[ LẠC QUAN ĐẦN ĐỘN - NỤ CƯỜI CAM CHỊU CỦA NGƯỜI VIỆT ] Người Việt rất lạc quan và yêu đời. Bạn có thể không tin nhưng đó là sự thật. Nếu đã ...
[LẠC QUAN ĐẦN ĐỘN - NỤ CƯỜI CAM CHỊU CỦA NGƯỜI VIỆT] Người Việt rất lạc quan và yêu đời. Bạn có thể không tin nhưng đó là sự thật. Nếu đã từng đi những nước khác thì sẽ thấy có điều gì đó luôn khiến người dân nơi này luôn tươi cười cho dù vấn đề hay trở ngại là gì. Người xứ khác khi đến đây cũng ít nhiều bị ấn tượng bởi “tư duy tích cực” và nụ cười không bao giờ tắt trên các đường phố.
Nhưng tôi nghĩ có gì đó sai sai hoặc không trung thực cho lắm. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, tôi quá rành tính cách con người ở đây. Chúng ta rất thích cười đùa, khi nói chuyện hay tranh luận thường hay dùng những biểu ngữ châm biếm để gây cười, khi có xung đột gì đó với bạn bè thì chúng ta thường cười để giảm mức độ, hay khi có bất kể vấn đề gì thì chúng ta vẫn cười để giữ ôn hoà.
Chính sự lạc quan bất chấp điều kiện đó đã trở thành vấn đề. Nó khiến chúng ta phờt lờ những bất cập xung quanh và theo thời gian, nó ít nhiều tiêu diệt khả năng phản kháng. Để rồi khi xảy ra bất cứ chuyện gì trong đời, thay vì đối mặt giải quyết, chúng ta mặc kệ cho qua và coi đó là một phần trong cuộc sống.
Mỗi ngày đi làm, người dân nơi đây vẫn tươi cười, vì nếu không thì họ chẳng còn biết làm sao để tồn tại được nữa. Họ cũng chẳng biết làm gì để cải thiện đất nước này và cũng không thể hình dung điều đó sẽ diễn ra thế nào. Cho nên họ im lặng và lạc quan.
Mỗi lần mưa ngập đường phố, họ vẫn lội nước để đi làm và về nhà. Vì cảnh này đã trở nên quá quen thuộc rồi. Tới độ họ coi đó là một nét đặc trưng của khu mình sống. Họ lạng lách, họ chia sẻ thông tin đường nào không đi được, họ tranh thủ đi về sớm để tránh ngập và họ lấy điện thoại ra tự sướng để lưu làm kỷ niệm.
Sống trong khói bụi, họ chấp nhận điều đó và mua khẩu trang về đeo. Họ vẫn chia sẻ nhau về thông tin chỉ số không khí nhưng chỉ là bàn tán với nhau trên mạng thôi, còn ở ngoài đời thì đâu lại vào đấy.
Khi thấy ai đó bị tai nạn giao thông, họ ớn cả người nhưng ít nhiều nói thầm, “Hên quá, người đó không phải là mình.” Vì ngày nào mà không có cảnh người bị đụng xe hay một bài báo về ai đó chết khi đang lưu thông trên đường. Nó chỉ là xác suất nhỏ thôi, có gì để lo sợ chứ?
Nếu bị trộm cướp và chia sẻ với người khác, câu đầu tiên họ sẽ nói là: “Thôi, coi như của đi thay người.” Còn chuyện báo cáo với công an thì ít ai nghĩ đến vì người dân nơi đây đã mất niềm tin từ lâu rồi. Có nói cũng như không.
Đi làm giấy tờ bị vòi tiền hay bị treo hồ sơ thì hãy hiểu thầm quy luật “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.” Cứ vậy mà chi tiền ‘cà phê’ để mọi thứ êm đẹp. Nếu nói với bạn bè trên bàn nhậu thì người ta sẽ phán: “Sống ở đây thì phải biết luật, rừng nào cọp nấy.”
Đất nước ngày càng mục nát, xã hội ngày càng tồi tàn và con người ngày càng suy đồi. Chúng ta chọn phương án trốn chạy hoặc ra đi. Người có điều kiện thì mua hộ chiếu đầu tư, gia đình nào khá giả thì cho con em đi du học, những ai may mắn tìm được một nửa của mình thì nắm trong tay hạnh phúc thông qua hôn nhân. Những cô gái quê nghèo thì nhắm mắt lấy chống tuổi cha chú, những thanh niên bần nông thì bỏ tiền đi xuất khẩu lao động và những ai bế tắc quá thì đi lậu. Còn những ai “muốn thoát nhưng không thể” thì GATO và chửi bới người may mắn hơn mình hoặc an phận với cuộc sống.
Cứ như thế, con người nơi này tiếp tục sống và xã hội tiếp tục phát triển. Người dân nơi đây biết hết về những nạn tiêu cực và tham nhũng. Nhưng họ im lặng, phớt lờ và coi đó là điều họ không thể làm gì được. Nếu rảnh thì họ chửi online và chia sẻ thông tin, nhưng chỉ dừng ở đó thôi. Khi tắt điện thoại hay máy tính thì ai cũng như ai, nhắm mắt mà sống và giả câm để yên ổn.
Nếu bạn khắt khe quá thì cũng không đúng. Vì sống trong một thể chế độc tài, người dân không có quyền cất tiếng để ảnh hưởng đến bộ máy điều hành đất nước. Vì không thể thay đổi thông qua phương tiện góp ý, cũng không có quyền thay đổi, cho nên họ chọn phương án duy nhất còn lại - cam chịu.
Người Việt rất đáng yêu. Chúng ta luôn lạc quan, chúng ta tươi cười với tất cả. Nhưng đừng tự hào và coi đó là đặc tính. Vì đó là sự yêu đời của những người mắc kẹt trong kiếp nông nô thời hiện đại. Đó là sự đần độn của một dân tộc đang chịu đựng vô vàn khổ cực dưới sự cai trị độc tài. Đó là tính trẻ con của những người lớn tuổi. Đó là nụ cười cam chịu của người Việt Nam.
Ku Búa @ Cafe Ku Búa
Không có nhận xét nào