5 lạng bạc đấy chứ. Nên yes, nếu là hạng đóng thuế bình thường, thì xem ra người Thanh và người Minh Hương cần đóng thuế gần như giống nhau, nhưng khi ta bàn về "dân đinh và lão tật", thì xem ra người Minh Hương đóng rẻ hơn người Thanh gần một nửa số thuế đấy chứ ? Nên làm thế nào mà thầy Choi Byung Wook lại khẳng định thuế người Thanh được ưu ái hơn thế người Minh Hương ? Dĩ nhiên việc này chỉ có thể có, khi đoạn "dân đinh và lão tật thì nộp một nửa, thuế thân và dao dịch đều miễn" không được đưa ra, như thầy Choi Byung Wook đã không đưa ra vậy.
****
Như vậy, ở đây, chúng ta thấy rõ là phương pháp nghiên cứu sử của thầy Choi Byung Wook xem ra là phản khoa học, tức là đoạn luận điểm quan trọng thì thầy lại không dẫn nguồn (và mình tra ra nguồn thì lại nằm ở đoạn sử kiện khác), và khi thầy làm phép so sánh, xem ra thầy không đưa ra hết dữ liệu để so sánh.
Vậy chỉ với một điểm này, mình nghĩ chắc bạn cần đọc lại phần phân tích vua Minh Mạng và người Hoa buôn lậu gạo của thầy Choi Byung Wook. Có khi thầy đang lùa bạn vào hướng suy luận không hề khách quan của thầy đó.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào