Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NGƯỜI VIỆT THỜ Ơ VỚI CHÍNH TRỊ - CƠ CHẾ TẠO CON NGƯỜI

[ NGƯỜI VIỆT THỜ Ơ VỚI CHÍNH TRỊ - CƠ CHẾ TẠO CON NGƯỜI ] Khác với tiêu đề, tôi không cho rằng người Việt thờ ơ với chính trị. Họ vẫn quan t...

[NGƯỜI VIỆT THỜ Ơ VỚI CHÍNH TRỊ - CƠ CHẾ TẠO CON NGƯỜI] Khác với tiêu đề, tôi không cho rằng người Việt thờ ơ với chính trị. Họ vẫn quan tâm đến tình hình đất nước, vẫn để ý tới những vấn đề trong xã hội. Nhưng họ chỉ dừng lại ở mức độ im lặng, hoặc chia sẻ trong không gian kín với những người cùng quan điểm. Còn thể hiện bên ngoài đời thì hiếm.

Nhưng xét tổng quát, đa số người dân không bận tâm gì lắm đến cách đất nước được điều hành. Nhất là giới trẻ, vốn đắm chìm trong những phim ảnh, giải trí hoặc sự nghiệp. 

Để hiểu tận gốc vấn đề thì chúng ta phải nhìn xã hội và đất nước được vận hành ra sao.

CƠ CHẾ ĐỘC TÀI VÀ LÁ PHIẾU VÔ NGHĨA - Trước khi nói đến bất cứ yếu tố nào khác thì bạn phải thừa nhận rằng Việt Nam là một nước độc tài. Nghĩa là về lập trường chính trị, chỉ có một tổ chức mới được quyền điều hành và cho mình sự độc tôn trong bộ máy. Bất cứ cá nhân hay đơn vị nào khác có ý đồ cạnh tranh sẽ bị dẹp bỏ ngay lập tức.

Từ Liên Xô, Bắc Hàn, Trung Quốc cho tới Cuba - người dân chỉ là kẻ bị cai trị và không có nhận thức được sự độc tài đó. Trong tư duy họ, đảng phái độc tôn đó là chính quyền của nhân dân. Nếu bạn chống họ thì bạn đang chống lại đất nước. 

Khác với cơ chế dân chủ cộng hoà, vốn cho người dân quyền để chọn người đại diện, lá phiếu ở những cơ chế độc tài gần như vô nghĩa. Khi bạn đi bầu cử quốc hội hoặc hội đồng thì kết quả đã được quyết định trước. Vì người dân không được tham gia trực tiếp vào các cuộc thảo luận cho nên họ mặc kệ. Im lặng đứng nhìn diễn biến là cách duy nhất để sống.

KHÔNG TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ KIỂM DUYỆT - Để có một tầng lớp dân chúng quan tâm đến việc điều hành đất nước thì trước tiên phải có sự tự do ngôn luận để họ yên tâm bày tỏ chính kiến của mình. Đây là nền tảng của mọi sự thay đổi. Một dân tộc dù tài ba và ưu việt cỡ nào thì cũng sẽ như những người câm nếu không được nói.

Ở Việt Nam và những nước độc tài khác, ngôn luận được một tổ chức chính trị kiểm duyệt. Bất cứ thông tin tiêu cực hay trái chiều gì cũng sẽ bị dẹp bỏ. Đó là tại sao nếu muốn làm báo chí hay truyền thông thì phải thông qua cơ quan nhà nước. Hàng trăm hoặc ngàn tờ báo khác nhau nhưng quan điểm chỉ như một. Vì nó không phải là phương tiện để đưa tin tức đa chiều, mà chỉ là chỉ thị từ trên gửi xuống.

Vì bị bịt miệng và cấm đoán hoàn toàn cho nên bạn ít khi nào nghe đến các ý kiến phản biện. Một cá nhân khi đã bắt đầu tham gia tranh luận trái chiều sẽ trở thành mục tiêu dòm ngó. Cho nên bạn chỉ có thể tham gia ủng hộ và có quan điểm tích cực chứ không thể nào nói ngược lại.

