Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

Thoáng nghĩ ngợi khi đọc tiếp sử Cao Miên và vài trang đầu quyển Vùng đất Nam Bộ tập IV

Thoáng nghĩ ngợi khi đọc tiếp sử Cao Miên và vài trang đầu quyển Vùng đất Nam Bộ tập IV Bài viết này nêu lên quan điểm của mình, không liên ...

Thoáng nghĩ ngợi khi đọc tiếp sử Cao Miên và vài trang đầu quyển Vùng đất Nam Bộ tập IV

Bài viết này nêu lên quan điểm của mình, không liên quan đến việc nâng cao kiến thức về sử, bạn không đọc cũng OK.

Để tìm hiểu về lịch sử Nam Bộ, có lẽ bạn đồng ý với mình, là bạn không thể nào không đọc về lịch sử Cao Miên (hay Chân Lạp).  Nhất là nếu bạn muốn tìm hiểu về lịch sử Nam Bộ thời thế kỷ 16/17, thì bạn lại càng cần phải đọc nhiều về lịch sử Cao Miên hơn nữa.

Và với những bạn đặt câu hỏi tại sao tìm hiểu về lịch sử Nam Bộ mà lại đọc cả sử Cao Miên ? Bởi vì rất đơn giản, trong giới học giả trên thế giới, họ đã bàn và thảo luận về vấn đề liên quan đến lịch sử Cao Miên vào những thế kỷ trước gần cả chục năm trước.  Và họ đã đưa ra rất nhiều những luận điểm, giả thuyết để độc giả hiểu rõ hơn về lịch sử Cao Miên qua từng giai đoạn thời gian.  Nhưng tại Việt Nam cho đến nay vào thế kỷ 21 năm 2019, các sử gia Việt Nam hầu như chưa bao giờ bước ra khỏi cái bóng đại thụ / ma của thầy Phan Khoang hay thầy Lê Hương, hay cụ Trịnh Hoài Đức, để mà nghiên cứu về sử miền Nam cả.  Hầu như các bài viết của họ, đều lấy tư liệu từ những bộ sử Việt như Gia Định Thành Thông Chí, mà chúng ta không hiểu đã bị người đời sau chỉnh sửa bao nhiêu, hoặc họ trích đoạn những tư liệu người Pháp, mà không hiểu họ có biết rõ về những điều họ trích dẫn có là một chiều hay là không.

Ví dụ trong quyển sách khảo cứu Vùng đất Nam Bộ Tập IV do thầy Nguyễn Quang Ngọc chủ biên, và xuất bản vào năm 2016, các nhà nghiên cứu Việt Nam vẫn còn dựa vào bộ sách hồi ký của ngài Châu Đạt Quan viết vào thế kỷ XIII, để mà khẳng định rằng "Có thể khẳng định từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI, Nam Bộ là vùng đất không những không phát triển, mà tàn lụi nhiều. Các tiềm năng của Nam Bộ không được Chân Lạp khai thác, khiến cho cảnh hoang vắng phổ biến khắp mọi nơi." (xem trang 32/33).  

Nhưng rõ ràng, luận điểm chỉ vì một vùng đất vắng người là tàn lụi là hoàn toàn phản khoa học.  Trước thế kỷ 20, ngay cả miền Nam dưới sự cai trị của vương triều Nguyễn, hễ một người mà đi đâu xa xa khu đô thị, thì toàn là rừng, có cọp, có đầm ao, cho mãi đến khi người Pháp đến mà khai khẩn đất đai đó thôi.  Như vậy, chúng ta có quyền viết là miền Nam thế kỷ 19 trước khi người Pháp đến là "vùng đất không những không phát triển, mà tàn lụi nhiều" chỉ vì thời ấy, đất nước còn ít người và kỹ thuật công nông nghiệp lẫn giao thông còn hạn chế không ? Viết như thế khác nào nói bậy ? Vì ở đâu trên đất nước Đại Nam thời bấy giờ mà không như thế ? Hễ đi xa xa khu thị trấn là đã có rừng chằm, cọp beo, chứ có như bây giờ đâu ? Nên nghiên cứu sử mà viết như thế, có khác nào là vẽ rắn thêm chân, nhưng đáng ngờ hơn, là chê bậy sự việc hiển nhiên mà ai cũng biết (đó là thời xưa đất đai hoang dã rất nhiều).  Viết như thế, có khác nào các sử gia bên Mỹ người da trắng tự cho phép mình là đến các vùng đất viễn Tây của Mỹ để khai hóa đâu ? Làm sao mà đến thế kỷ 21, các sử gia Việt Nam còn có thể viết là "Có thể khẳng định từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI, Nam Bộ là vùng đất không những không phát triển, mà tàn lụi nhiều" bạn nhỉ

Mà đáng ngờ hơn, là rõ ràng, thế kỷ 15 và 16 là một thời đại Thương Mại (The Age of Commerce), như thầy Anthony Reid đã viết thế về khu vực Đông Nam Á thời bấy giờ.  Nếu chúng ta đến thế kỷ 21 năm 2019 mà còn đổ lỗi rằng "Các tiềm năng của Nam Bộ không được Chân Lạp khai thác, khiến cho cảnh hoang vắng phổ biến khắp mọi nơi." vào thế kỷ XVI, thế thì chúng ta có viết như thế không cho các vương quốc Chiêm Thành, hoặc Xiêm La, hoặc Đồ Bà, hoặc các vương quộc quanh khu vực Đông Nam Á ? Có phải quốc gia nào cũng đông nghẹt dân cư như miền Bắc Việt Nam thiếu đất thời bấy giờ mà bỏ đi lung tung để kiếm đất mà sống đâu ?  Và viết như thế, không hiểu quốc gia nào ở Châu Á thời bấy giờ đã có thể khai thác hết các tiềm năng trên mọi miền đất nước của họ nhỉ ? Viết phân tích sử như thế, có khác nào chê trách tiền nhân "tại sao mà một mẫu ruộng mà các cụ chỉ có thể khai thác thế và thế, sao các cụ không làm thế và thế ?".  Viết phân tích sử mà chê trách tiền nhân như thế, dù đó có là người Chân Lạp hay người Việt, cũng là sự không nên và xem ra, không bao giờ nên viết đúng không bạn ? Vì nếu chúng ta cho phép mình viết như thế về Chân Lạp, thì chắc người thế giới cũng có thể viết, là làm thế nào, mà người Việt có 4 ngàn năm lịch sử, mà mãi đến thế kỷ 17 mới dần dần ra khỏi vùng miền Bắc eo hẹp của họ thế ? Mình hoàn toàn không hiểu, viết nghiên cứu sử mà viết những câu như thế này, nó giúp ích cho việc nâng cao kiến thức về sử của độc giả ? Nó chỉ giúp ích cho người Việt cảm thấy thương hại người Chân Lạp mà thôi.  Nhưng bạn mà đọc sử thế giới, đáng ra bạn sẽ thương hại cho người Việt thời ấy đấy chứ, vì thế giới vào thế kỷ 15, hình như người Tây đã vượt biển khám phá Châu Mỹ rồi, mà trong khi đó thời này, chúng ta là thời vua Lê Thái Tông, đánh dọa đủ thứ các nước lân cận, nhưng mà có đi đâu ra khỏi miền Bắc đâu ?

Nên viết về đất nước của một dân tộc khác, mà viết vẽ rắn thêm chân và chê bai như thế này, thật làm cho độc giả đọc mà cứ tưởng là đang đọc bài tuyên truyền của Ban Tuyên Giáo.

Và đáng hỏi hơn nữa, là hầu như 90% các bài viết trong quyển Vùng đất Nam Bộ Tập IV này, đều lấy sử liệu và dữ liệu từ các bộ sử Việt cả.  Với các tư liệu của các học giả nước ngoài, phương pháp nghiên cứu hầu như là 1 chiều, lặp lại những gì người Việt đã được dạy bao nhiêu năm nay.  Một ví dụ đơn giản là ở trang 36, có cả đoạn về công chúa Ngọc Vạn.  Nhưng làm gì có công chúa thời chúa Sãi ? Và các thầy cô ngoài này, người ta tranh luận ào ào về sử kiện công nữ Ngọc Vạn, ấy thế mà đoạn văn ở đây viết cứ y như là sự thật vậy "Quan hệ giữa Đàng Trong và Chân Lạp diễn ra tốt đẹp vào đầu thế kỷ XVII là một điều kiện thuận lợi để người Việt vào khai phá vùng đất Nam Bộ một cách hòa bình. Năm 1620, vua Chân Lạp là Chey Chetta II đã cưới công chúa Ngọc Vạn con của chúa Nguyễn Phúc Nguyên.".  Chả có đoạn văn nào nhắc về ý kiến phản đối lập luận này, chả có chú thích nguồn ra sao ? 

Và dĩ nhiên, nếu các bạn đã đọc những bài nghiên cứu từ các sử gia Việt thế hệ trước rồi, thì các bạn sẽ thấy là các bài viết trong quyển Vùng đất Nam Bộ Tập IV này hầu như là tập hợp các ý kiến này lại thôi.  Không hiểu các nhà nghiên cứu sử miền Nam Việt Nam đã nghiên cứu sử đến năm 2016 ra sao, mà chả có một vị nào trong quyển sách này, viết về các ý kiến phản biện về nhóm người Hoa Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên, hoặc niên đại bộ Gia Định Thành Thông Chí, hoặc lịch sử Hà Tiên, v.v.  Họ chỉ lặp lại những gì mà các bậc đại thụ của họ viết về sử Việt, và chả biết họ có để suy tư và áp dụng các phương pháp nghiên cứu sử học vào trong những bài viết này không ?

Một ví dụ đơn giản cho sự nghiên cứu đầy vấn đề trong bộ sách này là ở trang 51, có đoạn viết "Năm 1658, Chân Lạp xâm chiếm lãnh thổ phía nam Đàng Trong. Chúa Nguyễn cử 3.000 quân chống lại. Lực lượng này đã tiến đến Mô Xoài, bắt được vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân cùng voi ngựa, khí giới và giải về dinh Quảng Bình".  Nhưng nếu các nhà nghiên cứu này đọc nhiều sử liệu, thì sẽ nhận rõ là tình tiết sử kiện 1658 này đã được viết rất khác nhau trong bộ Nam triều Công nghiệp Diễn Chí, trong Phủ biên Tạp lục, trong Gia Định Thành Thông Chí, và sau cùng là trong bộ Đại Nam Thực Lục.  Đó là chúng ta còn chưa bàn về sử kiện này trong các ghi chép của người Tây, của các giáo sĩ Tây, trong sử Xiêm La.  

Nên bạn thấy đó, 2 sử kiện (công nữ Ngọc Vạn và trận chiến 1658), ngoài này có nhiều bài viết tranh luận thật hư, đúng sai, ấy thế mà vô quyển Vùng đất Nam Bộ Tập IV này, các nhà nghiên cứu cứ viết như họ muốn viết, chả dẫn nguồn, chả nêu lên các tranh luận xung quanh 2 vấn đề này, nên không hiểu họ viết như thế, là để cho bạn, độc giả các quyển sách khảo cứu sử như thế này, thấy tự hào là người Việt, hay là họ viết thế, vì họ chưa bao giờ đọc thêm các sử liệu ngoài này, mà họ chỉ tiếp tục theo bước đi của các bậc đại thụ sử học, các vị thầy của họ khi xưa cả.  

Nhưng lỗ lã nhất có lẽ là bạn và mình thôi, vì chúng ta có thể bỏ tiền ra mua sách (và trong trường hợp mình, thì coi miễn phí hơi nhiều), nhưng số tiền mà chúng ta bỏ ra, chẳng những có khi không cho chúng ta kiến thức mới gì, mà có thể lại còn biến chúng ta trở thành những người Việt xấu xí, xấu xí vì nghĩ rằng Việt Nam là cái rốn của vũ trụ, và khi viết về lịch sử một vùng miền, chúng ta cũng áp dụng luôn cả cách nhìn về sử vùng miền méo mó và ao làng như thế.

Và đáng ngờ hơn, là chúng ta có cả thầy Phan Huy Lê đã viết Lời Nói Đầu có cánh cho bộ sách này.  Trong đó thầy viết cả câu "Tham gia đề án có hơn một trăm nhà khoa học thuộc một số viện của Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, một số khoa và viện của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.".  Nhưng không hiểu tại sao hơn một trăm nhà khoa học, mà các kiến thức trong quyển sách này, xem ra chỉ là sự tập hợp của phần lớn các kiến thức đã có gần nửa thế kỷ trước ? Sao không có nhà nghiên cứu nào viết về niên đại bộ Gia Định Thành Thông Chí bạn nhỉ ? Sao chả có ai viết về Bà Rịa ra sao khi người Việt chưa tới nhỉ ? Hay sao họ không bàn về những điều liên quan đến công nữ Ngọc Vạn, và về ông Borri đã viết chữ "bastard" cho đứa con gái chúa Nguyễn ra sao ? Sao họ không viết về những điều thật độc đáo về sử Nam Bộ, mà họ chỉ mãi đi theo con đường của các bậc đại thụ làng sử cũ rích của họ thế ? Có phải là vì ở Việt Nam, một nhà nghiên cứu sử "ngoan" và "hợp tác" là được khen lên tới mây và được xem là các bậc đại thụ để lớp trẻ đi theo, hơn là ai đó "quậy" và "độc" khi nghiên cứu về sử miền Nam không ? 

Nên mình đang đọc những quyển sách nghiên cứu hay viết về sử Cao Miên của các thầy cô Tây, và đọc lại quyển Vùng đất Nam Bộ Tập IV của các nhà nghiên cứu sử Việt, mình thấy rõ sự khác nhau về phương pháp nghiên cứu sử.  Phải chăng người Việt thời nay chán sử, không phải chỉ vì họ chán do chế độ cấm hay viết bậy về sử như các cán bộ Viện Sử Học đã và đang làm, mà người Việt còn chán đọc về sử, vì họ đã thấy quá đủ với việc ngày này qua tháng nọ, các sử gia Việt Nam không tìm ra được hướng đi mới, không thể viết những gì mới, những gì độc và lạ về sử Việt, mà chỉ mãi loanh quanh với những luận điểm xưa (và theo mình là cùn) của các bậc đại thụ về sử miền Nam ? Mình nghĩ, ngay trong việc vợ chồng, người ta còn thích lâu lâu được ăn phở thay vì ngày nào cũng ăn cơm, thế thì tại sao các nhà nghiên cứu sử miền Nam lại có thể nghĩ rằng, họ viết sử miền Nam mà viết cũ rích như thế này, lại có độc giả còn có lòng với sử miền Nam nhỉ ?  Có khi các độc giả đọc những gì Brian viết và đưa ra hoài rồi, họ lại suy nghĩ "làm thế nào mà chúng ta vẫn còn các nhà nghiên cứu sử miền Nam lại chỉ có thể viết sử như thế, mà lại còn khoe là có cả trăm nhà khoa học tham gia nữa cơ đấy".  Chắc là khi ấy, cái câu "quý hồ tinh bất quý hồ đa" nó mới buồn làm sao.  Buồn như sử miền Nam đẹp và nhiều chuyện để kể, để viết tới vậy, thế mà đến năm 2016, và chắc là đến luôn năm 2019, vẫn còn đại đa số những bài viết về sử miền Nam với các luận điểm cũ rích như thế này.  Thời đại này là thời đại của Facebook, của Fruit Ninja, của gia đình Kardashian, của Mạng Xã Hội, của Khởi Nghiệp, chứ có phải là thời ngài Bảo Đại còn chưa mặc quần đâu, mà sao sử sách lại còn cứ mãi phải đi theo đường cũ đến thế ? 

Đọc nhiều vô đi bạn, và hãy bước ra khỏi dòng sử Việt nếu bạn muốn nghiên cứu về sử miền Nam.  Còn không, bạn sẽ mãi mãi sống trong giới hạn kiến thức của cụ Phan Khoang, của cụ Đào Duy Anh, và của cụ Trịnh Hoài Đức.  Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, trong một thế giới phẳng, nên chắc là cần phải đọc thật nhiều tư liệu Tây lẫn ta, để mà có thể viết thêm về sử Việt, để mà đưa sử Việt miền Nam vào lòng người Việt.  Mình không nghĩ viết sử dạng ru ngủ, dạng tự hào dân tộc là có ích lợi gì cho người Việt thế kỷ 21.  Có khi người ta lại quay qua hỏi là liệu viết sử mà mãi cũ rích như thế, thì có cần đến tấm bằng Tiến sĩ Sử Học vào thế kỷ 21 nữa hay là không ? 

Regards,

Brian







Không có nhận xét nào