Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

ĐỪNG VỘI CHÊ SINH VIÊN VIỆT NAM. SINH VIÊN MỌI NƠI ĐỀU ''LỞM'' Y NHƯ NHAU CẢ.

ĐỪNG VỘI CHÊ SINH VIÊN VIỆT NAM. SINH VIÊN MỌI NƠI ĐỀU ''LỞM'' Y NHƯ NHAU CẢ.  Các  nhà tuyển dụng ở Việt Nam đang than vãn ...

ĐỪNG VỘI CHÊ SINH VIÊN VIỆT NAM. SINH VIÊN MỌI NƠI ĐỀU ''LỞM'' Y NHƯ NHAU CẢ. 

Các  nhà tuyển dụng ở Việt Nam đang than vãn quá nhiều về sinh viên Việt Nam mà quên mất rằng các em đó chỉ là sản phẩm của một nền giáo dục còn nhiều lệch lạc. Chúng ta nên đối diện với thực tế rằng sự tái đào tạo luôn là cần thiết và mọi doanh nghiệp sẽ đóng một vai trò lớn trong công tác này. 

Tôi vẫn còn nhớ, cách đây đúng mười năm, khi tôi bắt đầu kì thực tập tại một Văn phòng Kiến trúc của Thụy Sĩ ở Hà Nội.. Năm thứ 3 ĐH, lần đầu tiên tham gia thực hành ở một môi trường quốc tế, cũng giống như nhiều bạn trẻ khác, cảm hấy rất háo hức. Khác với các đồ án ở trường, khi tham gia vào những đồ án ở đây, ban đầu sếp giao cho sinh viên thực tập (intern) những việc đơn giản, phù hợp với mức chi phí mà người ta trả cho sinh viên đó. Làm mô hình, giao tài liệu, dọn dẹp xưởng làm việc, vẽ triển khai, vẽ sơ đồ, pha cà phê, đủ cả, không nề hà việc gì.   

Một hôm, tôi được giao cho thực hiện 1 bản vẽ, sau khi trình Sếp, tôi nhận được một cuộc điện thoại về bàn yêu cầu lên gặp sếp. Ngay lúc đó tôi đã biết rằng mình đã làm một điều gì đó không ổn. Tôi gặp Sếp trong phòng làm việc, ông ta ngồi trên ghế và phía trước là bộ bản vẽ tôi trình lên. Sau đó ông nói rằng ông không thể hiểu tôi muốn nói điều gì ở trong bản vẽ này? Không có tỷ lệ, không có keyplan, không đủ chú thích, căn lề sai, tương quan bản vẽ không ngay ngắn, không bộc lộ được ý tứ của bản vẽ, nói tóm lại ông cho rằng không một ai có thể làm việc trên bản vẽ đó – ngoài tôi. Và điều đó là thất bại bởi vì đây không phải là công việc mà tôi được phép làm một mình. Như tất cả mọi người khác, ông yêu cầu tôi phải hợp tác và tạo ra những sản phẩm để người khác có thể tìm kiếm thông tin ở đó, tiếp  tục phát triển nó hoặc gửi trả lại những phản hồi để tôi tự hoàn thiện sản phẩm của mình. Sếp yêu cầu tôi về chỗ làm lại, không quên nói đùa rằng trong suốt nhiều năm thực hành nghề, chưa bao giờ ông cảm thấy bị làm nhục bởi một bản vẽ vớ vẩn đến thế. Hehe.

Tôi làm lại bản vẽ đó một lần nữa, và trình lên, và sếp vẫn chưa hài lòng. Tôi cứ vẽ đi vẽ lại có đúng 3 tờ giấy A3 như thế trong suốt 2 tuần. Cho đến một hôm sếp gọi tôi lên, trước mặt ông lại là tập bản vẽ mới và bên cạnh là tập bản vẽ cũ. Ông đặt chúng ra trước mặt và nói rằng cuối cùng tôi cũng đã làm ra được một cái gì đấy mà người khác nhìn vào thì có thể hiểu và đưa ra phản hồi. Ông bảo tôi rằng tất cả các vấn đề ở trong  bản vẽ này đều đã được chốt từ 10 ngày trước nhưng tôi vẫn phải làm nó cho xong thì thôi (dù chẳng ai cần đến nó nữa) và ông nhấn mạnh rằng Quang ạ, tao trả tiền cho mày để làm việc chứ không phải là để tạo thêm công việc cho bọn tao. 