HỆ LUỴ XÃ HỘI - Đó chỉ là phát biểu thôi, còn hoạt động bên ngoài thì càng không thể xảy ra. Bất cứ hành vi nào cũng được cho là ‘chống nhà nước’ và kèm theo những hệ luỵ. Nếu tham gia biểu tình, bạn sẽ bị bắt, bị đuổi học, bị cho nghỉ việc, bị xách nhiễu hoặc bị tước quyền công dân. Đánh kinh tế là cách cơ bản để tiêu diệt khả năng chống đối của người dân.

Còn ở mức quan hệ xã hội bạn bè hay gia đình cũng không khá hay tích cực hơn. Nếu đi gặp gỡ bạn bè mà nói về tình hình đất nước thì sẽ bị mọi người kỳ thị ngầm. Họ sẽ kêu bạn “Im đi,” “Lo cho mày đi” hay “Rảnh quá lo chuyện chính trị.” Nếu bạn ngoan cố tiếp tục thì họ sẽ xa lánh bạn. Họ không muốn bị liên luỵ.

Một cá nhân dù thiết tha cỡ nào thì nếu không có sự ủng hộ từ người thân và bạn bè cũng sẽ nản và từ bỏ. Vì không ai muốn trở thành người đơn độc. Cho nên dù có quan điểm trái chiều và tiêu cực thì vẫn im lặng giả vờ đồng ý. Đó là tại sao những ý kiến ‘phản động’ chỉ xuất hiện chủ yếu trên không gian mạng, còn ở ngoài đời thì cực kỳ ít, vì áp lực số đông.

TẨY NÃO - Một trong những thành tựu của chính quyền độc tài là tẩy não người dân, nhất là các bạn trẻ. Chỉ cần giáo dục học sinh theo đường lối hoạch định thì nó sẽ là một người trung thành suốt đời. Ở đất nước này thì đó là điều hiển nhiên.

Nền giáo dục không khuyến khích tư duy và cấm đoán phản biện. Học sinh chỉ có việc là học và nhớ. Ai nhớ nhiều, biết vâng lời là trò ngoan. Còn ai hay ý kiến và lý luận thì bị đánh giá là không ngoan hiền. Từ nhỏ đã được nhồi phải “Yêu Ai Đó,” lớn lên chút thì ép phải tham gia các hoạt động đoàn. Khi lên đại học thì lại bị nhét vào đầu những tư tưởng triết lý lỗi thời.

Kết quả là một thế hệ bị tẩy não không có khả năng tranh luận hay phản biện. Nếu lướt qua các diễn đàn thì sẽ thấy đa số ý kiến là cười đùa và chửi, còn để được như các diễn đàn Phương Tây với quan điểm đa chiều là điều gần như không thể. 

KẾT LUẬN: TƯƠNG LAI SẼ RA SAO - Với những bất cập nói trên, người dân Việt Nam như những con cừu ngoan. Họ như những con chim bị nhốt vào lồng và cho rằng bay là một căn bệnh. Họ như những cháu ngoan dễ bị kích động nếu ai đó nói xấu đất nước và cơ quan điều hành. Bạn đang lầm tưởng rằng yêu nước là phải yêu Tổ Chức.

Dưới cơ chế miêu tả trên, sẽ cực khó để có quan điểm trái chiều. Cho nên người Việt thờ ơ với đất nước vì biết rằng có nói cũng như không, có ý kiến cũng vô ích và có bày tỏ quan điểm thì cũng không được gì. Cho nên họ im lặng, rồi từ từ biến thành vô tâm, rồi thờ ơ. Theo thời gian thì nó biến thành sự cam chịu và chấp nhận. 

Người bên trong thì nghĩ rằng đất nước đang yên bình và hạnh phúc. Người ngoài nhìn vô thì nghĩ là họ hài lòng. Nhưng nếu sống đủ lâu thì sẽ cảm thấy nơi này không khác gì trại tù khổng lồ với những tù nhân tự nguyện.

Ku Búa @ Cafe Ku Búa



Không có nhận xét nào