Bàn về Chân Lạp thế kỷ 17 và công nữ Ngọc Vạn Công nữ Ngọc Vạn có công với miền Nam Việt Nam như thế nào, chắc mình khỏi phải nhắc lại. Đạ...
Bàn về Chân Lạp thế kỷ 17 và công nữ Ngọc Vạn
Công nữ Ngọc Vạn có công với miền Nam Việt Nam như thế nào, chắc mình khỏi phải nhắc lại. Đại khái, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đã viết về 3 điểm như sau liên quan đến nhơn vật này:
1. Công nữ Ngọc Vạn chính là bà hoàng hậu Việt Nam tại Chân Lạp, được quốc vương Chey Chetta II của Chân Lạp lấy vào năm 1620.
2. Sau khi làm hoàng hậu, bà đã xin quốc vương Chân Lạp cho mở sở thuế ở Sài Gòn và đồn điền ở Bà Rịa.
3. Sau khi có sự nồi da xáo thịt trong triều đình Chân Lạp, bà là người đã hiến kế cho con cháu hoàng gia Chân Lạp chạy sang Quảng Nam cầu cứu chúa Nguyễn đánh bại quốc vương Chân Lạp thời bấy giờ.
Với thuyết 1, bạn xem bài nghiên cứu của hai nhà nghiên cứu ở Huế là Võ Vinh Quang và Nguyễn Đình Đính với tiêu đề Tống Sơn quận chúa Nguyễn Thị Ngọc Vạn qua sắc phong, lăng mộ và tín ngưỡng thờ phụng ở Huế mà bạn có thể tải tại đây >> http://www.vjol.info/index.php/ncpt-hue/article/view/23029. Bài nghiên cứu nghiêm túc này đã chứng minh là có Tống Sơn Quân Chúa Ngọc Vạn ở Huế, vậy chúng ta chỉ chờ xem các nhà nghiên cứu Việt Nam nào mà hô hào có bà hoàng hậu Ngọc Vạn ở Chân Lạp sẽ đư ra được chứng cớ gì. Nhưng đến nay, chưa ai có thể chứng minh chắc chắn rằng có bà hoàng hậu Chân Lạp nào tên Ngọc Vạn cả.
Với thuyết 2, mình có viết bài phản biện tại đây >> http://www.thesaigonposts.net/2019/09/ban-ve-nhung-van-e-lien-quan-en-2-so.html
Và bài viết này, mình xin phản biện luôn thuyết 3 - tức là thuyết cho rằng bà hoàng hậu Ngọc Vạn đã hiến kế cho con cháu hoàng gia Chân Lạp chạy sang Quảng Nam cầu cứu chúa Nguyễn đánh bại quốc vương Chân Lạp thời bấy giờ.
Có 2 sử kiện ở đây chúng ta cần lưu ý:
*****
1. Theo bài nghiên cứu Cambodia’s Muslim King: Khmer and Dutch Sources on the Conversion of King Reameathipadei I 1642-1658 mà bạn có thể tải tại đây >> https://www.academia.edu/6797132/Cambodia_s_Muslim_King_Khmer_and_Dutch_Sources_on_the_Conversion_of_King_Reameathipadei_I_1642-1658, thì vào năm 1642, trong cuộc soán đoạt ngôi vàng, hoàng tử Shatta (tức vua Nặc Ông Chăn trong sử Việt sau này), là con vua Chey Chetta II (được nhiều nhà nghiên cứu cho là lấy bà hoàng hậu Việt năm xưa), đã giết chết chú mình, là giám quốc Outey và con của ông ta là quốc vương Chân Lạp đương thời là Botum Reachea. Và trong cuộc soán ngôi này, hoàng tử Sattha, đã giết rất nhiều người thuộc phe giám quốc và quốc vương, trong đó có cả việc truy sát 3 người con còn lại của giám quốc Outey, mà sau đó có 2 người bị xử tử và 1 người thì được một bà hoàng hậu người Việt, là mẹ ghẻ của hoàng tử Sattha, tức là vợ vua cha là Chey Chetta II, đã xin tha tội chết.
Quyển Murder and mayhem in seventeenth century cambodia trang 16 cho chúng ta biết rõ hơn, là bà hoàng hậu mẹ ghẻ này (không được viết là bà hoàng hậu Việt hay là không), đã yêu cầu được nhận đứa con trai này của vị giám quốc Outey làm con trai nuôi. Người con trai này có tên là hoàng tử Ang Im. Và thú vị hơn, là hoàng tử Ang Im này, mặc dù đã biết hoàng tử Sattha (sau này là vua Nặc Ông Chăn) giết chết cha mình và các anh mình, sau này ông vẫn một lòng một dạ trung thành cùng với vua Nặc Ông Chăn.
Như vậy, điều này đã nảy sinh ra vài luận điểm khá dễ hiểu:
a. Nếu bà hoàng hậu Việt nuôi một đứa con kẻ thù của vua, mà đứa con ấy sau này lại không hận thù mà hóa ra còn trung thành với vua, thế thì làm thế nào mà bà hoàng hậu ấy lại là kẻ chống đối vua nhỉ ? Chả lẽ bà chống đối vua mà lại nuôi một đứa con nuôi sau này lại trở nên trung thành với vua à ?
b. Nếu bà hoàng hậu Việt này mà không có mối quan hệ tốt với vua hoặc chỉ là 1 nhân vật rất mờ nhạt, thì đời nào mà ông vua hung ác Nặc Ông Chăn lại để bà sống yên ổn từ năm 1642 đến năm 1658 là năm mà ông bị quân chúa Nguyễn bắt nhỉ ? Ông vua này giết người không gớm tay, và truy sát tất cả, ngay cả anh của ông ta còn bị giết để trừ hậu họa, thì tại sao ông lại để cho bà, nếu bà là một đối thủ hay kẻ chống đối triều đình, có thể sống yên ổn trong 16 năm nhỉ ?
c. Và đáng ngờ hơn, là làm thế nào mà bà là mẹ ghẻ vua, mà lại có thể xin vua tha mạng cho vị hoàng tử trẻ là con của kẻ thù, nếu như bà không có mối quan hệ tốt với vua ?
d. Sau khi chồng bà, là quốc vương Chey Chetta II mất vào năm 1628, thì vương triều Chân Lạp được kế thừa bởi 2 người con của chồng, nhưng đều bị anh chồng là giám quốc Outey sát hại cả, và vị giám quốc này, sau đó đưa con của ngài lên ngôi, rồi cả ngài và con trai đều bị hoàng tử Sattha con vua Chey Chetta II hạ sát. Như vậy, hoàng tử Sattha soát đoạt lại ngôi vua của chồng bà về lại dòng dõi của chồng bà, thì tại sao bà phản đối để làm gì nhỉ ?
****
2. Đáng ngờ hơn nữa, là theo quyển Murder and mayhem in seventeenth century cambodia trang 15/16, thì trong cuộc truy sát dòng họ chú mình vào năm 1642, hoàng tử Sattha (tức vua Nặc Ông Chăn trong sử Việt sau này), đã giết chết 2 người, dung tha cho 1 người để bà hoàng hậu mẹ ghẻ nuôi, và CÓ 2 NGƯỜI CON TRAI KHÁC chạy sang Đàng Trong núp dưới sự bảo hộ của chúa Nguyễn.
Như thế, thì chúng ta lại rõ thêm 1 điều, là 2 người con này đã chạy qua Đàng Trong từ năm 1642, rồi mãi tới năm 1658, tức 16 năm sau, mới có chúa Nguyễn giúp binh đánh bại vua Nặc Ông Chăn. Như vậy, rất có thể là các chúa Nguyễn đã nuôi dưỡng những hoàng tử này như những con tin, rồi sau này đem về mà đánh Chân Lạp đấy chứ. Làm gì có việc như các nhà nghiên cứu Việt Nam viết là bà hoàng hậu Việt hiến kế con cháu hoàng gia sang cầu cứu triều đình chúa Nguyễn ? Chả lẽ bà đợi đến 16 năm sau rồi hiến kế trong khi các hoàng tử Chân Lạp này đã ở Đàng Trong từ năm 1642 rồi à ?
Và nếu bạn tra lại sử, thì có phải là năm 1653, chúa Nguyễn đã đánh Chiêm Thành, lập dinh Bình Khang, phân biên giới Chiêm Thành và Đàng Trong là ở tận sông Phan Rang không ? Như vậy thì chắc là đến năm 1653, sau khi đã lấy đất Chiêm Thành đến tận Phan Rang, chúa Nguyễn mới có đất ở dinh Bình Khang để bắt đầu lập đồn trại mà chiêu binh mãi mã đi đánh Chân Lạp 5 năm sau vào năm 1658 đó chứ. Làm gì có việc bà hoàng hậu Việt nào đó đợi tới 16 năm từ năm 1642 đến năm 1658 rồi mới hiến kế cho con cháu hoàng gia Chân Lạp tìm về các chúa Nguyễn cầu cứu như các nhà nghiên cứu Việt Nam nêu ra.
****
Vậy với 2 điều trên, mình cho rằng việc các nhà nghiên cứu Việt Nam nào đó mà viết về công lao bà hoàng hậu Việt Ngọc Vạn đã hiến kế cho con cháu hoàng gia Chân Lạp chạy sang Quảng Nam cầu cứu chúa Nguyễn đánh bại quốc vương Chân Lạp thời bấy giờ, là có đầy vấn đề về logics. Giả thuyết trên xem ra có vẻ OK về mặt lý thuyết. Nhưng khi ta đọc lại dữ liệu VOC về cuộc soán ngôi của hoàng tử Shatta tại triều đình Chân Lạp vào năm 1642, ta thấy rõ là việc hoàng tử hung ác này, giết nhiều người theo phe chú mình, giết cả anh trai để trừ hậu họa, mà để lại một đối thủ như bà hoàng hậu này (nếu có), cho phép sống sót là điều không tưởng, và qua việc bà hoàng hậu mẹ ghẻ này xin tha tội rồi nhận làm con nuôi, rồi con nuôi trung thành với vua Nặc Ông Chăn, rồi việc con cái vị giám quốc đã chạy sang Đàng Trong từ cuộc soán ngôi năm 1642, thì chắc là giả thuyết trên không thể nào là đúng.
Mà giả thuyết đúng đắn nhất xem ra là sau năm 1653 khi triều đình Đàng Trong đã lấy đến đất Phan Rang, có được bàn đạp là dinh Bình Khang và nước Chiêm Thành đã quá yếu, nên các chúa Nguyễn trong 5 năm, từ năm 1653 đến 1658, mới chiêu binh mãi mã, bắt đầu cho chiến lược xâm lược Chân Lạp. Nếu đúng là có dữ liệu bà hoàng hậu Ngọc Vạn nào đấy mà hiến kế, hoặc ra sống ở Bà Rịa hay khu Đồng Nai, thì chắc là chúng ta cần phải có chứng cớ rõ ràng, chứ không chỉ là tin vào luận điểm lỏng lẽo "dân gian" nào đấy.
Mời bạn đọc 4 trang Anh ngữ trong quyển Murder & Mayham về cuộc soán ngôi năm 1642 trong triều đình Chân Lạp của hoàng tử Sattha tức vua Nặc Ông Chăn sau này. Quyển sách này trang nào đọc cũng đáng đồng tiền bát gạo.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào