INDO-PACIFIC (phần 11, bản dịch nguyên văn) DUY TRÌ CÁC HOẠT ĐỘNG, NÂNG CAO NỀN TẢNG Được mô tả trong Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đô...
INDO-PACIFIC (phần 11, bản dịch nguyên văn)
DUY TRÌ CÁC HOẠT ĐỘNG, NÂNG CAO NỀN TẢNG
Được mô tả trong Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) năm 1976, Brunei, Lào và Campuchia chấp nhận những giá trị của ASEAN bao gồm nhưng không giới hạn: tôn trọng lẫn nhau về độc lập, chủ quyền, sự bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia; quyền lãnh đạo của mỗi quốc gia không bị sự can thiệp từ bên ngoài, sự lật đổ hay ép buộc; và giải quyết sự khác biệt hay các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Những nguyên tắc này nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ quyền tất cả các quốc gia, và đồng hành cùng với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Indo-Pacific tự do và cởi mở. Trong lúc Mỹ duy trì những hoạt động phù hợp với Brunei, Lào và Campuchia, Mỹ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội tăng cường quan hệ quốc phòng khi điều kiện cho phép.
BRUNEI
Quan hệ quân sự là phần quan trọng nhất trong quan hệ song phương Mỹ-Brunei. Chính phủ Brunei luôn chào đón quan hệ quân sự đang phát triển với Mỹ và các nước có cùng lợi ích, bao gồm tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải (MDA).
Trong năm 2018 hải quân Brunei đã cùng tham gia vào cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) và thỏa thuận song phương Huấn luyện và hợp tác sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT), bộ binh hoàng gia Brunei đã cùng với bộ binh mỹ thực hiện cuộc tập trận đầu tiên mang tên Pahlawan Warrior tại Brunei.
Trong năm 2019 Mỹ và Brunei sẽ cùng đồng tổ chức hội nghị đa phương Hợp tác đối phó các thử thách xuyên quốc gia (CATT). Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp để mở rộng hợp tác quân sự giữa hai nước, bao gồm hình thức tăng cường chia sẻ thông tin.
LÀO
Nằm ở vị trí chiến lược ngay trung tâm ASEAN và vùng phụ cận sông Mekong, Lào có nhiều cơ hội để mở rộng các hoạt động an ninh, kinh tế và ngoại giao.
Trung Quốc đang tăng cường tập trung vào Lào bằng các nỗ lực mở rộng ảnh hưởng chiến lược thông qua những khoản đầu tư có vốn vay lớn, đặc biệt ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng.
Tuy nhiên, Lào đang thận trọng để tránh quá phụ thuộc và đang nỗ lực đa dạng hóa các đối tác và các lựa chọn. Cùng lúc đó, Lào đang trải qua sự chuyển dịch cơ cấu dân số khá lớn, với phần lớn dân số dưới 35 tuổi, đây là cơ hội vàng để có được một thế hệ mới và có tầm nhìn hướng ngoại.
Trong quân sự, Lào ưu tiên Việt Nam, Nga, ở mức độ thấp hơn là Trung Quốc, như là những đối tác an ninh chính. Cùng lúc đó, quân đội Lào đang từng bước mở rộng các hoạt động quốc tế, đầu tiên là với ASEAN và ở mức độ thấp hơn là các nước trong khu vực như: Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.
Mỹ ủng hộ các hoạt động giúp Lào hội nhập vào ASEAN, ví dụ như hiện đại hóa quốc phòng, khả năng trao đổi thông tin, thành thạo kỹ năng tiếng Anh, và tôn trọng trật tự thế giới dựa trên các nguyên tắc. Cùng lúc đó, Mỹ đang làm việc để cùng nhau vượt qua các di chứng của cuộc chiến tranh Việt Nam và đặt mục tiêu kết thúc trong tự hào các hoạt động phục hồi thuộc chương trình Hành động vì tù nhân mất tích trong chiến tranh (POW/MIA), và vào năm 2030 Lào sẽ không còn bị ảnh hưởng bị các vũ khí chưa phát nổ của Mỹ.
CAMPUCHIA
Bộ quốc phòng Mỹ đang nỗ lực xây dựng quan hệ quân sự hiệu quả với Vương quốc Campuchia để có thể bảo vệ chủ quyền, nâng cao tính chuyên nghiệp trong quân đội và giúp đỡ Campuchia trở thành nước có trách nhiệm và có khả năng đóng góp cho an ninh khu vực.
Đầu năm 2017, Campuchia đã tạm hoãn tất cả các cuộc tập trận chung với Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ-Campuchia vẫn tiếp tục hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo (HMA), nghiên cứu y tế và thông tin lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA).
HỒI SINH CÁC HOẠT ĐỘNG Ở QUẦN ĐẢO THÁI BÌNH DƯƠNG
Mỹ đang hồi sinh các hoạt động ở quần đảo Thái Bình Dương để giữ gìn một khu vực Indo-Pacific tự do và cởi mở, duy trì quyền tiếp cận, và nâng cao vị thế của Mỹ để các nước khác tin tưởng chọn Mỹ làm đối tác an ninh. Quần đảo Thái Bình Dương khác biệt với các khu vực khác trong Indo-Pacific do các nước có diện tích tương đối nhỏ, vị trí địa lý đặc biệt, và những thách thức để nâng cao thịnh vượng kinh tế.
Là một quốc gia Thái Bình Dương, Mỹ xem quần đảo Thái Bình Dương rất quan trọng trong chiến lược của Mỹ bởi những giá trị, lợi ích và cam kết chung, bao gồm đảm bảo an ninh với các nước liên kết tự do (FAS). Lợi ích chung với quần đảo Thái Bình Dương nhấn mạnh bốn điểm quan trọng trong khu vực.
Một là, cùng nhau chia sẻ lịch sử lâu dài, được hình thành từ những cam kết và ủng hộ trong thế chiến II, từ đó thúc đẩy Mỹ phải tiếp tục với các cam kết mới hơn.
Hai là, Mỹ tin tưởng mạnh mẽ rằng việc tôn trọng sự an toàn, an ninh, thịnh vượng, tự do và cởi mở cho khu vực Indo-Pacific phải đảm bảo chủ quyền cho các nước nhỏ.
Ba là, Mỹ hướng đến tập trung vào xây dựng năng lực và tính cơ động để giải quyết các vấn đề về an ninh hàng hải trong tuyên bố Boe 2018 (Boe Declaration) như: đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và quản lý đầy đủ; buôn lậu ma túy; linh động trong giải quyết biến đổi khí hậu và ứng phó thảm họa.
Bốn và cuối cùng là, Mỹ cam kết tiếp tục các hoạt động tại khu vực bằng việc tái khẳng định và khôi phục lại các quan hệ đối tác.
Trong quần đảo Thái Bình Dương, có 3 nước có quân đội gồm: Papua New Guinea, Fiji và Tonga. Mỹ làm việc với mỗi nước để ủng hộ cải thiện năng lực trong khuôn khổ hợp tác quân đội, và nhất quán với phương pháp lấy đối tác làm trung tâm, thường là hỗ trợ những nỗ lực từ các đồng minh và đối tác như Úc và New Zealand.
Nước Mỹ có quan hệ đặc biệt với các nước liên kết tự do (FAS). Thỏa thuận liên kết tự do (COFA) là những thỏa thuận mang tính chất hiệp ước nhằm hỗ trợ tài chính và an ninh đối với Liên bang Micronesia (FSM), quần đảo Marshall và Cộng hòa Palau. Những nước này có quan hệ sâu sắc với Mỹ, là những đối tác quan trọng và lâu năm của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Sự ủng hộ an ninh của Mỹ dành cho quần đảo Thái Bình Dương thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều đảo quốc Thái Bình Dương tham gia vào các cuộc tập trận khu vực và các sự kiện huấn luyện khác nhau, bao gồm các cuộc tập trận Koa Moana và Pacific Pathways của Bộ Tư lệnh Indo-Pacific của Mỹ (USINDOPACOM).
Mỹ đã gia tăng số chuyến thăm của các tàu và thực hiện thỏa thuận “shiprider”. Mỹ cũng đang tăng cường ủng hộ xây dựng năng lực ở quần đảo Thái Bình Dương, bao gồm gói tài trợ quân đội nước ngoài (FMF) trong năm 2018 trị giá ít nhất là 7 triệu đô la Mỹ để ủng hộ Papua New Guinea, Fiji và Tonga. Hơn nữa, Mỹ đang làm việc với Palau để tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải (MDA) nhằm nâng cao năng lực thực hiện luật hàng hải của Palau.
Nhóm dịch giả
#indopacifictiengviet
Không có nhận xét nào