MẸ ƠI CON XIN LỖI MẸ MẸ ƠI! CON ĐƯỜNG ĐI NƯỚC NGOÀI KHÔNG THÀNH! 1. Nghĩ đến những lời tuyệt vọng gửi bố mẹ của cháu Phạm Thị Trà My mà ứa t...
MẸ ƠI CON XIN LỖI MẸ MẸ ƠI! CON ĐƯỜNG ĐI NƯỚC NGOÀI KHÔNG THÀNH!
1. Nghĩ đến những lời tuyệt vọng gửi bố mẹ của cháu Phạm Thị Trà My mà ứa tràn nước mắt. Chẳng ai có thể sống lại mà giả thiết. Nhưng nếu Cụ Hồ sống lại thì Cụ buồn lắm.
108 năm sau chuyến xuất ngoại tìm đường cứu nước của Cụ Hồ thì cháu, chắt, chít của Cụ vẫn phải tìm cách vượt biên để cứu mình và cứu gia đình đến nỗi bao người phải bỏ mạng thê thảm. Tại sao lại như vậy?
2. Năm 1911 Cụ Hồ lên tàu làm phụ bếp để ra hải ngoại. Cụ Hồ mong muốn mở rộng tầm mắt, học hỏi kiến thức, tìm cách giúp đỡ quốc dân đồng bào. Trên thực tế Cụ Hồ đã lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 rồi thành lập ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH).
Cho đến năm 1950, VNDCCH chưa được nước nào trên thế giới công nhận. Mỹ thì thấy chính phủ của Cụ Hồ tuy đa đảng, nhưng hạt nhân lãnh đạo lại là Đảng Cộng sản Đông dương nên không quan hệ dù Cụ Hồ đã viết cho TT Truman đến 8 bức thư, và dù Tuyên ngôn độc lập của VNDCCH được Cụ Hồ mở đầu bằng một câu trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ.
Còn Stalin thì biết Cụ Hồ là một người dân tộc chủ nghĩa áp đảo chứ không phải là người theo CNXH kiểu Stalin. Điều này thì Stalin đã nắm rõ từ lâu, nên trong thời gian Cụ Hồ ở Liên Xô không được phân công nhiệm vụ nào quan trọng. Chỉ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa ra đời, trơ trọi một mình Cụ Hồ mới dựa vào để kháng Pháp, được Mao Trạch Đông giới thiệu với Stalin rồi mới được phe XHCN công nhận. Từ đó Cụ Hồ ngả hẳn về phe XHCN. Chịu sự giúp đỡ của Mao Trạch Đông về vũ khí, Cụ Hồ bị Mao thúc ép cảỉ cải cách ruộng đất đến nỗi sau này phải ân hận mà thổ lộ ra cho ông Hoàng Tùng được biết. Đến cuối đời thì trong Di chúc không thấy Cụ hồ nhắc phải xây đựng CNXH.
Cụ Hồ là nhân vật chính trị đa chiều mà những điều trên chỉ là hạt muối bỏ biển khi phác họa chân dung của Cụ Hồ. Viết điều trên không phải bàn về Cụ Hồ mà để nói chuyện Cụ Hồ ra đi trên một con tàu bằng chân phụ bếp để tìm đường cứu nước mong cho đồng bào của Cụ được ấm no hạnh phúc. Cụ Hồ đã thành lập nên nhà nước VNDCCH. Nhưng tại sao nhà nước do Cụ Hồ lập nên vẫn chưa mang được niềm hạnh phúc như Cụ Hồ mong muốn? Để đến nỗi sau 74 năm nước VNDCCH ra đời các thế hệ cháu chắt, chít của Cụ Hồ vẫn phải ra đi bằng nhiều đường khác nhau? Đau xót nhất là con đường bất hợp pháp dẫn đến nhiều chục ngàn người phải bỏ xác thê thảm.
May mắn thay cho 9 người vượt biên bằng chuyên cơ của Quốc Hội. Thương lắm thay cho các cháu trẻ tuổi phải vượt biên bằng contener đông lạnh chuyên dụng, rồi ngạt thở chết thể thảm trong băng giá – 25 độ.
3. Mẹ ơi con xin lỗi mẹ mẹ ơi! Con đường đi nước ngoài không thành!
Trước lúc chết cháu Trà Mi đã nghĩ đến nhiều thứ. Không thể không tiếc cho cuộc đời còn tươi trẻ của mình. Không thể không thấy lỗi để cho bố mẹ mất con. Không thể không thấy lỗi khi để lại gánh nợ cho gia đình. Tất cả mãi còn là một nỗi ám ảnh làm cho cháu ra đi không thanh thản.
4. Các vị ĐBQH đang thảo luận những điều vô nghĩa về “thế nào là người tài” có nghe được tiếng kêu xé ruột xé gan “Mẹ ơi con xin lỗi mẹ mẹ ơi! Con đường đi nước ngoài không thành!”?
Đừng đổ lỗi cho các cháu ham giàu. Đất nước chúng ta không bằng các nước khác nên các cháu mới tìm đường vượt biên – đến nỗi chấp nhận liều cả gia tài lẫn mạng sống.
5. Tiếng kêu xé lòng của cháu Phạm Thị Trà Mi “Mẹ ơi con xin lỗi mẹ mẹ ơi! Con đường đi nước ngoài không thành!” là nhát dao đâm vào trái tim mỗi chúng ta. Chức vụ càng cao thì nhát đâm càng sâu.
Không biết Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội có nghe được tiếng kêu xé lòng của cháu Phạm Thị Trà Mi không?
Nếu nghe thấy được thì dứt khoát phải đổi thay chính sách để dân giàu nước mạnh, để không bao giờ còn những chuyến vượt biên với tiếng kêu thê thảm vọng mãi vào lịch sử như thế này!
Nguyễn Ngọc Chu
Không có nhận xét nào