[ NGUỴ BIỆN TÔN GIÁO - ĐÚNG HAY SAI? ] Khi nói đến nguỵ biện thì chúng ta thường nhắc đến những lỗi như: đả kích cá nhân, đánh tráo khái niệ...
[NGUỴ BIỆN TÔN GIÁO - ĐÚNG HAY SAI?] Khi nói đến nguỵ biện thì chúng ta thường nhắc đến những lỗi như: đả kích cá nhân, đánh tráo khái niệm, hai sai thành một đúng hoặc nguỵ tạo thống kê. Nhưng đọc nhiều bài viết thì có thêm một loại nữa ít ai dám nói đến, đó chính là ‘Nguỵ Biện Tôn Giáo.’
Đây là chủ đề khá nhạy cảm vì liên quan đến tín ngưỡng của mỗi người. Vậy thế nào là ‘Nguỵ Biện Tôn Giáo’?
1) Đó là khi một cá nhân sử dụng giáo lý tôn giáo để biện hộ cho một hành động hoặc quan điểm nào đó - thay vì áp dụng logic và chứng cứ.
2) Khi áp dụng, người thực hiện bác bỏ tất cả những lý luận khoa học hoặc tự nhiên. Theo cách giải thích của họ, giáo lý luôn đúng và có vị thế độc tôn.
3) Thay vì trích dẫn số liệu, nguồn nghiên cứu hoặc logic - họ lại trích những câu trong kinh thánh (không phân biệt hay đề cập tới riêng tôn giáo nào, mà nói chung).
Niềm tin là một điều rất đáng quý và cần được tôn vinh. Nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống con người. Nhưng khi nó vượt qua giới hạn quan điểm cá nhân, khi nó bị lạm dụng để biện hộ và khi nó được áp dụng một cách mù quáng thì sẽ dẫn đến nhiều vấn đề.
1) Nó làm cho con người mất khả năng tư duy độc lập và suy luận bài bản. Vì khi giáo lý là chân lý thì tất cả những điều khác đều sai.
2) Nó khiến cho cá nhân đó không có cái nhìn toàn diện và đa chiều. Bạn có quan điểm của mình nhưng người khác cũng vậy. Thế giới không có chuyện độc tôn tư tưởng hoặc quan điểm.
3) Nó cho phép cá nhân đó lợi dụng tôn giáo để làm những việc không liên quan.
4) Nó cho phép người sử dụng núp sau vỏ bọc tôn giáo. Nếu họ tự nói thì có thể ít ai chấp nhận, nhưng khi dùng ‘Nguỵ Biện Tôn Giáo’ thì tự dưng trở thành điều hợp lý.
5) Nó dễ dùng để thao túng đám đông và tạo phương hướng sai lệch.
Nếu bạn là một người vô danh muốn phát triển thật nhanh thì dùng ‘Nguỵ Biện Tôn Giáo’ là cách hiệu quả nhất. Bạn không cần kiến thức, cũng chẳng cần bỏ thời gian tìm hiểu hoặc không cần cái nhìn đa điều - bạn chỉ cần sử dụng giáo lý để nguỵ biện. Quá dễ. Người trong tôn giáo đó cũng ít dám phản biện bạn dù biết bạn sai vì nó giống như đang phản đạo.
Cho nên lần sau nếu ai đó trích giáo lý để biện hộ cho quan điểm của mình, hãy tôn trọng họ nhưng đừng quên rằng họ đang sử dụng ‘Nguỵ Biện Tôn Giáo.’ Còn lại tuỳ thuộc vào quan điểm cá nhân bạn.
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Không có nhận xét nào