Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

THÀ Ở LẬU XỨ NGƯỜI CÒN HƠN LÀM CÔNG DÂN XỨ VIỆT - 39 NGƯỜI NHẬP CƯ LẬU CHẾT Ở ANH

[ THÀ Ở LẬU XỨ NGƯỜI CÒN HƠN LÀM CÔNG DÂN XỨ VIỆT - 39 NGƯỜI NHẬP CƯ LẬU CHẾT Ở ANH ] Chưa bao giờ danh tiếng “Việt Nam” lại nổi tiếng như n...

[THÀ Ở LẬU XỨ NGƯỜI CÒN HƠN LÀM CÔNG DÂN XỨ VIỆT - 39 NGƯỜI NHẬP CƯ LẬU CHẾT Ở ANH] Chưa bao giờ danh tiếng “Việt Nam” lại nổi tiếng như ngày hôm nay. Khi gần như tất cả tờ báo quốc tế đưa hình chụp tin nhắn tiếng Việt của một nạn nhân lên trang đầu. 

Trong tổng 39 người nhập cư lậu đã chết trong xe tải ở Anh thì ước tính phần lớn là người Việt mang giả hộ chiếu Trung Quốc. Lý do là họ đi theo đường buôn người. Từ miền Bắc đi sang Trung Quốc làm giả giấy tờ, sau đó đi đường bộ hoặc máy bay sang Châu Âu. Đến nơi thì chờ thời núp trong xe tải rồi trốn sang Anh.

Điều làm nhiều người ngạc nhiên là mỗi nạn nhân phải chi trả tổ chức buôn người tầm 30,000 Bảng Anh, tầm 900 triệu VND. Với số tiền đó thì một người có thể làm nhiều thứ ở quê nhà. Nhưng không, họ chấp nhận đánh cược với mạng sống.

Năm vừa rồi tôi có chuyến đi qua Đài Loan. Sau hơn 3 giờ trên không, tôi đáp xuống sân bay Đài Bắc (Taipei). Mặc dù không mang theo hành lý ký gửi nhưng tôi rất mệt vì trong suốt khoảng thời gian ngồi, tôi không ngủ mà chỉ giả vờ nhắm mắt.

Tôi nghe thầm người ngồi sau bàn tán nhau về việc trả lời ra sao khi nhân viên an ninh Đài Loan hỏi. Tôi không nhiều chuyện nên chỉ lắng nghe. Trong lòng thì hơi bực và chửi thầm: “Vì những người như vậy cho nên Việt Nam mang tiếng.”

Khi ra khỏi máy bay và đi đến cửa khẩu thì mọi thứ trở nên lộn xộn hơn. Những người có nét mặt đồng quê, da thì đen, giọng nói thì chắc chắn không phải dân thành thị - trở nên lúng túng. Họ lo sợ điều gì, tôi chẳng hiểu.

Tôi bước đến xếp hàng, dù chỉ đứng chờ 5 phút nhưng chứng kiến nhiều điều phẫn nộ. Đó là các du khách khác chỉ mất tầm một phút, nhân viên kiểm tra, đóng dấu lên hộ chiếu, rồi họ đi. Còn những ai cầm cuốn hộ chiếu màu xanh của nước CHXHCNVN đứng lâu hơn nhiều. Nhân viên hỏi cả chục câu. Có 2-3 người bị nhân viên mời vào phòng để hỏi riêng. Tất cả mọi người đứng đều thấy nhưng lờ đi, như cảm thấy có điều gì đó xấu hổ.

Riêng tôi thì may mắn được đi nhiều nơi nên không bị làm khó gì. Chỉ được hỏi ở đâu, làm gì và bao lâu. Nhưng thay vì gửi một nụ cười như với bao công dân khác, tôi chỉ nhận được bộ mặt lạnh. Chẳng vấn đề gì cả, chuyện nhỏ.

Khi tôi kể điều này với người bạn của tôi đã ở quốc đảo này đủ lâu để hiểu chuyện, thì có chút cảm thông và bực bội.

Nơi này là quê hương của hơn 200,000 cô dâu Việt. Còn 200,000-300,000 còn lại thì đi xuất khẩu lao động. Đó chỉ là ước tính, còn con số thực tế thì khó mà biết. Người Việt trốn ở lại Đài Loan rất nhiều, tầm 25,000 người. Có thể nó chỉ là con số nhỏ so với dân số hay số người Việt, nhưng vẫn là lực lượng ở lậu khổng lồ.

Họ là những công nhân hết hợp đồng nhưng trốn ra ngoài để đi làm thay vì về nước khi hết visa. Họ là những người ở quê đi qua dưới danh nghĩa du lịch rồi trốn ở lại. Nhiều người còn lách luật bằng cách đi làm 2-3 tháng rồi về, rồi quay lại tiếp. Cứ như thế vòng xoay ở lậu tiếp diễn.

Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao lại như vậy chưa? Tại sao họ không ở quê mình làm ăn mà phải ăn nhờ ở đậu nơi khác. Đâu ai muốn trở thành những người không giấy tờ và sống ngoài vòng pháp luật. Cũng chẳng ai muốn bị săn tìm bởi cảnh sát vì ở lại trái phép cả. 

Họ đi làm bên ngoài cho các người chủ nông trại hay ở các nhà máy. Lương trả bằng tiền mặt. Không y tế, không bảo hiểm, không được ai bảo vệ và không được phúc lợi gì. Nếu lỡ bị tai nạn thì chẳng ai giúp. Nhưng bất chấp bao rủi ro, họ vẫn mạo hiểm và đánh cược.

Trước khi chửi thì hãy nhắm mắt suy ngẫm. Vì họ quá nghèo và hết đường sống rồi. Dù làm chui ở lậu nhưng họ vẫn có thể kiếm được 10-20 triệu mỗi tháng để gửi về nuôi gia đình. Ở quê thì ruộng lúa thất mùa, công việc thì không đến đâu, lương không đủ sống và tương lai mù mịt. Nên họ ra đi, vì khi cái bụng bạn đói thì liêm sỉ hay danh dự chẳng có ý nghĩa gì cả.

Dù đất nước đã thống nhất và chiến tranh đã chấm dứt hơn bốn thập niên nhưng người Việt vẫn tìm cách trốn thoát. Trước đây bằng thuyền còn bây giờ thông qua con đường du học, hôn nhân, đầu tư visa, lao động chui và mạo hiểm nhất là nhập cư trái phép. 

Riêng ở Anh thì thuật ngữ “Vietnamese” được gắn liền với các nhóm trồng buôn cần sa và nhập cư lậu. Trong mắt người bản xứ và bạn bè quốc tế, chúng ta thật đáng khinh. Tôi cũng không biết nên nguyền rủa hay trách các nạn nhân. Quá khờ để nghĩ rằng có thể đi lậu, quá dại khi tin những kẻ buôn người và quá ngốc để đánh cược mạng sống. Nó không những làm ảnh hưởng đến uy tín của tất cả người Việt khác mà còn hạ thấp danh dự quốc gia.

Từ Đài Loan cho đến Châu Âu, người Việt trở thành dân tộc ăn nhờ ở đậu khắp nơi. Họ chấp nhận bị bạn chửi là những kẻ ở lậu, những người bất hợp phát hay những “nỗi nhục nhã cho đất nước.” Họ mặc kệ, tính mạng quá rẻ để có lòng tự trọng, gia đình mình đói thì có chết cũng chẳng sao. 

Ai đã khiến người dân đất nước này trở nên bần cùng như vậy? Những người điều hành đất nước này đã làm gì để biến nó thành nơi dừng chân cho công dân của mình? Cái nghèo đã cướp đi danh dự của họ rồi. Như vị thế đất nước này vậy, nó không còn chút giá trị. 

Chừng nào người Việt mới hết ra đi, cho tới bao giờ họ mới coi nơi đây là quê nhà thay vì một trạm dừng chân để mơ tưởng đến vùng đất khác? Những người nghèo đó sẽ tiếp tục làm chui ở lậu. Vì thà ở lậu xứ người còn hơn làm công dân xứ CHXHCNVN. [26.10.2019]
 
Ku Búa @ Cafe Ku Búa



Không có nhận xét nào