[ CHILD BENEFITS AND SINGLE MOMS - TIỀN TRỢ CẤP NUÔI CON VÀ MẸ ĐƠN THÂN ] Ở đa số các nước Phương Tây, khi sinh người mẹ sẽ nhận được một ch...
[CHILD BENEFITS AND SINGLE MOMS - TIỀN TRỢ CẤP NUÔI CON VÀ MẸ ĐƠN THÂN] Ở đa số các nước Phương Tây, khi sinh người mẹ sẽ nhận được một chút tiền trợ cấp nuôi con qua nhiều hình thức khác nhau. Có thể sẽ là giảm thuế, trả qua tài khoản hoặc được hưởng những khoản hỗ trợ khác về y tế hoặc giáo dục.
Khi nói đến ‘Trợ Cấp’ thì không ít người sẽ quy nó vào mục ‘phe phái chính trị Tả Hữu’ nhưng thực chất thì cho dù là gì đi nữa thì gần như tất cả lãnh đạo và những nhà hoạt động xã hội đều đồng ý phải có khoản này để có thể xây dựng xã hội.
Nhưng tại sao lại có những khoản trợ cấp nuôi con. Mục đích của nó là gì. Hãy tìm hiểu và suy ngẫm.
1 - BẢO VỆ TRẺ EM: Số tiền trợ cấp không phải là dành cho người nuôi, mà cho đứa trẻ. Trong một xã hội văn minh thì chẳng hề có sự phân biệt nào giữa một em bé giàu hay nghèo hoặc có cha hay không. Nó là một công dân của đất nước và cần được bảo vệ.
2 - BÌNH ĐẲNG CƠ HỘI: Đây có lẽ là lý do chính. Rõ ràng là sẽ luôn có sự khác biệt điều kiện giữa người và người. Nhưng khoản tiền trợ cấp nhằm tạo sự bình đẳng trong cơ hội cho tất cả đứa trẻ. Cho dù bạn ghét bỏ cha mẹ nó thì cũng phải tạo điều kiện để nó được ăn uống đầy đủ, học hành đến nơi đến chốn và hoà nhập vào trong xã hội để trở thành một người có ích.
3 - HỢP ĐỒNG NUÔI CON: Khi nhận khoản tiền trợ nuôi con kia, người cha mẹ đã vô tình ‘ký’ vào một hợp đồng xã hội với cơ quan quản lý thay mặt đại diện. Rằng họ sẽ có trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng đứa trẻ. Vì lấy số tiền đó nên phải cam kết cho nó ăn đủ chất, khám bệnh đúng hạn và giáo dục bài bản. Nếu không thì dưới danh nghĩa bảo vệ trẻ em, vì cha mẹ vô trách nhiệm với đứa con, nên cơ quan bảo vệ trẻ em sẽ tìm một người khác có thể chăm sóc nó.
4 - XÂY DỰNG NỀN TẢNG XÃ HỘI: Trẻ em là tương lai cả xã hội. Muốn phát triển thì hãy bắt đầu với những công dân chưa nói rành và bước chưa vững này. Đó là tại sao Phương Tây có tiền sữa, miễn học phí, y tế bao toàn diện và sự bảo trợ. Nếu không thể che chở những thành viên nhỏ bé nhất thì chúng ta đang thiết lập một xã hội tồi. Vì đó là một nơi con người muốn xây căn nhà mà không xây móng.
MẸ ĐƠN THÂN VÀ TIỀN TRỢ CẤP - Khi nói đến trẻ em và nuôi con, sai lầm chết người là phân biệt dựa theo trạng thái hôn nhân hoặc mối quan hệ thay vì đứa trẻ. “Tại sao phải hỗ trợ một bà mẹ đơn thần, cô ta phải tự trách nhiệm chứ?” hay “Ai làm thì người đó chịu.” Các bạn có nghe quen không?
Chẳng có một phụ nữ muốn làm một bà mẹ xấu. Cô ta chỉ thà tự nuôi đứa trẻ còn hơn để nó có một người cha tồi. Một đứa trẻ sống trong một gia đình hay ở với người mẹ đơn thân đều là những tâm hồn vô tội.
Đừng đẩy cảm xúc của bạn vào những đứa trẻ và ép họ phải chịu trách nhiệm cho lựa chọn của người sinh ra mình. Đừng bắt họ phải chịu thiệt thòi vì bạn có ý kiến bất đồng về việc một người vợ ly hôn chồng hoặc một cô gái quyết định từ bỏ một người yêu tồi.
Nhiệm vụ của xã hội không phải là phán xét, mà là tôn trọng. Nhiệm vụ của chúng ta, nhất là bạn, không phải là phân biệt mà là bảo vệ đứa trẻ. Cho nên hãy khoan hùng hồn khi bạn chưa là cha và đừng chỉ trích nếu bạn không làm mẹ.
NƠI ĐÁNG SỐNG CHO TRẺ EM - Không có nơi nào hoàn hảo. Sẽ luôn có những người vô trách nhiệm lợi dụng sự nhân ái này. Nhưng như bao chuyện khác, bạn không thể vì một thiểu số tiêu cực và tước bỏ sự trợ giúp và cơ hội cho đa số còn lại. Không ai thiết lập chính sách dựa trên điều này cả.
Chúng ta không thể khiến cho mọi người có kết quả như nhau nhưng phải làm cho tất cả có chung cơ hội đến trường và khôn lớn. Cho dù nó là một đứa trẻ ở thành thị hay vùng sâu, giàu hay nghèo, hoặc có cha hay chỉ sống với mẹ.
Hãy biến nơi mình sống thành một khu vườn cho những đứa trẻ. Bởi vì những hạt giống đó trước đây chính là bạn, sau này sẽ là những đứa con trong vòng tay mình.
Nếu bạn muốn làm việc lớn và muốn thống trị thì trước tiên hãy bảo vệ những thành viên nhỏ nhắn nhất của xã hội và nâng niu những thiên thần bé bỏng của đất nước. Đó mới là một nơi đáng sống.
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Không có nhận xét nào