Người Gia Định xưa có dùng từ Tư Yêu để mà gọi món Cật Heo như cụ Trịnh Hoài Đức chép ra không ? Theo 3 bản dịch Nguyễn Tạo, Đào Duy Anh, và...
Người Gia Định xưa có dùng từ Tư Yêu để mà gọi món Cật Heo như cụ Trịnh Hoài Đức chép ra không ?
Theo 3 bản dịch Nguyễn Tạo, Đào Duy Anh, và Lý Việt Dũng, thì trong bộ Gia Định Thành Thông Chí quyển 4 Phong Tục Chí phần Phong tục của toàn thành, thì cụ Trịnh Hoài Đức có chép là
****
Người ở đây nói tiếng địa phương thường hay pha tiếng Tàu, tiếng Cao Miên, người nghe tập quen lần rồi tự biết, mà không để ý phân biệt chỗ khác lạ được một cách rõ ràng. Như quát mãi (mua sỉ) thì nói là óa; khi trám (lừa phỉnh) thì nói là khí xổ; ấp tạ (vái chào) thì nói là xá; phốc tái (chở bằng ghe chài lớn) thì nói là bốc chài; thi (là cái muỗng) thì nói là thưng xỉ; đối trừ (khấu trừ) thì nói là tụi; phiến trụy (cái rụi (tua) treo ở cán quạt) thì nói là xí tụi; thải nghi (khúc lụa màu) thì nói là xái kỷ; trư đỗ (bao tử heo) thì nói là tư tấu; TRƯ THẬN (CẬT HEO) THÌ NÓI LÀ TƯ YÊU; miến tuyến (sợi miến) thì nói là mỳ xọa (xụa), ấy là nói theo tiếng của người Tàu. Còn như sang sông thì gọi tầm long; chủ sự thì nói là tằng khạo; thần thuyền là thần dục; cái bao nhỏ thì nói là cà ròn ; đối trừ (sang nợ qua) thì nói là gật, ấy là nói theo tiếng Cao Miên. Những tiếng ấy người ở nơi khác đều không biết. Các tiếng loại này còn rất nhiều, đây chỉ đơn cử ra để nêu sự lạ mà thôi.
****
Mình thì không biết các chữ trên có đúng là người Gia Định xưa phát âm như thế không, nhưng mình biết chắc là chữ Cật Heo (Pork Kidney 豬腰), không bao giờ có vụ người Việt phát âm Tư Yêu 司夭 cả. Mà đáng ra, họ sẽ phát âm là Chía Díu 豬腰 / 司夭 theo giọng Quảng Đông.
Tại sao mình biết, tại vì mình đã gặp ở Việt Nam, và ở bên Mỹ này rất là thường xuyên luôn, người ta vô tiệm người Tàu mà kêu món này, từ người Việt cho tới người Tàu, đều dùng 豬腰 hay Chía Díu hay Pork Kidney, hay tệ lắm là Xí Yếu. Chưa ai gọi "chị cho tui tô Tư Yêu" mà người bán hiểu là món Cật Heo cả.
Như vậy, khi ngài Trịnh Hoài Đức viết câu về Cật Heo này, chắc là ông chưa bao giờ viết theo nghĩa đen là người Việt vô quán ăn người Tàu mà gọi món "Tư Yêu" nào cả. Nên đáng ra ở đây, các dịch giả phải diễn nghĩa là "Cật Heo thì nói là Chía Díu" rồi chú thích Chía Díu 司夭 là đọc theo 豬腰 giọng Quảng Đông, chứ không thể nào mà đánh đố độc giả bằng cách dịch "Cật Heo thì nói là Tư Yêu" như các thầy đã dịch ra như thế cả.
Nên về món Cật Heo trong đoạn văn này, chắc bạn có đọc, xin đừng nghĩ là người Việt Gia Định xưa khi đi ăn món người Tàu, ngồi xuống ghế, rồi quắt tay kêu a chẩy, "a chẩy à, cho qua món Tư Yêu nghen". Không có đâu há.
Và các cách đọc khác trong này bạn có thể đi hỏi thêm những người khác. Vì có khi nhìn mặt chữ Hán ngữ, nhưng khi dịch, phải dịch như cách người ta phát âm, chứ không thể dịch theo âm Hán Việt mà chúng ta thường biết.
Mình viết bài này vì trời California trưa nay đẹp quá, nên viết để sau này có cùng cô Hán Nôm dạy con, cô không đem đoạn này ra dạy con, rồi lại cãi là thời xưa cụ Trịnh Hoài Đức có viết người Việt mình ở Gia Định có kêu món "Tư Yêu" như thế, sao bây giờ anh lại nói em dạy con sai. Hớ hớ.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Tháng 9 năm 2019 Califorinia
Brian
Không có nhận xét nào