VẤN ĐỀ TĂNG GIỜ LÀM Ông Nhân có những phát biểu có thể chưa chuẩn (phần nào bị báo chí cắt xén) về việc sinh con, về giáo dục đảng viên ấu ...
VẤN ĐỀ TĂNG GIỜ LÀM
Ông Nhân có những phát biểu có thể chưa chuẩn (phần nào bị báo chí cắt xén) về việc sinh con, về giáo dục đảng viên ấu dâm, về giải quyết vấn đề Thủ Thiêm... Những gì không chuẩn thì các bạn có quyền phản biện, nhưng riêng việc phản bác ý đồ tăng giờ làm trong dự luật lao động mà ông Nhân phát biểu hôm qua là đúng. Cái gì đúng thì nên ủng hộ.
Theo tôi, giờ làm việc là sinh mệnh của người lao động. Không thể ấm ớ bấm nút thông qua dễ dàng, coi sinh mệnh của người lao động là một thứ công cụ làm tiền cho những ông chủ, dù là chủ nhà nước hay chủ tư bản.
Tôi không bàn về khía cạnh gia đình hạnh phúc hay không khi tăng giờ làm. Bởi vì sẽ có những quốc gia, dân tộc, và cá nhân thấy việc cần tăng giờ làm việc là hạnh phúc. Nhưng đó là sự tự giác chứ không phải quy định của pháp luật. Như người Nhật, trong những năm gần đây, dù đã hết giờ làm việc, họ vẫn tiếp tục làm quá quy định dẫn đến Thủ tướng của họ ra quyết định bắt buộc phải rời công sở ngay khi đã hết giờ. Mục đích của Thủ tướng Nhật là đảm bảo sức khỏe của công dân. Nhiều dân tộc trong những thời điểm lịch sử cần gia tăng thời gian làm việc để đối phó với hoàn cảnh khó khăn hay chiến tranh, cần phải cấp bách làm việc cả ngày lẫn đêm, như Việt Nam thời kháng chiến chẳng hạn. Kể cả những cá nhân ngoài đời hiện nay rất cần làm thêm giờ để tăng thu nhập.
Nhưng những trường hợp trên là làm thêm giờ, tức ngoài quy định chứ không phải quy định, và hiển nhiên phải được hưởng thù lao ngoài giờ theo luật.
Nếu đưa vào luật định (hơn 8 tiếng/một ngày) thì cũng có nghĩa là người lao động sẽ không hưởng được gì hoặc hưởng rất ít tiền thù lao so với công sức mình bỏ ra. Sức lao động bị rút kiệt và quyền lợi bị tước đoạt nhưng lại được hợp pháp hóa bằng trò chơi khốn nạn của quyền lực.
Đòi sửa luật tăng thời gian lao động (9 đến 10 tiếng/ngày) để gọi là "tăng năng suất" chỉ có thể là:
1) Thiếu hiểu biết về khái niệm năng suất lao động. Năng suất, theo kinh tế học, không tỉ lệ thuận mà tỉ lệ nghịch với giờ làm việc. Khi công việc không đổi, lượng sản phẩm đầu ra không tăng mà tăng giờ làm thì ắt lãng phí thời gian lẫn nhân lực. Điều này đang diễn ra tại Việt Nam, lẽ nào các đại biểu không nhìn thấy? Một lượng công chức rất đông cho những công việc đơn điệu, vẫn sáng cắp ô đi chiều cắp ô về đủ 8 tiếng mỗi ngày, nhưng công việc thì vẫn ách tắc, trì trệ. Việc quy định tăng giờ làm chỉ có lợi cho những cá nhân muốn trốn tránh gia đình để hú hí với bồ nhí, rượu chè, cờ bạc và đĩ điếm. Thật đấy!
Hiểu năng suất tỉ lệ thuận với thời gian thì chỉ có thể ở trình độ chăn bò, người chăn bò lấy thời gian bò ăn cỏ làm chuẩn, chứ cấp tiểu học thì đã học rồi.
Việc cải tiến công cụ lao động, phương tiện máy móc để giảm thời gian, công sức lao động, tức tăng năng suất, là bài toán con người đã đặt ra và giải quyết từ thời cổ đại.
2) Âm mưu bóc lột người lao động đến tận xương tủy, nhất là những người có năng lực và lao động thực sự. Điều này chỉ có chủ nghĩa tư bản hoang dã mới làm. Những người có năng lực và lao động thực sự bị nhốt tại các công ty, nhà máy để làm giàu cho những ông chủ mà không được hưởng gì thêm ngoài tiền lương còm cõi. Ngay tại Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dù luật hiện hành quy định ngày làm 8 tiếng và có cả quy định thù lao làm việc ngoài giờ với định mức rõ ràng, nhưng vẫn xảy ra hiện tượng bóc lột người lao động thậm tệ. Hiện nay Luật Lao động quy định trả 200 đến 250% cho lao động thêm giờ, nhưng có cơ quan, đợn vị nào thực hiện? Riêng nhà giáo chỉ được tính giờ đứng lớp, còn thời gian thức thâu đêm soạn giáo án, giáo trình và nghiên cứu thì không được tính giờ nào. Việc dạy thêm vào thứ Bảy, Chủ Nhật hay ban đêm, đã có cơ quan, đơn vị nào tính tiền cho người lao động đúng theo Luật Lao động chưa?
Nay quy định tăng giờ làm việc không phải để bóc lột đến kiệt sức người lao động là gì? Đó là một tư duy phản động, phản tiến hóa. Vào thời tư bản hoang dã, nhân loại đã từng đứng lên đấu tranh đòi "tăng lương, giảm giờ làm", đấu tranh bằng cả núi xương sông máu đấy, lẽ nào Việt Nam với nền kinh tế thị trường đang định hướng về thời hoang dã của mấy thế kỷ trước?
Không tính tăng tiền lương mà chỉ tính tăng giờ làm thì chỉ có thể là cái đầu khốn nạn của kẻ chiếm hữu nô lệ hay tư bản tham lam hoang dã.
Sức khỏe là hạnh phúc. Lao động quá sức chỉ làm lợi cho các ông chủ và bệnh viện, còn sức khỏe của dân thì bị vắt đến kiệt cùng. Thật xót xa khi nhìn thấy tại trường tôi, giảng viên phát hiện mắc đủ các thứ bệnh mỗi khi trường tổ chức khám bệnh hàng năm, và nhiều giảng viên vừa nghỉ hưu được vài tháng là chết.
Không thể lấy lý do về sự lười biếng lao động mà tăng giờ làm. Thành phần lười biếng nhất hiện nay tại Việt Nam chỉ có đội ngũ công chức – viên chức nhà nước thuộc diện con ông cháu cha. Nhưng đã lười biếng thì có tăng giờ làm vẫn là thứ lao động đối phó, sáng cắp ô đi chiều cắp ô về cho hết thời gian chứ không tăng một chút năng suất nào.
Tôi ủng hộ ông Nhân và phản đối dự luật tăng giờ làm, kể cả tăng tuổi hưu mà tôi đã viết. Điều quan trọng hiện nay là siết chặt kỷ luật lao động, quản lý, điều hành nhân sự và công việc hợp lý để tăng năng suất chứ không phải tăng giờ làm, kể cả giám sát và yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện chi trả tiền công đúng luật, chống bóc lột để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Bóc lột là một hành vi giết người, sát hại cả một cộng đồng, dù hành vi đó được nhân danh "lao động là yêu nước" hay "lao động là vinh quang".
Năng lực gắn liền với năng suất lao động cụ thể, bất luận là loại lao động nào, công nhân quét rác hay giáo sư, tiến sĩ. Học hàm học vị hay tướng tá mà không hoàn thành công việc thì vẫn là kẻ ăn bám, trong khi một chị công nhân quét rác mà hoàn thành vượt mức công việc của mình vẫn là cá nhân có năng lực. Năng suất được tính bằng hiệu quả lao động trong thời gian sớm nhất chứ không phải ở sự cù cưa thời gian. Và như vậy, hiển nhiên, đến lúc dẹp bỏ trả lương theo địa vị, danh vọng, tuổi tác hay cào bằng cá mè một lứa. Việc tính tiền công thỏa đáng theo năng lực hay năng suất lao động là điều cần làm để phát huy năng lực và động lực lao động.
Bây giờ mà còn ngồi bàn qua tán lại thế nào là nhân tài hay năng lực để có được định nghĩa hay và trả lương tương ứng với cái định nghĩa siêu hình ấy thì chỉ có thể là những cái đầu ngớ ngẩn bị đặt ngồi nhầm chỗ trong Quốc hội.
Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào