TRANH ĐẤU CHO BẢN SẮC NGÔN NGỮ 1/ Khát vọng đến cháy lòng, nhức nhối hiện nay của người Hương Cảng không chỉ về chánh trị, mà còn là tranh đ...
TRANH ĐẤU CHO BẢN SẮC NGÔN NGỮ
1/ Khát vọng đến cháy lòng, nhức nhối hiện nay của người Hương Cảng không chỉ về chánh trị, mà còn là tranh đấu gìn giữ bản sắc văn hóa - với NGÔN NGỮ nằm ở trung tâm của cuộc tranh đấu! "Phong trào Dù vàng" nức tiếng, ngay trong tên gọi này cũng thể hiện ý thức gìn giữ ngôn ngữ riêng của miền Nam, quí bạn có biết?
Theo tiếng miền Bắc (Bắc Kinh), chiếc ô (umbrella) đọc là "yu san" và viết 雨伞 ("vũ tán"). Nhưng người Hương Cảng họ nhứt quyết dùng ngôn ngữ của miền Nam (tiếng Quảng Đông) khác hẳn, CHIẾC DÙ (umbrella) đọc là "yu zhe", không chỉ phát âm khác mà họ cũng chọn chữ khác để viết: 雨遮 ("vũ già"; "già" nghĩa là che chở/che chắn).
2/ Thử hình dung nếu bạn theo học tiếng Quảng Đông (dành cho người VN), những chữ như 黃 (Wong, trong Joshua Wong), 周 (Chow, trong Agnes Chow), bạn sẽ được nghe dịch sang tiếng Việt (lần lượt) là họ "Huỳnh", họ "Châu".
[ Chỉ khi nào bạn học tiếng phổ thông Bắc Kinh, 黃 mới phải dịch sang tiếng Việt là "Hoàng", 周 dịch sang tiếng Việt là "Chu" ]
Tiếng Quảng Đông (còn gọi là "Việt thoại" 粵語) khi viết 黃, họ đọc "Wong" (Huỳnh). Cớ sao lại áp đặt, buộc họ phải đọc là "Huàng" (Hoàng) theo tiếng Hán Bắc Kinh?
3/ Lại xin mượn ví dụ qua...VN, mời xem dãy chữ Hán sau:
南 國 山 河 南 帝 居
Đây chính là câu: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư".
Nếu đọc theo tiếng Bắc Kinh, sẽ phải là:
"Nán guó shān hé Nán dì jū"
Bạn có thể nào "ní nuận" vì đây là chữ Hán, đọc theo tiếng Bắc Kinh hoặc theo tiếng Việt cũng cùng một nghĩa, nên...đọc sao cũng được chăng? Họa có dở hơi mới nghĩ như vậy mà thôi.
Hi vọng quí bạn đã hiểu vì sao tôi thường viết trên fb họ tên chàng trai là "Huỳnh (chớ không phải Hoàng) Chi Phong", họ tên cô gái là "Châu (chớ không phải Chu) Đình"... Đây không phải vẽ vời màu mè gì ráo - như có người vội phán Huỳnh/Hoàng cũng một nghĩa, Châu/Chu cũng một nghĩa, nói sao cũng được.
Không phải vậy. Đây là sự tôn trọng bản sắc trong lời ăn tiếng nói của người dân Hương Cảng.
4/ Người Hương Cảng họ rất tự hào, thậm chí kiêu hãnh, về tiếng Quảng Đông của họ. Họ quyết giữ gìn không chỉ bản sắc của họ trong phát âm, mà ngay cả trong từ vựng thì tiếng Quảng Đông (còn gọi là "Việt thoại" 粵語) cũng có những lối dùng không giống với tiếng Hán Bắc Kinh.
Họ gọi "yu zhe" (chiếc dù), chớ không gọi "yu san" theo Bắc Kinh. Họ gọi "wong" (huỳnh), chớ không gọi "huàng" theo Bắc Kinh... Đàng sau bản sắc này trong lời ăn tiếng nói của họ là cả nước mắt và nụ cười, là cay đắng và hân hoan.
Nước mắt của cay đắng khi bị áp lực phải học tiếng Hán miền Bắc. Nụ cười của hân hoan khi giữ lại được ngôn ngữ miền Nam của họ.
5/ Sinh viên tại Đại học thành phố Hương Cảng (City University of Hong Kong) đã từ khước chuyển tiếng Quảng Đông sang tiếng Bắc Kinh. Bất chấp có diễn giả, từ đại lục qua, tuyên truyền rằng: "Tuân theo đảng (CSTQ) chưa bao giờ là sai lầm. Sử dụng tiếng phổ thông Bắc Kinh là tuân theo đảng".
Đạo diễn phim Bàng Hạo Tường 龐浩翔, trong một hội chợ sách, đã nhứt quyết nói bằng tiếng Quảng Đông bất chấp báo đài yêu cầu ông trả lời phỏng vấn bằng tiếng Bắc Kinh. Cư dân Hương Cảng ca ngợi ông Bàng là "người dũng cảm bảo vệ giá trị ngôn ngữ của miền Nam".
* Có sự oái ăm của lịch sử:
Khi người Anh còn cai trị Hương Cảng, đương nhiên sử dụng tiếng Anh, nhưng người Anh không can thiệp vào sự phát triển văn hóa - mà trọng tâm là ngôn ngữ, người dân của thành phố này vẫn thoải mái dùng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ (tiếng Quảng Đông).
NHƯNG khi giao Hương Cảng cho chế độ Bắc Kinh, nhà cầm quyền lại can thiệp, tìm cách chèn ép ngôn ngữ mẹ đẻ của người dân nơi đây (tiếng Quảng Đông) đến mức buộc họ phải phản kháng.
Trong hàng loạt cuộc biểu tình, không chỉ là phản kháng chánh trị mà người Hương Cảng còn phản kháng nhằm bảo vệ bản sắc văn hóa - ngôn ngữ của họ.
Nguyễn Chương MT
----------------------------------------------------------------
(Hình ảnh: Phong trào Dù vàng;
Châu Đình và Huỳnh Chi Phong)
Không có nhận xét nào