HÔM NAY KHÔNG CƯỜI NỮA: BA GIAI ĐOẠN NHẢY VỌT Thấy bà con căng thẳng quá, Chu mỗ viết truyện chọc vui. Tiếng cười giúp con người hồn nhiên m...
HÔM NAY KHÔNG CƯỜI NỮA: BA GIAI ĐOẠN NHẢY VỌT
Thấy bà con căng thẳng quá, Chu mỗ viết truyện chọc vui. Tiếng cười giúp con người hồn nhiên mà sống. Dân tộc này 4000 năm biết cười, nhờ tiếng cười mà vượt qua gian lao của cái ăn, và cả chết chóc của chiến tranh.
Nhưng hôm nay đọc cái tin đại nhảy vọt này mà thấu tận tim gan: Hòa Bình xin Thủ tướng biến đất nông nghiệp thành khu du lịch tâm linh!
Chợt nhớ đất nước có ít nhất ba lần nhảy vọt.
Những năm hợp tác xã, phong trào đại nhảy vọt đầu tiên là "điện khí hóa xã hội chủ nghĩa". Nghe "điện khí hóa xã hội chủ nghĩa" thì cả làng ai cũng vui. Vui nhất là trẻ em sẽ được học bài dưới ánh điện sáng trưng như ở phố trước 1975. Thời ấy tôi học bài bằng đèn dầu. Có bắt chước cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thử bắt đom đóm làm đèn nhưng không nhìn ra cái chữ gì trên trang giấy rơm lởm khởm và đen kịt. Chỉ có khâm phục mắt mấy ông này tinh hơn đèn đom đóm.
Suốt thời phổ thông, tôi vẫn phải làm bạn với cái đèn dầu. Dầu được bán theo phân phối, mỗi tháng chỉ được một lít. Có tháng xếp hàng đến lượt mình thì hết dầu. Trẻ con thời ấy học một buổi, buổi còn lại cũng phải ra đồng cuốc góc hay làm cỏ để lấy công điểm, ngày công của trẻ em được trả bằng 1/3 người lớn. Tối chong đèn học bài. Tôi học khuya, có khi đến 2, 3 giờ sáng. Đèn phải vặn nhỏ như hạt tiêu để tiết kiệm dầu.
Học hết phổ thông vẫn không thấy điện đâu. Tối nằm mơ gặp ông Lenin hỏi: Ông nói "Điện khí hóa là sự sống còn của chủ nghĩa xã hội" mà sao chẳng thấy điện đâu? Ông nói: "Có đấy, nhưng để dành điện táng!" Chả hiểu điện táng là cái gì. Bật dậy ngơ ngác nhìn sao chớp nháy như đèn phố xa thẳm mịt mờ, vì đêm hè ngủ ngoài sân.
Cũng những năm ấy có khẩu hiệu đại nhảy vọt khác: "Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa".
Hiển nhiên khẩu hiệu này có từ lâu, nhưng chủ yếu thực hiện ở thành thị. Toàn bộ nhà máy tư sản đều bị tịch thu thành công sản ngay từ sau khi giành chính quyền. Cô giáo dạy chính trị khoe cả loạt nhà máy: nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhà máy dệt Nam Định, nhà máy cao su Sao Vàng, nhà máy đường Quảng Ngãi... Thành quả ấy chứng minh hùng hồn "ai thắng ai giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội". Tôi thì chỉ quan tâm đến nhà máy bút máy Hồng Hà và Trường Sơn. Lên đến lớp 10 mẹ mới chắt chiu bán cả một tạ lúa để mua cho cây bút Trường Sơn. Quý như vàng. Mơ hết đời học sinh mới có được. Thời ấy viết trên giấy rơm lởm khởm nên cứ vài bữa là phải mài đầu bút, mài đến cùn luôn cả cái cục than độn dưới ngòi bút mà vẫn còn dùng. Có được cây bút của thành quả công nghiệp hóa là niềm vui vô tận. Ít nhất là mỗi lần đi học không phải bê theo cái hũ mực đổ đầy tay và lem luốc trên quần áo.
Nhưng "công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa" ở nông thôn mới vô tận vui. Ba chiếc máy cày Liên Xô đã về đến cánh đồng làng. Đám trẻ con chúng tôi mừng lắm, hy vọng là từ đây không phải theo cái cày phạt bờ, cuốc góc. Nhìn cái con trâu sắt vạm vỡ xoáy từng luống cày sâu hoắm, chỉ vài ngày là cày hơn nửa cánh đồng. Trông mấy chàng công nhân lái máy cày như là thiên thần từ trên trời rơi xuống. Cả làng phấn khởi đứng trên bờ ruộng xem sức kéo vĩ đại của con trâu sắt xã hội chủ nghĩa. Lại hát vang bài ca: "Núi rừng có điện thay sao/ Nông thôn có máy làm trâu cho người".
Bất ngờ cày khoảng hơn nửa cánh đồng thì người ta không cày nữa. Vì hết dầu! Con trâu sắt cứ nằm chình ình giữa ruộng đến cả nửa tháng. Vậy là đội trưởng đội sản xuất phải hô hào dân khiêng nó lên bờ cho kịp mùa gieo hạt. Ì ạch đưa được ba con trâu sắt về sân đội xong thì lại phải ì ạch cày trâu, phang bờ, cuốc góc. Mà cái sản phẳm con trâu sắt để lại thì góc nào góc nấy to đùng, bọn trẻ con chúng tôi vài đứa cuốc xong một cái góc mất hết một buổi. Đến khi gieo hạt xong thì phần ruộng cày bằng trâu sắt ấy lúa không mọc được. Nó ngoáy lật cả đất sét tầng dưới úp lên trên thì lúa nào mọc nổi?
Năm ấy cũng là năm cuối cùng xây dựng hợp tác xã. Ba con trâu sắt để lâu ngày rỉ sét và được hợp tác xã mang ra bán sắt vụn. Bo bo ăn vào ỉa ra còn nguyên hạt cũng không còn mà ăn. Nhiều đêm học xong ngủ đói, mơ thấy hồn mình bay chơi vơi ở thiên đường.
Hôm nay nghe Hòa Bình đang thực hiện đại nhảy vọt "Tâm linh hóa đất nông nghiệp" thì thú thật không còn vui như hai cái đại nhảy vọt kia. Trước đây khi thấy Giáo hội Phật giáo ghi khẩu hiệu: "Đạo pháp - Dân tộc - Xã hội chủ nghĩa" là lòng đã bất an. Nhớ thời học phổ thông, cô giáo dạy chính trị giảng: "Tôn giáo là thuốc phiện", tức không có tôn giáo nào xã hội chủ nghĩa cả. Chủ nghĩa xã hội lấy Marx làm kim chỉ nam xua tan thứ niềm tin ma mỵ để giải phóng con người. Thời hợp tác xã, tôi còn ấn tượng ông bí thư xã tôi đến tận nhà tôi, leo lên trang thờ giật tượng Quan Thánh mà ba tôi thờ ném thẳng xuống ao. Phong trào chống tôn giáo triệt để đến mức đập hết miếu mạo, cấm luôn cả dân thờ cúng tổ tiên. Chính quyền chỉ có một nhân nhượng: trên bàn thờ chỉ để bình bông bát nước!
Mà cũng hay. Gia đình tôi chấp hành triệt để. Bởi vì có cho cúng mâm cao cỗ đầy cũng không có gì để cúng! Người sống còn không có ăn huống hồ là dành cái ăn cho người chết?
Một lần tôi hỏi một bậc chân tu: "Lên Niết Bàn hay Thiên đường có cần phải ăn không?". Ngài giảng: "Cái thế giới ấy gọi là Vô. Ở thế giới ấy mà còn ăn nữa thì sao có thể gọi là Thiên đường hay Niết Bàn".
Ra thế! Vậy là dù bất an nhưng mà nghĩ lại thấy rất an tâm. Ngộ đạo là ở đấy. Chúc Hòa Bình, mà không chỉ Hòa Bình, nhảy vọt đến Niết Bàn hay Thiên đường. Khi đã tâm linh hóa đất nông nghiệp thì không cần sản xuất lúa gạo nữa. Cả nước đi chùa cầu vong để sống chung với vong. Chỉ mong vong đừng đòi ăn to quá. Ăn mâm cao cỗ đầy với tiền tỉ thì dân nổi điên cho ăn tát là hết thiêng. Hết thiêng là hết mộng thiên đường!
Ít nhất, riêng cho Hòa Bình, có nơi cúng vong để có thể xả xui cái vụ nâng điểm thi năm vừa rồi. Năm tới, cầu vong cứu độ cho vạn sự trót lọt...
Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào