Lại về cụ Đào Duy Từ Trước đây mình có viết vài bài nêu lên về sự vô lý trong hành trạng của ngài Đào Duy Từ mà sử Việt còn để lại. Nay lại...
Lại về cụ Đào Duy Từ
Trước đây mình có viết vài bài nêu lên về sự vô lý trong hành trạng của ngài Đào Duy Từ mà sử Việt còn để lại. Nay lại đọc thêm về thuyết bà mẹ của ngài tại đây >> https://phunuvietnam.vn/kho-bau/nguoi-me-tron-doi-vi-con-cua-danh-nhan-dao-duy-tu-post26068.html, mình lại còn ngạc nhiên hơn nữa.
Nên mình xin viết thêm luôn vài câu hỏi dành cho các fans của cụ Đào Duy Từ:
1. Người phụ nữ này lấy chồng là một kép hát nổi tiếng trong vùng (xem câu "Về quê, ông theo một giáo phường học nghề đàn hát, chẳng bao lâu trở thành một kép hát nổi tiếng trong vùng."). Nếu đúng là vậy, thì làm thế nào mà ông xã trưởng dê xồm, sau này lại dám nhận lời đổi họ Đào thành họ Vũ cho chàng thanh niên Đào Duy Từ đi thi nhỉ ? Nếu ngài Đào Duy Từ là con của một kép hát nổi tiếng trong vùng, thì đến đời ông tổ của ông xã trưởng dê xồm này cũng không dám mạo muội mà làm bậy lý lịch, vì cả vùng người ta đều biết mà báo quan liền, chứ làm gì phải đợi tới cụ xã trưởng dê xồm này đi báo quan nhỉ ?
2. Rồi sau khi ngài Đào Duy Từ đậu Á Nguyên, do bà mẹ ngài không chịu làm lẽ, nên viên xã trưởng này lại đi báo quan. Thế có là sự nực cười không ? Có ai làm bậy vụ việc nghiêm trọng như thế này mà còn đi báo quan không ? Thi cử thời xưa nghiêm chỉnh đến vậy, triều đình mà phát hiện ra có sự bậy, sẽ phạt thật nặng. Thế ông xã trưởng dê xồm này làm thế nào, mà chỉ vì con lợn lòng của ông không được thỏa mãn, mà lại đi báo quan cho việc động trời ông ta đã làm như thế này ?
3. Mà theo vài sử liệu còn lại, là ngài Đào Duy Từ ghi danh đi thi mà không được cho đi thi vì là con phường chèo đấy chứ (ví dụ theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên "Năm ấy có khoa thi hương ở Thanh Hoa, Hiến ty cho Duy Từ là con phường chèo, tước bỏ không cho vào thi"). Làm gì có việc ngài đậu luôn tới Á Hương qua vài kỳ thi nhỉ ?
4. Và chúng ta xưa nay cũng chả ai hỏi, là làm thế nào, mà vào năm 1626, chúa Sãi đã ra lệnh cho em trai mình là ngài Tôn Thất Khê thay mặt nhà Chúa trông coi triều đình. Đại Nam Thực Lục còn ghi rõ là "Bính dần năm thứ 14 [1626] ... Gia cho Chưởng cơ Tôn Thất Khê (con thứ 10 của Thái tổ) làm Tổng trấn Tường quận công. Bấy giờ chúa tuổi đã cao, việc quân quốc phần nhiều sai Khê quyết định, duy có án nặng tử tù, sau khi Phước xét, thì đợi chúa quyết định.". Và ở Quảng Nam, thì con trai của chúa Sãi là ngài Nguyễn Phước Kỳ, đang là trấn thủ Quảng Nam lẫy lừng, từ năm 1614 (cho tới khi ngài Kỳ này bị bệnh mất vào năm 1631). Ấy thế mà ông khám lý Hoài Nhân là Trần Đức Hòa ở Quy Nhơn nào đấy, ngay trong năm 1627, lại đi thẳng 1 đường từ Quy Nhơn mà giới thiệu ngài Đào Duy Từ cho chúa Sãi, không hề qua ngài Kỳ trấn thủ Quảng Nam, hay ngài Khê, người đang tạm thời trông coi việc triều đình thay mặt chúa Sãi ? Việc làm như thế là hơi có vấn đề đúng không bạn ? Chả lẽ 2 người nổi tiếng đang nắm giữ đất nước và rất có thể trong tương lai như thế này, cụ Khám Lý dám bỏ qua mà đi thẳng nói chuyện với chúa Sãi sao ?
5. Và đáng ngờ nhất, là chúng ta biết, còn có chứng cớ trong sử, là khi một kẻ sĩ nổi tiếng của thời Minh mạt là Chu Thuấn Thủy, qua Đàng Trong từ những năm 1646-1658, bị triều đình Đàng Trong xem thường, chỉ vì không có bằng cấp gì cả, dù ông này là một người cực kỳ nổi tiếng bên Trung Hoa. Triều đình Đàng Trong đối xử với ông ta tệ đến nỗi, ông bỏ cả xứ Đàng Trong mà qua Nhật Bổn, và giúp biết bao nhiêu cho Nhật Bổn bên đó, giờ mộ còn được giữ gìn. Thế thì một anh chàng phường chèo như Đào Duy Từ, chỉ làm chăn trâu ở Quy Nhơn, thì có gì để mà chúa Sãi đọc chỉ có bài văn Ngọa Long Cương Vãn đấy mà cho là nhân tài nhỉ ?
6. Và dĩ nhiên, cũng chưa có nhà nghiên cứu Hán Nôm nào đã viết thử một bài phân tích cho chúng ta biết, là bài thơ Nôm Ngọa Long Cương Vãn ấy của ngài Đào Duy Từ có đúng là .. của người thời ấy không ? Mình chỉ được đọc bài này qua bản Quốc Ngữ ở đây >> https://www.thivien.net/%C4%90%C3%A0o-Duy-T%E1%BB%AB/Ngo%E1%BA%A1-Long-c%C6%B0%C6%A1ng-v%C3%A3n/poem-rRDzJMSRqaDMbWpQsvyNBg, mà đã đặt câu hỏi "Ô hay, làm thế nào mà giọng văn trong ấy lại giống như giọng văn của những nhà nghiên cứu thế kỷ 20, sau khi Quốc ngữ đã được cập nhật lại khá hoàn chỉnh nhỉ ?".
Mà các bạn có muốn biết thời ấy văn Nôm ra sao không ? Đây, mời bạn đọc một bài Hịch dụ bốn phương Cần Vương đánh Tây Sơn, mà thời xưa cụ Hoàng Xuân Hãn đã nghiên cứu, tại đây >> https://nhatbook.com/wp-content/uploads/2018/12/Nhatbook-Tap-san-su-dia-so-25-1973.pdf.
Bạn đọc có thấy giọng văn trong ấy nó mượt mà như giọng văn trong Ngọa Long Cương Vãn không ? Mà đây là vào gần cuối thế kỷ 18 giọng văn còn như thế, thì làm thế nào mà đầu thế kỷ 17, tiếng Việt trong bài Ngọa Long Cương Vãn mượt mà thế bạn nhỉ ?
Mà hình như tới luôn thời cụ Alexandre de Rhodes sau này, lúc đó tiếng Việt còn phát âm bl thay cho tr, như blời thay vì là trời mà, nên làm thế nào mà giọng văn Ngọa Long Cương Vãn mượt mà, với đủ thứ vua, chúa, trời đất trong đấy thế bạn nhỉ ?
Nên những gì liên quan đến ngài Đào Duy Từ này, xem ra chúng có rất nhiều vấn đề về logics. Nhưng không hiểu tại sao xưa nay cả mấy trăm năm nay không ai hỏi nhỉ ?
Mà chúng ta cứ tin hoài như thế, không biết hành trạng cụ Đào Duy Từ, có thể trở thành truyền thuyết Hùng Vương, rồi sau này các cụ nhà giáo bên Việt Nam, ép con trẻ phải tin, vì "đó là dư âm của dân tộc mình, là sự tự hào của lịch sử Việt" không ?
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào