Bài 2 - Về danh xưng dành cho người Lào trong bộ sử Đại Nam Thực Lục #nguoi_Lao_trong_su_mien_Nam Ở bài 1 (xem >> http://www.thesai...
Bài 2 - Về danh xưng dành cho người Lào trong bộ sử Đại Nam Thực Lục
#nguoi_Lao_trong_su_mien_Nam
Ở bài 1 (xem >> http://www.thesaigonposts.net/2019/09/ban-ve-co-nguoi-lao-nao-thoi-xua-anh.html), mình có nêu lên luận điểm riêng của mình về danh từ Lao Nhân 牢人 được viết trong bộ sử Đại Nam Thực Lục, trong các sử kiện liên quan đến những gì xảy ra ở miền Nam Việt Nam, không thể nào là danh từ để chỉ cho người Lào (người Lèo Laotian) như các cán bộ Viện Sử Học đã dịch.
Và trong bài viết #2 này, mình xin đưa ra các sử kiện có liên quan đến tên đất + danh xưng người Lào trong sử Đại Nam Thực Lục, trong gian đoạn thời các chúa Nguyễn đến đầu thời vua Gia Long, để chúng ta hiểu thêm các sử gia vương triều Nguyễn đã viết về danh xưng dành cho người Lào ra sao.
Các bạn có thể tự mình tra lại các sử kiện này trong bộ Đại Nam Thực Lục Tập 1 do Viện Sử Học dịch.
****
1. Sử kiện năm Nhâm Tuất (năm1622), "... chúa cho rằng sông Hiếu xã Cam Lộ (thuộc huyện Đăng Xương) giáp giới với đất Ai Lao, các bộ lạc Man Lục Hoàn, Vạn Tượng, Trấn Ninh, Quy Hợp, đều có đường thông đến đấy, bèn sai đặt dinh, mộ dân chia làm 6 thuyền quân để coi giữ, gọi là dinh Ai Lao."
Trong đoạn sử kiện này, tên đất là Ai Lao 哀牢, và tên để gọi các sắc dân này là Man 蠻.
****
2. Sử kiện năm Tân Dậu (năm1621), "... mùa hạ, tháng 4, bọn thổ mục Lục Hoàn (tức Lạc Hòn) thuộc Ai Lao thả quân qua sông Hiếu sang cướp bóc dân biên thùy. Chúa sai Tôn Thất Hòa (bấy giờ gọi là quận công) đi đánh. Hòa chia quân phục ở các đường trọng yếu, khiến những lái buôn mua bán để nhử. Quả nhiên bọn người Man [Lào] đến cướp, kéo vào cửa động, phục binh nổi dậy, bắt được hết đem về. Chúa muốn lấy ân tín vỗ về người đất xa, sai cởi hết trói ra và cấp cho quần áo lương thực, răn dạy rồi thả về. Quân Man cảm phục, từ đấy không làm phản nữa.".
Trong đoạn sử kiện này, tên đất là Ai Lao 哀牢, và tên để gọi các sắc dân này là Man chúng 蠻眾 tức bọn người Man.
****
3. Sử kiện năm Ất Dậu (năm 1705), "Tháng 3, Tạo Vĩ ở Lục Hoàn nước Ai Lao thả quân sang quấy dân biên thùy, cướp bóc khách buôn. Tuần binh của đồn Ai Lao đem việc chạy báo. Chúa sai Cai đội Tả súng Lê Định làm Cai cơ, Nội đội trưởng Chu Nhuận Trung làm Cai đội, đem quân đi đánh. Hai người đến địa giới Ai Lao được vài tháng thì chết, bèn rút quân về.".
Trong đoạn sử kiện này, tên đất là Ai Lao 哀牢, và tên để gọi là tên thủ lãnh + địa danh "Tạo Vĩ ở Lục Hoàn, Ai Lao".
****
4. Sử kiện năm Tân Mão (năm 1711), "Mùa đông, tháng 10, Nặc Thâm nước Chân Lạp từ nước Xiêm về, cùng với ốc Nha Cao La Hâm mưu hại Nặc Yêm. Nặc Yêm sai người Ai Lao là Nặc Xuy Bồn Bột chạy báo hai dinh Trấn Biên, Phiên Trấn xin quân cứu viện.".
Trong đoạn sử kiện này, tên người được viết rõ ràng là Ai Lao Nhân 哀牢人. Bạn lưu ý là Ai Lao Nhân 哀牢人, không phải là Lao Nhân 牢人.
Và tên nhơn vật Nặc Xuy Bồn Bột này, còn được lặp lại ở vài sử kiện sau, nhưng không hiểu sao, các sử gia Quốc Sử Quán lại cắt cả chữ Nặc và chỉ đề tên là Xuy Bồn Bột ?
****
5. Sử kiện năm Ất Mùi (năm 1715), "Mùa hạ, tháng 4 ... Ai Lao đến cống phẩm vật địa phương. Bấy giờ tù trưởng Man là Chiểu Đồn Không bị người nước là Tạo Vĩ bức bách, nên sai sứ sang cống để cầu giúp quân. Chúa sai sứ mang thư sang an ủi vỗ về và xem binh thế mạnh yếu cùng địa thế hiểm dễ thế nào ?".
".
Trong đoạn sử kiện này, tên đất là Ai Lao 哀牢, và tên để gọi là Man tù 蠻酋 tức tù trưởng Man.
****
6. Sử kiện năm Tân Hợi (năm 1731), "Mùa hạ, tháng 4, người Ai Lao là Sá Tốt đem quân Chân Lạp vào cướp Gia Định. Sai Thống suất Trương Phước Vĩnh điều khiển binh các đạo đi đánh. Bấy giờ các dinh ở Gia Định đều đặt thủ tướng. Chúa cho rằng việc quân ở nơi biên khổn cần phải có người thống nhiếp, cho nên sai Phước Vĩnh làm việc điều khiển, quan binh các dinh trấn đều thuộc về cả.".
Trong đoạn sử kiện này, tên người được viết là Lao Nhân 牢人. Bạn lưu ý là ở đây viết Lao Nhân 牢人, chứ không là Ai Lao nhân 哀牢人 như trong #4.
Và cụ Đào Duy Anh đã dịch Lao Nhân ở đoạn này thành ra "người Ai Lao" mà mình đã nêu vấn đề tại đây >> http://www.thesaigonposts.net/2019/09/ban-ve-co-nguoi-lao-nao-thoi-xua-anh.html.
Và bạn để ý, rất có thể là đoạn văn này, với cụm từ "牢人詫卒 Lao nhân Sá Tốt" là do các sử gia Quốc Sử Quán đã chép lại từ bộ Gia Định Thành Thông Chí quyển 6 Thành Trì Chí, phần Phiên An Trấn, đoạn cầu Cao Miên.
****
7. Sử kiện năm Tân Hợi (năm 1731), "Mùa hạ, tháng 4 ... Cai cơ Đạt Thành (không rõ họ) cùng giặc Lào đánh nhau ở sông Lật Giang, không được, bị chết".
Trong đoạn sử kiện này, tên nhóm người nổi loạn này được viết là Lao Tặc 牢賊. Bạn lưu ý là ở đây viết Lao Tặc 牢賊, chứ không là Ai Lao tặc 哀牢賊.
*****
8. Sử kiện năm Tân Dậu (năm 1801) "Các tù trưởng Man ở Ai Lao đến Kinh chúc mừng. Vua ban cho hậu, rồi cho về.".
Trong đoạn sử kiện này, tên đất là Ai Lao 哀牢, và tên để gọi là Man tù trưởng 蠻酋長 tức tù trưởng Man.
****
9. Sử kiện năm Bính Tý (năm 1816), "Tháng 11 ... Hai đạo Cam Lộ và Ai Lao đói. Hoãn thu thuế người Man năm nay.".
Trong đoạn sử kiện này, tên đất là Ai Lao 哀牢, và tên để gọi là Man thuế 蠻税 tức thuế (dành cho) người Man.
****
10. Sử kiện năm Kỷ Mão (năm 1819) "Tháng 6 ... Tù trưởng man Thỏ Lỗ là Chiêu Ngọa cầu nội phụ. Dinh thần Quảng Bình dịch thư để tâu lên. (Trong thư nói rằng tiên tổ trước ở Mộng Sơn, lúc quốc sơ vẫn giữ chức cống, gần đây vì tù trưởng Lào là Phạn A xâm lấn, mới bỏ đất ấy mà đi, đến nay lại về, xin giữ lễ cống của người Man như cũ).
Trong đoạn sử kiện này, tên đất là Ai Lao 哀牢, và tên để gọi là Man tù 蠻酋 tức tù trưởng Man, và Lao tù 牢酋 tức tù trưởng Lào.
****
11. Và nếu bạn chịu khó đọc luôn Đại Nam Thực Lục tập 2, thì trong phần đầu mà các sử quan Quốc Sử Quán dâng lên, có cả đoạn "Kịp lúc hai kỳ có loạn, một giận yên dân. Chước lạ mưu sâu, đánh đâu hẳn được đấy ; núi lay biển động, bền mấy cũng phải tan. Dẹp giặc Xiêm La, hạ thành Phiên An, uy linh làm mạnh sông núi ; quét giặc Sơn Âm, bình giặc Để Định, thanh giáo thông cả Man Lào".
****
Như vậy, khi ta xét lại cách viết của các sử gia Quốc Sử Quan qua các đoạn sử kiện trên, thì chúng ta sẽ thấy:
1. Hầu như trong 99% trường hợp, Ai Lao là dùng để chỉ cho tên đất. Một trường hợp duy nhất là sử kiện #4, diễn ra vào năm Tân Mão (năm 1711), có viết rõ ràng là Ai Lao Nhân tức người Ai Lao 哀牢人.
2. Hầu như trong phần lớn các trường hợp, Man 蠻 là danh xưng dùng để chỉ cho người Lào. Chỉ có các trường hợp sau đây là KHÔNG:
a. Trong sử kiện #4, có Ai Lao Nhân 哀牢人.
b. Trong sử kiện #6 và #7, có Lao Nhân 牢人 và Lao Tặc 牢賊
c. Trong sử kiện #10, có Lao tù 牢酋 tức tù trưởng Lào
Với dữ liệu trên, chúng ta cần đặt câu hỏi là:
a. Chúng ta biết các sử gia vương triều Nguyễn, khi viết về những sắc tộc không là người Việt (nay gọi là người Kinh), thường dùng chữ Man 蠻. Vậy tại sao trong trường hợp sử kiện #4, và chỉ duy nhất trong trường hợp này, các sử gia lại viết rõ là người Ai Lao 哀牢人 ? Còn trước và sau sử kiện này, các sử gia đều dùng Man để chỉ cho người Lào cả ? Sự viết đặc biệt như thế có vấn đề không ?
b. Trong sử kiện #6 ""Mùa hạ, tháng 4, người Ai Lao là Sá Tốt đem quân Chân Lạp vào cướp Gia Định.", mình nghĩ là các sử gia Quốc Sử Quán viết Lao Nhân 牢人, là do họ chép lại từ bộ Gia Định Thành Thông Chí. Lao Nhân 牢人 trong bộ Gia Định Thành Thông Chí có đúng là người Lào không, thì mình sẽ viết thêm một bài cho bạn đọc.
c. Và nếu bạn để ý, là trong cuộc chiến năm 1714, thì nhơn vật người Ai Lao tên là (Nặc) Xuy Bồn Bột được viết là theo phe vua Nặc Yêm chống lại phe vua Nặc Thâm. Theo sử liệu mình đọc, thì vua Nặc Yêm còn được gọi là Thủy Vương (Water King) dựa vào chính quyền Đàng Trong. Còn vua Nặc Thâm là Sơn Vương (Mountain King) dựa vào chính quyền Xiêm La. Mà theo mình biết, Xiêm + Lào thời này là cùng một phe vì họ ở gần nhau. Còn ở bên kia, là phe của những người ngoại quốc như người Hoa, người Nhật, người Tây và người Việt. Như thế thì nhơn vật Ai Lao Xuy Bồn Bột đáng ra là theo phe Xiêm + Lào, không hiểu tại sao lại đi theo phe Thủy Vương nhỉ ?
d. Và theo sử liệu ngoài này, từ thời bấy giờ, tức là vào thế kỷ 16 / 17, và có thể là qua luôn tới thế kỷ 19, Chân Lạp có các cộng đồng người ngoại quốc định cư rất nhiều, như người Hoa, người Nhật, người Tây và người Việt. Ngược lại, cộng đồng người Lào ở Chân Lạp mà lại có người làm quan lại hay nắm quân trong chính quyền Chân Lạp thì mình chưa hề được đọc qua. Nếu bạn có xin bạn chia sẻ dữ liệu.
e. Dĩ nhiên trong sử Chân Lạp, chúng ta còn biết là vua Chey Chetta II, người được cho là lấy công nữ Ngọc Vạn, đã có luôn 1 bà hoàng hậu Lào đấy chứ. Và chúng ta biết người Lào cũng có lịch sử khá là oai hùng, như có nước Nam Chưởng, Vạn Tượng, v.v, thường liên quan về sử loanh quanh khu vực miền Trung, như tỉnh Nghệ An của Việt Nam. Ngược lại, mình chưa được đọc về tầm ảnh hưởng của người Lào trong triều đình Chân Lạp, lẫn về sự có mặt của các cộng đồng người Lào nào ở khu vực hạ sông Mekong, tức khu vực lân cận hoặc ở miền Nam Việt Nam.
f. Và ở bài kế tiếp sau bài phân tích về danh xưng người Lào trong Gia Định Thành Thông Chí, mình sẽ viết tiếp luôn một bài nữa về giả thuyết của mình người Lào đã được viết trong sử kiện #6 năm Tân Hợi (năm 1731) "Mùa hạ, tháng 4, người Ai Lao là Sá Tốt đem quân Chân Lạp vào cướp Gia Định." lại có thể là sắc tộc người nào nữa, ngoài người Nhật Bổn.
Vậy trong bài viết này, mình nêu ra các danh xưng người Lào đã được viết trong bộ Đại Nam Thực Lục Tập 1 như thế nào, để nêu ra cho bạn thấy rằng, cụm từ người Ai Lao 哀牢人 được viết trong sử kiện #4 năm 1711 là quá hy hữu, và cụm từ Lao Nhân 牢人 trong sử kiện #6 có lẽ là từ bộ Gia Định Thành Thông Chí, còn trong các sử kiện còn lại khác, người Lào chưa bao giờ được các sử gia Quốc Sử Quán chép rõ là người Lào 牢人 hoặc người Ai Lao 哀牢人 cả. Ai Lao 哀牢 là tên đất để chỉ địa danh, và khi cần viết về người Lào, thì hầu như các sử gia Quốc Sử Quán chỉ dùng danh từ Man 蠻 , và chắc các bạn cũng đã biết, đây là cách viết thông thường của các sử gia Quốc Sử Quán, dùng để chỉ cho hầu như tất cả mọi sắc tộc, ngoại trừ tộc người Việt (nay gọi là người Kinh), và người Tàu (nay gọi là người Hoa).
Như vậy, với cách viết quá hy hữu Ai Lao Nhân 哀牢人 chỉ trong 1 trường hợp sử kiện duy nhất và Lao Nhân 牢人 có lẽ là chép lại từ bộ Gia Định Thành Thông Chí, và khi chúng ta đọc lại về sử Chân Lạp thế kỷ 16-18, chúng ta có thể nào kết luận rằng các nhóm người Lao Nhân được viết trong sử Đại Nam Thực Lục đúng là người Lào (tức người Lèo Laotian) như các cán bộ Viện Sử Học đã dịch không ? Mình cho rằng không với 2 bài viết này, và mình sẽ viết thêm một bài nữa để bạn cùng mình hiểu thêm chút xíu nữa về danh xưng Lao Nhân 牢人 trong sử miền Nam.
Bởi vì nếu đúng là có người Lào trong sử miền Nam vào thế kỷ 18, thì mình cũng rất muốn biết, đã có ai viết về những người Lào này chưa ?
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào