Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Lại bàn thêm chút xíu về vương quốc Chân Lạp nửa đầu thế kỷ 17

Lại bàn thêm chút xíu về vương quốc Chân Lạp nửa đầu thế kỷ 17 Một luận điểm của vài nhà nghiên cứu Việt Nam (hoặc có thể là ngoại quốc) là ...

Lại bàn thêm chút xíu về vương quốc Chân Lạp nửa đầu thế kỷ 17

Một luận điểm của vài nhà nghiên cứu Việt Nam (hoặc có thể là ngoại quốc) là vào thế kỷ 17, vương quốc Chân Lạp khá là yếu kém về mặt quân sự (và chắc là cả về mặt kinh tế).

Nhưng mình càng đọc nhiều dữ liệu ngoài này, càng nhận thấy rõ là ít nhất vào cuối thế kỷ 16 và nửa đầu thế kỷ 17, vương quốc Chân Lạp là một nơi thương mại quốc tế mà còn đó những sử liệu ghi chép lại về những cộng đồng người Mã Lai, Nhật Bổn, Hoa, Xiêm, Tây Ban Nhà, Bồ Đào Nha, Việt sống chung với nhau, và nhiều người trong số họ còn nắm giữ cả những chức vụ to trong triều đình Chân Lạp.  Và khi ta so lại với thời kỳ này, thì cuối thế kỷ 16 là lúc mà ở Đại Việt, Trịnh Mạc đang đánh nhau dữ dội, và chúa Nguyễn Hoàng chỉ mới về lại Thuận Hóa mà thôi, mãi đến thời chúa Sãi, thì sự lớn mạnh về mặt quân sự lẫn kinh tế mà chúng ta được biết đến.  Nên khi ta so về phương diện cộng đồng quốc tế, thời bấy giờ Chân Lạp là nơi hội tụ quốc tế, trong khi Đại Việt vẫn chỉ là chiến trường nơi người Việt nội chiến lẫn nhau.  Do vậy, nếu Chân Lạp là một nơi hội tụ quốc tế, chắc Chân Lạp không thể nào là một vương quốc yếu kém lắm đâu nhỉ ? 

Và nếu bạn đọc về những cuộc chiến tranh giữ nước thời kỳ này của người Chân Lạp, họ chạy đôn chạy đáo, nhờ vả đủ mọi người cả, và họ đã huy hoàng mà có vị quốc vương Chey Chetta II, vào khoảng năm 1618 hay 1619, không thần phục Xiêm La và đánh bại luôn quân Xiêm xâm lược đó chứ.

Rồi khi vua Chey Chetta II mất vào năm 1628 đến năm 1642, quân Xiêm chưa bao giờ đem quân xâm lược Chân Lạp cả.  Để rồi đến năm 1642, có vị hoàng tử con vua Chey Chetta II, đã soán ngôi vua, trở thành vua Chân Lạp đạo Hồi duy nhất, và ông này nổi tiếng hung ác và oai hùng nhất, ông đã đánh bại đoàn thuyền 5 chiếc của công ty VOC Hà Lan bằng cách dụ địch vào bẫy, mà xem ra khi bạn so với thời chúa Nguyễn đánh người Hà Lan trận cảng EO năm 1643, trận đánh của người Chân Lạp này không hẳn là thua kém oai hùng so với trận đánh của Đại Việt.

Nên làm thế nào mà các nhà nghiên cứu lại cho rằng Chân Lạp thế kỷ 17 (mà nói cho chính xác hơn là nửa đầu thế kỷ 17), là yếu kém về mặt quân sự nhỉ ? 

Chắc chắn là Chân Lạp vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, không thể nào mạnh như thời Angkor trước đó, nhưng đã có sử liệu nào cho chúng ta biết là cuối thế kỷ 16 (sau trận 1594 Chân Lạp bị đánh cho tan nát, nhưng họ lập lại triều đình năm 1603) cho tới giữa đầu thế kỷ 17, Chân Lạp là yếu về quân sự không ? Mình chỉ nhìn vào thời vua Chey Chetta II đánh bật quân Xiêm, rồi thời 2 con ông sau đó cho tới tận năm 1642, không hề có quân Xiêm nào xâm lược, và khi vua đạo Hồi Nặc Ông Chăn trị vì từ 1642 đến 1658, hoàn toàn không có sự xâm lược của ai cả, và người Hà Lan bị đánh thua hẳn một trận còn để lại đời, thì chắc là Chân Lạp chưa thể nào ta nói là yếu lắm đâu đúng không ? 

Như vậy giai đoạn nửa đầu thế kỷ 17 (nếu ta tính từ năm 1603 đến năm 1658), thì với những sử liệu hiện có, chúng ta chỉ có thể kết luận rằng Chân Lạp là một quốc gia độc lập, đánh bại các đội quân xâm lược (Xiêm và Hà Lan), chứ chưa bao giờ là yếu ớt gì cả.  Yếu ớt so với thời Angkor trước thì chắc rồi đó, nhưng có yếu thiệt là yếu, dạng yếu hơn Đàng Trong NHIỀU, thì chắc không hẳn đâu.  Không hiểu thầy Đình Cơ có đồng ý không ?

Và đáng ngờ hơn nữa, là nếu ta đọc dữ liệu thuyền mành Nhật Bổn (tosen reports) đến các quốc gia Đông Nam Á vào nửa đầu thế kỷ 17, thì hóa ra thưa các bạn, giai đoạn từ năm 1601-1635, theo sách Nguyen Cochinchina, thì tới Đàng Trong là 70, đến Chân Lạp là 44, đến Xiêm là 56, và đến Đàng Ngoài chỉ là 36 mà thôi.  Như vậy, điều này cho ta thấy, chắc là kinh tế Chân Lạp thời này, không hẳn là kiệt quệ hay là vắng bóng thương mại đâu đúng không ? Và nếu chúng ta đọc luôn dữ liệu Tường Trình Thuyền Mành phần Cambodia, thì hóa ra vào những năm 1646 đến những năm 1658 (tức là thời vua Nặc Ông Chăn), thì Chân Lạp có tới 33 chuyến thuyền mành Nhật Bổn ghé quá, trong khi đó ở Xiêm chỉ có 12 chiếc thuyền mành ghé qua mà thôi.

Như vậy, với dữ liệu thuyền mành như thế này, thì nó nói lên gì về nền kinh tế Chân Lạp thời bấy giờ ? Chắc là ít nhất thời 1601-1635, Chân Lạp kém Xiêm, nhưng đến 1642-1658, Chân Lạp hơn hẳn Xiêm về thương mại thuyền mành.  Với thông tin dữ liệu như thế này, chúng ta có thể nói rằng nền kinh tế Chân Lạp thời bấy giờ là kiệt quệ hay yếu kém không ?

Còn về sau đó, khi vua Nặc Ông Chăn đã bị người Việt bắt năm 1658 trở đi, thì đó lại là một giai đoạn khác.  

Nhưng ở đây, mình muốn nêu lên câu hỏi là, liệu các nhà nghiên cứu có đủ sử liệu và dữ liệu để mà chứng minh rằng nửa đầu thế kỷ 17, Chân Lạp yếu kém về quân sự lẫn kinh tế không ? 

Và bạn đừng quên là, khi nhìn về Đàng Trong lúc này, tức là nửa đầu thế kỷ 17, mặc dù nền thương mại hàng hải rất phát triển, nhưng triều đình Đàng Trong chắc là phải bỏ ra khá nhiều công khố, tiền tài, sức người để ngăn chặn những cuộc chiến tranh với họ Trịnh.  Nên nếu chúng ta để hai quốc gia Chân Lạp và Đàng Trong lên bàn cân, liệu có chắc là Đàng Trong vào nửa đầu thế kỷ 17, hơn hẳn Chân Lạp về quân sự và kinh tế không ? Chân Lạp có những người Âu chắc là biết kỹ thuật quân sự Âu, lẫn người Nhật, người Mã Lai, người Hoa, người Việt đầy trong triều đình đó chứ, và Chân Lạp đâu có phải chịu sự nội chiến hay xâm lược nào ngoài vụ quân Xiêm vào thời vua Chey Chetta II và quân Hà Lan vào những năm đầu 1640s, và tiền của Chân Lạp đổ vào các cuộc chiến này chắc là không thấm vào đâu so với những gì các chúa Nguyễn bỏ ra để chống quân Trịnh.  Nên nếu ta đặt cả 2 quốc gia này lên cân, chắc là khi đó, tức là vào nửa đầu thế kỷ 17, cả hai quốc gia đều là kẻ tám lạng, người nửa cân mà thôi, chứ làm gì có sự chênh lệch rất nhiều hay ví dụ các nhà nghiên cứu Việt Nam viết túa lên là kinh tế Đàng Trong và quân sự Đàng Trong rất phát triển, nhưng trong khi đó viết về Chân Lạp, là một quốc gia yếu về quân sự và kinh tế, trong khi đó các nhà nghiên cứu này hoàn toàn không hề có sử liệu hay dữ liệu gì để chứng minh những gì đã xảy ra tại Chân Lạp vào nửa đầu thế kỷ 17 cả ?

Thanks

Brian



Không có nhận xét nào