BIỂN ĐÔNG ĐÃ ĐÔNG Có lẽ việc đội tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ tiến vào và tập trận ở Biển Đông đã tăng cường quyết tâm của Chủ tịch nước...
BIỂN ĐÔNG ĐÃ ĐÔNG
Có lẽ việc đội tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ tiến vào và tập trận ở Biển Đông đã tăng cường quyết tâm của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Lời phát biểu khai mạc HNTW của ông đề nghị BCHTW tập trung vào vấn đề Biển Đông không chỉ nói cho chúng ta nghe mà còn là nói cho Mỹ và Trung Quốc nghe.
Biển Đông trong quan hệ Việt-Trung là một chủ đề luôn nhạy cảm trước đây và đảng tránh thảo luận ở các cấp trung và thấp. Nên nói về Biển Đông không chỉ là nói về Biển Đông mà còn là huấn thị BCHTW tập trung cho ưu tiên cảnh giác với TQ và giữ nước. Đảng thể hiện ra bề ngoài, chính thức, công khai là như thế, còn làm được đến đâu là vấn đề khác.
Bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho thấy quyết tâm đi Mỹ tới đây của đảng. Lúc này Việt Nam cần vũ khí Mỹ, cần USD đầu tư của Mỹ và cần văn bản ký kết đối tác chiến lược quốc phòng với Mỹ. Trong bối cảnh đó, việc một công ty quốc phòng của Israel cung cấp máy bay không người lái cho một quốc gia Đông Nam Á mà giấu tên làm người ta hồ nghi là Việt Nam.
Những chuyển động gần đây của thế giới cho thấy Mỹ đã bắt đầu tăng cường bao vây an ninh mạnh với Trung Quốc. Những chính sách Mỹ-EU đã bắt đầu tiệm cận lại nhau thông qua các điểm trực diện đối đầu như Việt Nam, Đài Loan, Hong Kong.
Vừa qua dưới tác động của Trung Quốc, một số quốc gia và vùng lãnh thổ lâu nay công nhận Đài Loan độc lập thì nay bắt đầu lung lay lập trường chính trị với Đài Loan. Để giúp Đài Loan giữ vững quyết tâm của các xứ này, Mỹ đã trợ giúp bằng cách xây dựng đạo luật “sáng kiến tăng cường bảo vệ quốc tế các đồng minh của Đài Loan (TAIPEI)”, vừa được ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ thông qua.
Nếu trước đây Đài Loan chỉ có Mỹ hậu thuẫn là chính thì nay đã có dần có thêm EU mà quan trọng nhất là Đức. Một lá đơn tập thể với 53000 chữ ký của người Đức vừa được đệ trình lên đã đủ áp lực để chính phủ nước này xem xét thiết lập quan hệ ngoại giao trực tiếp với Đài Loan.
Đức là một nước lâu nay vẫn chậm trễ hợp tác an ninh cùng Mỹ vì quan hệ kinh tế với Trung Quốc thì nay cũng bắt đầu bị áp lực qua kinh tế. Trong quan hệ kinh tế với Đức thì Trung Quốc chiếm số 1 (106 tỷ USD) và Hà Lan là số 2 (98 tỷ USD). Thế mà vừa qua thủ tướng Hà Lan đã nói lớn tiếng rằng EU không thể tự bảo vệ an ninh cho mình mà cần có Mỹ. Dĩ nhiên thủ tướng Hà Lan muốn nói cho nước Đức nghe.
Sự ủng hộ Mỹ của Hà Lan và lá đơn 53000 chữ ký kia trong nội bộ Đức cùng những diễn biến va chạm vũ trang căng thẳng dần lên của Hong Kong và vấn đề Tư Chính của Việt Nam sẽ buộc Đức tiến gần lại với Mỹ hơn.
Trong lúc Joshua Wong vừa có bài phát biểu quan trọng tại Quốc Hội Mỹ thì ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng ra đề nghị tiến hành điều tra độc lập về tình hình nhân quyền cho Hong Kong. Sau đó là có tin đồn lan truyền là Hong Kong đòi ly khai và tự lập chính phủ.
Tôi nghe từ một số nguồn tin phân tích là tin đồn này là do phe dân chủ Hong Kong tung ra để thăm dò phản ứng của Mỹ, Trung Quốc và EU. Đồng thời chuẩn bị cho người dân tâm lý khởi nghĩa vũ trang giành độc lập khi cần.
Vấn đề Hong Kong không phải là có nên khởi nghĩa vũ trang để đòi tự trị hay không mà vấn đề là một bên kiên trì biểu tình và một bên dùng súng ống để đàn áp thì không còn giải pháp nào. Thế thì nhân dịp Mỹ-EU, Đài Loan, Việt Nam đang tổ chức chống Trung thì Hong Kong cần phải tận dụng theo.
Như vậy nếu Trung Quốc đe dọa đốt lửa chiến tranh với Mỹ-Nga-EU tại Venezuela, Iran và Biển Đông thì Mỹ và khối đồng minh đang gia tăng giúp đỡ Việt Nam, Hong Kong và Đài Loan chống Trung.
Về Venezuela, động thái công du Trung Quốc và Nga của chính quyền Maduro dĩ nhiên là để tìm kiếm hậu thuẫn mạnh hơn từ các đồng minh. Tuy nhiên có vẻ như Nga đã không có hứa hẹn gì, Putin chỉ ra một tuyên bố chung chung về Venezuela. Maduro cũng cử phái bộ qua Việt Nam, tuy nhiên chỉ gặp bà Kim Ngân và dĩ nhiên đảng CSVN chưa rảnh mà giúp Maduro.
Về Iran có vẻ tình hình sẽ khó dẫn đến chiến tranh mặc dù Mỹ-Iran vẫn khẩu chiến với nhau nhưng thực sự thì đường lối đối đầu đã có những thay đổi quan trọng để giảm căng thẳng. Phía Mỹ là việc ra đi của cố vấn Bolton, phía Iran là đại giáo chủ Khamenei, người đứng đầu phe chủ chiến, đã dịu giọng lại.
Với bối cảnh quốc tế như vậy và lời công khai huấn thị BCHTW mới đây của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì các tàu chiến của các bên sắp đến sẽ kéo về Biển Đông ngày một đông.
Nếu Việt Nam ít có quyền chủ động bên ngoài thì cần tăng cường chủ động bên trong. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là tăng cường pháp trị, minh bạch, dân chủ để đoàn kết toàn dân.
H.M
Không có nhận xét nào