Thiếu lương thiện trong diễn giải về "kỵ húy", đã dẫn đến hệ lụy là: LÀM TỔN HẠI BẢN SẮC NGÔN NGỮ VÙNG MIỀN ! Chúng ta đều biết tớ...
Thiếu lương thiện trong diễn giải về "kỵ húy", đã dẫn đến hệ lụy là:
LÀM TỔN HẠI BẢN SẮC NGÔN NGỮ VÙNG MIỀN !
Chúng ta đều biết tới danh tiếng cụ Huỳnh Thúc Kháng (黃叔沆), ở đây chữ 黃 được gọi rõ rành là "Huỳnh"! Mở ngoặc: cũng chữ 黃 này, bên Hương Cảng đọc "Wong", đây chính là họ của chàng trai Joshua Wong, thành thử dịch đúng là "Huỳnh" (Chi Phong). Nhưng có người vẫn cố biện bạch gọi "Hoàng (Chi Phong)" không sai, vì "Hoàng" hay "Huỳnh" như nhau.
Ồ, nếu vậy, thay vì gọi "Huỳnh Thúc Kháng", có giỏi thì sửa thành "Hoàng Thúc Kháng" đi, nhắm coi có được không?
/1/ Sở dĩ có lối đánh đồng "Huỳnh"/"Hoàng" là bởi người ta viện dẫn tới tập tục "kỵ húy", kiểu như ri. "Kỵ húy", nghĩa là kiêng không được đặt tên giống với tên thật (và cả tên đệm) của bậc vua chúa đời xưa (thậm chí có lúc qui định không được đặt tên giống với tên thật của con, cháu nhà vua) nên phải đổi, đọc khác đi.
Chẳng hạn, người ta cho rằng ở Đàng Trong (gồm nhiều tỉnh miền Trung, và miền Nam) do kỵ húy tên "Hoàng" của chúa Nguyễn nên đổi sang "Huỳnh"; do kỵ húy tên "Chu" cũng dưới thời chúa Nguyễn nên đổi sang "Châu"... Để rồi cho rằng cần phải sửa lại họ tên thành "Hoàng", "Chu", vậy mới "đúng gốc".
Như trường hợp cụ Phan CHÂU Trinh 潘 周 楨. Lúc sinh thời cụ viết rành rành là "Châu", nhưng... sau này nhiều nơi tùy tiện đổi thành "Phan Chu Trinh" - mặc dù gia đình của cụ đã thỉnh nguyện làm ơn làm phước giữ lại đúng cách gọi/cách đặt tên của cụ là "CHÂU".
/2/ Kể chuyện này cho nghe. Dưới thời vua Mạc Phúc Nguyên ở ngoài Bắc, do kỵ húy tên "Nguyên" của vua nên huyện Phú Nguyên (Hà Tây) phải đổi thành "Phú Xuyên"; Bình Nguyên (Vĩnh Phú) phải đổi thành "Bình Tuyền" rồi "Bình Xuyên".
Hiện nay cái tên "Bình Xuyên", "Phú Xuyên" vẫn được giữ rịt!
Ủa, tại sao ở ngoài Bắc không sửa cái tên "Xuyên" - do kỵ húy - trở lại "Nguyên" cho đúng gốc?
Trong khi đó, đối với người trong Nam thì bị sửa, chẳng hạn, "Châu" được cho là do kỵ húy nên cần phải viết trở lại là "Chu" cho... đúng (chú thich: "Chu" là cách gọi quen thuộc của người ngoài Bắc).
/3/ Người trong Nam dùng chữ "kiểng". Và rồi, được giải thích gọi vậy là do kỵ húy tên "Cảnh" (tên của hoàng tử con vua Gia Long). Ồ, nếu đã ban hành qui định "kỵ húy" thì phạm vi áp dụng phải trên toàn quốc (bởi vua Gia Long của Nhà Nguyễn cai trị cả nước). Nhưng, sao ngoài Bắc vẫn gọi "cảnh", chẳng sao hết? Còn người trong Nam có cách gọi đặc trưng vùng miền rất độc đáo là "kiểng", nhưng lại bị giải thích rằng đó là cách gọi ... không đúng, là gọi trệch đi... do "kỵ húy".
Tập tục kỵ húy được ban hành lần đầu tiên trong lịch sử VN là dưới thời vua Trần Thái Tôn, vào năm 1232. Tên húy của vua Trần Thái Tôn là Trần Cảnh. Nghĩa là kỵ húy nghiêm ngặt đối với chữ "cảnh", ở ngoài Bắc thời xưa kia đổi sang chữ gì để gọi thay cho "cảnh" rứa hè?
Hoặc vua Mạc Phúc Nguyên. Kỵ húy chữ "Nguyên" (nêu ở /2/), còn tên đệm "Phúc" của nhà vua cũng kỵ húy. Bấy lâu nay ta thường nghe giải thích cho rằng người trong Nam gọi "Phước" là do kỵ húy "Phúc" (tên của chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong). Vậy, ở ngoài Bắc thời xưa kia cũng kỵ húy "Phúc" (vua Mạc Phúc Nguyên), họ đổi sang chữ gì để gọi thay cho "Phúc" rứa hè?
/4/ Ở đây, tôi nêu lên sự lắt léo ngoài Bắc xưa kia phải đổi sang chữ gì để gọi khi kỵ húy chữ "cảnh" (Trần Cảnh), kỵ húy chữ "phúc" (Mạc Phúc Nguyên)... Và, tôi nêu trường hợp chữ "Xuyên" ở ngoài Bắc thời xưa kia là chữ kỵ húy (dùng thay cho chữ "Nguyên") nhưng vẫn được dùng cho tới hiện nay.
Để chi? Đây mới là điều quan trọng: kho tàng từ vựng (lẫn phát âm) của TIẾNG VIỆT hiện nay không mắc gì phải đi "soát xét" những chữ kỵ húy để loại trừ (chưa kể không phải là "kỵ húy" nhưng vẫn gán ép là do "kỵ húy"...), bởi vì - NÊN NHỚ - hết thảy đều đã đi vào sinh hoạt ngôn ngữ thông dụng của người dân.
Bởi vậy, tôi gọi những kẻ diễn giải về "kỵ húy" nhằm phục vụ cho ý đồ tùy tiện sửa đổi là THIẾU LƯƠNG THIỆN, làm tổn hại đến bản sắc ngôn ngữ vùng miền!
/5/ Đó là chưa kể ngôn ngữ được mở rộng, đa dạng hơn.
Tỉ dụ, cả người trong Nam lẫn ngoài Bắc đều gọi ngôi vua là "HOÀNG" 皇 (hoàng đế 皇 帝).
Người ngoài Bắc cũng vẫn gọi "HOÀNG" với nghĩa "màu vàng" (黄). Nhưng, ở đây, người trong Nam đã mở rộng thêm cách gọi: "màu vàng" 黄 được gọi là "HUỲNH", như gánh hát "Huỳnh Kỳ" (cờ vàng) của Bạch Công tử với Cô Bảy Phùng Há tài danh.
(黄: họ "Huỳnh" đối với người Đàng Trong / họ "Hoàng" đối với người Đàng Ngoài. Người trong Nam đồng thời vẫn có họ "Hoàng" - không "kỵ húy" gì ráo trọi - nhưng dùng ký tự 皇, viết khác với họ "Hoàng" 黄 của Đàng Ngoài)
Càng mở rộng nhiều cách gọi, lối viết khác nhau, càng phong phú cho kho tàng TIẾNG VIỆT.
Nguyễn Chương MT
----------------------------------------------------------------------
* Mời bạn đọc: TRANH ĐẤU BẢO VỆ BẢN SẮC NGÔN NGỮ: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/751693065264676
Hình ảnh: (phải) HUỲNH Thúc Kháng; (trái) Phan CHÂU Trinh.
Không có nhận xét nào