TÂM LÝ KẺ BỆNH PHU Muốn dân tộc lớn mạnh và văn minh, phải thay đổi nền tảng từ nhận thức, nó dẫn tới hành vi, nó tạo nên tập tính và văn ho...
TÂM LÝ KẺ BỆNH PHU
Muốn dân tộc lớn mạnh và văn minh, phải thay đổi nền tảng từ nhận thức, nó dẫn tới hành vi, nó tạo nên tập tính và văn hoá của dân tộc. Và nó sẽ thể hiện tầm vóc một quốc gia trước thế giới.
Người Nhật đã viết và nói tới từng cái “được cho là nhỏ nhất” giữa con người với con người để họ học tập và tu sửa mình trong từng lời ăn tiếng nói - giữa vợ với chồng; giữa cha mẹ với con cái; giữa đàn ông và phụ nữ; giữa người lớn với trẻ em; giữa thanh niên với người già; giữa con người với tự nhiên (không gian, khung cảnh, thời gian); giữa công dân với cộng đồng và cuối cùng là quốc gia (quốc thể).
Chúng ta đang rơi vào trạng thái một gã bệnh phu nhưng tự phụ - cái gì cho là quan trọng mới làm - thế nên chẳng ai muốn làm cái gì cả. Hai từ văn minh xuất phát cốt lõi từ hai từ “tinh tế”, mà sự tinh tế (mời tra tự điển tiếng Việt) chính là nói tới sự để tâm hành xử với những điều/chi tiết nhỏ bé. Một bộ máy không thể vận hành khi có một bộ phận bị trục trặc hoặc có vấn đề (vì thế luôn phải rửa máy lọc cặn, thay dầu, tăng xích...).
Tôi luôn đề cao nhất một nguyên tắc: Muốn có một rừng cây, phải chăm sóc tốt nhất cho từng cái cây. Vì muốn giữ được một cánh rừng, phải giữ được từng cái cây trong khu rừng đó. Vì thế, không có gì là việc nhỏ và không có thứ được gọi là không đáng để nói tới.
Vì coi nhẹ những điều nhỏ bé, nên người ta không giáo dục sự tinh tế cho những đứa trẻ, mà nó lại là giá trị cơ bản của một xã hội văn minh. Vậy nên dân ta quen ăn to nói lớn nơi công cộng, xả rác bừa bãi, làm toáng lên mọi việc giản đơn, nhưng lại làm cho nhỏ lại các sai phạm khổng lồ, coi tội lớn là không đáng kể gì. Họ cũng làm biến thể ngôn ngữ tiếng Việt, họ viết sai chính tả, viết sai sự thật, khoa học, và họ vẫn xuê xoa bỏ qua vì không thấy nó nghiêm trọng.
Vì không đi vào sự tinh tế, nên đa phần sống hời hợt, thiếu chiều sâu tới mức họ truyền tai nhau câu cửa miệng: ngu si hưởng thái bình. Và vì thế, cái ngu si đó đã đẩy xã hội tới các thảm cảnh ngày hôm nay. Họ còn chẳng biết phản ứng với những cái ngô nghê và ngớ ngẩn của người khác, nhất là quan chức trong chính quyền, vì họ coi nó “chẳng đáng gì cả”.
Lê Luân
Không có nhận xét nào