Tôi, một sinh viên thuộc diện ''nổi bật'' trong trường ĐH, đã trải qua những ngày chật vật và áp lực như vậy trong suốt nhiều năm cho đến tận bây giờ bởi vì tất cả mọi người đều đặt ra yêu cầu cao. Tôi học hỏi từ sếp, từ các anh trưởng nhóm, từ giám đốc thiết kế cho đến bạn bè đồng nghiệp. Tôi học từng cái nhỏ nhất, học nói một câu sao cho đúng, hỏi một câu sao cho trúng vấn đề, viết một cái thư sao cho đạt được mục đích và hơn hết là học tập để hỗ trợ mọi người.

Một ngày nọ Sếp bảo tôi rằng VP sẽ gửi tôi sang bên Thụy Sĩ để làm việc và học nghề. Trước khi đi Sếp bảo tao nghĩ mày nên dành thời gian đi tham quan du lịch châu Âu, đi nhiều vào mà học, Thế giới đéo bao giờ nằm cả ở trên mạng đâu, kệ mẹ các sếp ở Geneva, hoho. Tôi liền làm theo.  

Một ngày khác, Sếp bảo tôi rằng có lẽ tôi đã làm việc quá nhiều ở lĩnh vực thiết kế Ý tưởng và điều đó biến tôi trở thành kẻ ảo tưởng bởi những gì mình làm (dù rằng tôi có thể thắng các cuộc thi thiết kế) và sau đó ông đưa tôi vào một nhóm làm việc kĩ thuật trong một đồ án ở bên Singapore. Phải chật vật lắm thì tôi mới vượt qua 2 năm đó, vật lộn với độ chính xác trong các bản vẽ, với số lượng bản vẽ (hàng trăm, hàng nghìn bản) và với đòi hỏi từ các cộng sự địa phương (local partner). 

Rồi một hôm, Sếp bảo rằng có lẽ đã đến lúc tôi trở thành trưởng nhóm thiết kế rồi, và sau đó tôi lại tiếp tục chật vật để làm cái điều mà trước đó tôi nghĩ là ‘’nhàn’’. Bởi vì việc phải đưa ra quyết định là không dễ dàng, nó đòi hỏi ta có đủ kinh nghiệm, có đủ lòng tin và đủ tầm nhìn trong những giá trị mà văn phòng này theo đuổi (chứ không phải là văn phòng khác).

Tôi cũng bắt đầu làm nhiều đồ án cá nhân ở bên ngoài, Sếp bảo tôi rằng cũng ổn thôi, tao biết rằng tao sẽ không bao giờ có thể ngăn cản điều đó khi mày trưởng thành hơn. Một ngày nọ, đồ án của tôi được đem đi thuyết trình ở nước ngoài, sếp tôi cũng có mặt trong sự kiện ấy. Ông ta kéo tôi lại chỗ những người bạn của ông, các ‘’sếp’’ ở các văn phòng khác (đều là những KTS nổi tiếng TG) ông ta chỉ vào tôi và nói với mọi người rằng ‘’thằng này nó là nhân viên của tao, nhưng ngày hôm nay nó ở đây để đại diện cho chính Kiến trúc của Nó, cho cái văn phòng kiến trúc riêng của nó (có 1 nhân viên duy nhất, - là tôi) , chứ không phải cho Văn phòng tao’’. 

Tôi vẫn nhớ trong suốt sự kiện ấy Sếp luôn rủ tôi đi tham gia các chương trình khác cùng với ông ta, trên tư  cách là một người bạn chứ không phải là một nhân viên – những chương trình mà tôi không hề được mời (người ta chỉ mời các ‘’tên tuổi’’ thôi).hoho. 

Rồi một ngày, đến lượt tôi nói với Sếp. Tôi bảo với sếp rằng mình sẽ rời khỏi Văn phòng để đi học tập thêm. Sếp nói đừng vội rời đi và đặt ra cho tôi một vị trí cộng tác viên từ xa với văn phòng kèm một mức lương tốt. Tôi liền nhận lời và vẫn làm việc qua mạng với Văn phòng đó cho đến nay. Hôm chia tay để đi nước ngoài, Sếp chỉ vào tôi và bảo với mọi người rằng khi ông còn trẻ, trong lớp ông có một thằng luôn được thầy giáo cho đi muộn, về muộn, cho phép mắc sai lầm đôi khi... Khi đó ông hỏi thầy và thầy giáo nói với ông rằng ai cũng có lúc phải tạo ra ngoại lệ và rồi nhiều năm sau khi đứng trước tôi, một sinh viên thiếu kỉ luật, ảo tưởng bản thân, vô trách nhiệm, không có kế hoạch … ông đã đưa ra quyết định rằng đó là lúc để chính ông tạo ra một ngoại lệ cho mình.

Mối quan hệ của tôi và Sếp đã như vậy suốt nhiều năm qua. Dù không nói ra nhưng tôi luôn coi ông ấy là người Thầy của mình. Đối với nghề nghiệp, tôi học mọi thứ từ ông ấy, thậm chí kể cả cách buông lời châm chọc, mỉa mai. Tôi luôn luôn yêu mến các sếp của tôi, không bởi vì họ trả lương nuôi sống tôi mà bởi vì họ đã dạy tôi trở thành một người có tự trọng nghề nghiệp và biết thực hiện công việc của mình một cách nhẫn nại. 

Sau này khi làm việc cũng như làm trợ giảng ở nước ngoài, tôi vẫn làm việc chuyên môn ở lĩnh vực thiết kế Ý tưởng và thường xuyên phải làm việc với các em sinh viên trẻ mới xong Cử Nhân (Bachelor). Tôi thường cố gắng để hướng dẫn họ và đồng thời học những cái mới từ họ. Có nhiều kĩ năng của tôi đã quá cũ khi đứng trước những người trẻ. Sinh viên thực tập của Văn phòng tôi, có những bạn học TU, học AA, học Harvard, học ETH, nói chung đều là những ngôi trường ‘’đỉnh cao’’. Nhưng ta cần nhớ rằng họ mới chỉ là sinh viên thực tập mà thôi, và sự trau dồi là điều không thể thiếu.
 
Các nhà tuyển dụng Việt Nam cũng vậy, trước khi than trách về chất lượng của nguồn nhân lực, ta cần tự ý thức rằng mình đã là một ‘’nhà tuyển dụng có tâm'' hay chưa? hay ta cũng mới chính là những kẻ chầu chực ăn sẵn mà thiếu đi sự quan tâm để phát triển con người – điều mà Giáo dục Việt Nam vốn dĩ đã thất bại trong suốt hai thập niên qua.
 
Sinh viên ở mọi nơi, kể cả từ những ĐH hàng đầu của TG, đều ''lởm'', không kiểu này thì kiểu khác, đó là Sự thật. Họ khao khát môi trường làm việc để rèn luyện thêm. Nhà tuyển dụng nên tạo ra cho họ cơ may đó giống như cái cơ hội mà ông Sếp ở trên đã trao cho tôi khi tôi còn đang là một sinh viên năm thứ 3, cơ hội để hỗ trợ người khác và rồi tìm hiểu chính bản thân mình. 

#XND Le Quang
Trong một ngày mùa thu đã có lá bay. 

Ảnh: Nghiên cứu về kiểu hình (building typologies) và dự báo luồng người (people's flow simulation) do nhóm sinh viên thực tập làm. Nếu trao cho người trẻ tuổi không gian làm việc và phát triển thì họ sẽ có thể làm tốt và đôi khi ta nhận ra rằng họ làm được những việc mà chúng ta chỉ đơn giản là ‘’đéo’’ làm được. Bởi lẽ ta thường bị ràng buộc trong những gì ta ''biết'' và những gì ta có thể ''mất'', còn họ thì không.



Không có nhận xét nào