ĐÔ THỊ HÓA NHANH VÀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI Đan Phượng là đất ven đô, HN 2, mấy năm nay giá đất lên vùn vụt vì đô thị hóa. Mình để ý các vùng ven khi ...
ĐÔ THỊ HÓA NHANH VÀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Đan Phượng là đất ven đô, HN 2, mấy năm nay giá đất lên vùn vụt vì đô thị hóa. Mình để ý các vùng ven khi đô thị hóa quá nhanh dẫn đến người nông dân tự dưng thành tỷ phú với đất ông cha để lại rất dễ bị tha hóa về đạo đức.
Hẳn dân HN còn nhớ hồi 199x, làn sóng đô thị hóa HN đầu tiên, sau đổi mới, diễn ra ở khu vực quanh Hồ Tây, bây giờ đã lan tới các huyện cách trung tâm HN 40km. Việc đô thị hóa này đã biến nhiều người nông dân thành thị dân 1 cách cưỡng bức và cũng dễ dàng biến họ thành tệ nạn xã hội thậm chí thành tội phạm.
Người nông dân ít học thấy giá đất cao nên bán đất để ăn tiêu, đổi đời, họ mua sắm đồ đắt tiền, làm nhà, ăn chơi nghiện ngập, cờ bạc. Sau vài năm, nhiều người trong số họ trắng tay, không nghề nghiệp, không có nhà đất, thành gánh nặng cho xã hội khi tham gia đội quân thất nghiệp do ruộng đất không còn. Đây là vấn đề xã hội trong việc đô thị hóa.
Án mạng vì tranh chấp đất đai khó xảy ra ở những vùng quê nghèo, đất còn rẻ. Nhưng khi giá đất lên, nó có thế làm cho băng hoại đạo đức xã hội, khiến anh em giết nhau, đánh nhau, cãi nhau.
Tranh chấp đất đai ở nội đô HN còn khủng khiếp hơn ở ven đô nhiều lần. Mình là KTS, nên chứng kiến nhiều va chạm, tranh chấp khi làm nhà. Nhiều vụ hàng xóm không cho nhau trát tường vì trót xây phần thô hết đất. Nhưng ở HN ít có án mạng hơn là do dân trí cao hơn, nhận thức pháp luật của thị dân cao hơn nông dân.
Ở nông thôn cũng dễ xảy ra tranh chấp đất đai hơn do việc phân chia ranh giới không rõ ràng như ở đô thị. Anh em trong gia đình tranh chấp chủ yếu do bố mẹ chết đi không làm di chúc, hoặc chỉ nói mồm, hoặc người ta chia đất theo phong tục mà phong tục lại khác với pháp luật.
Ví dụ, theo phong tục, con gái không được chia đất, con trai trưởng được nhiều đất hơn con thứ, con đi lập nghiệp nơi xa thì có thể không được chia đất, chắc tính là đã bỏ xứ rồi! Nhưng theo pháp luật thì tất cả các con đều bình đẳng về quyền thừa kế, nếu bố mẹ không di chúc, kể cả con rơi.
Sự khác biệt đó cũng dẫn đến tranh chấp và người nông dân do không tin tưởng vào pháp luật nên thường tự phân xử bằng cách cãi chửi nhau hay đánh, giết nhau. Người nông dân không có cách gì kiếm ra dăm trăm triệu, ngoài việc bán đất, thì người ta giết nhau vì đất cũng không có gì là lạ. Những tranh chấp kiểu này thường chỉ được ngăn chặn bởi giá trị đạo đức của mỗi gia đình, do bố mẹ ông bà dạy bảo.
Dương Quốc Chính
Không có nhận xét nào